Mực nước còn xuống thấp ở các tuyến kênh cấp 3, kênh nội đồng trên địa bàn TP Cần Thơ.
Trong thời gian trên, ở vùng thượng nguồn ĐBSCL, gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ, đầu nước tiếp tục thấp, khó khăn bơm tát ở các vị trí xa kênh trục. Vùng giữa ĐBSCL, gồm một phần TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông khi chân triều thấp, sông Cổ Chiên ngọt xuất hiện từ 35-45km, sông Hậu 35-45km, sông Vàm Cỏ 90-105km, sông Cái Lớn 55-65km. Các sông Hàm Luông, cửa Đại và cửa Tiểu khả năng lấy nước hạn chế do mặn nền tiếp tục duy trì cao. Các địa phương cần chủ động các biện pháp tích trữ nước phục vụ sinh hoạt, tích nước ngay khi có thể để đề phòng mặn tiếp tục cao. Vùng ven biển ĐBSCL, gồm Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang cần chủ động các biện pháp chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt, chủ động tích nước trước khi mặn tăng cao hơn.
Những ngày vừa qua, từ ngày 17-4 đến 25-4-2020, tại ĐBSCL không có mưa hoặc có mưa nhỏ một vài nơi (Tri Tôn, Rạch Giá), mực nước phụ thuộc vào nước đến từ thượng nguồn và chu kỳ triều. Mực nước và lưu lượng tại hai trạm đầu nguồn ĐBSCL (Tân Châu và Châu Đốc) đã giảm đi so với những ngày đầu tháng 4-2020 khoảng 0,2m, lưu lượng giảm khoảng 200m3/s. So với trung bình nhiều năm, mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn từ 0,07 đến 0,03m… Các địa phương vùng ĐBSCL cần vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm soát mặn thường xuyên ở các hệ thống thủy lợi, các cửa lấy nước, đảm bảo tích trữ nước và bảo vệ nguồn nước trong thời kỳ mặn lịch sử này.
Theo baocantho.com.vn