Toàn huyện Văn Chấn hiện có trên 4.000ha chè, sản lượng chè bút tươi hàng năm đạt trên 45.000 tấn. Huyện có những vùng chè tập trung với diện tích lớn, năng suất và chất lượng cao như: Vùng chè Thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, Thị trấn nông trường Liên Sơn, xã Sơn Thịnh, xã Bình Thuận, xã Đại Lịch, vùng chè shan tại xã Nậm Búng, Gia Hội… Đặc biệt là vùng chè shan tuyết Suối Giàng – là vùng chè hữu cơ, có chất lượng cao.
Xã Sơn Thịnh và thị trấn nông trường Nghĩa Lộ có hơn 600 ha chè, vụ chè thường bắt đầu từ tháng 3. Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay, làm hơn 300ha diện tích chè của xã Sơn Thịnh và thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn bị héo lá, khiến năng suất thu hoạch chè giảm.
Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ thông tin thêm: Những năm trước Công ty thu mua được khoảng 8.000 tấn/năm chè búp tươi của người dân. Nhưng năm nay dự kiến sản lượng chè sẽ bị giảm từ 30-35%. Cây chè là cây trồng chủ lực của người dân, chè bị héo lá, không lên búp gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất của Công ty.
Để khắc phục tình trạng này, với diện tích chè gần nguồn nước, người dân huyện Văn Chấn đã đầu tư đường ống nước để tưới cho cây chè. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, nguồn nước khan hiếm nên cũng chỉ giải quyết được một phần nào giúp duy trì sự sống của cây chè.
Hiện tại, các loại sâu bệnh phá hại cây chè như: Nhện đỏ, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi… phát triển mạnh, khiến thiệt hại càng nặng nề hơn. Để chia sẻ bớt khó khăn của người trồng chè, Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ đã hỗ trợ người dân vay tiền không tính lãi, hỗ trợ 20% tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ phân bón để bà con chăm sóc cây chè, hạn chế phần nào sản lượng chè bị sụt giảm.
Theo Báo TN&MT