Xung quanh vấn đề này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Mai Văn Khiêm - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT).
PV: Ngay từ tháng 4, thời điểm bắt đầu xuất hiện các đợt nắng nóng, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã dự báo tình trạng khô hạn ở Trung - Nam Trung Bộ sẽ kéo dài đến tháng 8 trong Bản tin hiện tượng EL Nino. Nhận định này được đưa ra trên cơ sở nào, thưa ông?
TS Mai Văn Khiêm: Hàng tháng, Viện Khoa học KTTV&BĐKH có cung cấp bản tin thông báo, dự báo khí hậu. Trong đó có nhận định tình hình khô hạn trên phạm vi cả nước trong các tháng tiếp theo. Ở khu vực Trung Bộ, tình hình khô hạn tập trung chủ yếu vào các tháng mùa xuân, mùa hè.
Từ đầu năm nay, do tác động của El Nino, Viện Khoa học KTTV&BĐKH thường xuyên cập nhật diễn biến hiện tượng El Nino cũng những tác động đến hạn hán. Trong thời kỳ hoạt động của El Nino, lượng mưa thường thấp hơn trung bình nhiều năm, trong khi nền nhiệt độ thường khá cao. Do vậy, tình trạng khô hạn thường nghiêm trọng hơn những năm bình thường.
Công cụ chính để Viện đưa ra các bản tin nhận định xu thế khí hậu, trong đó có diễn biến khô hạn trước 3 - 6 tháng, là mô hình số trị trong dự báo khí hậu với hạn dự báo từ 1 - 6 tháng cho các vùng ở Việt Nam. Đây là Hệ thống dự báo khí hậu hạn mùa này được xây dựng dựa trên ba mô hình khí hậu khu vực, bao gồm RSM, clWRF, RegCM với độ phân giải từ 20 - 25 km. Số liệu đầu vào được lấy từ mô hình khí hậu toàn cầu CFS của Hoa Kỳ.
Kết quả dự báo nghiệp vụ hàng tháng được tổ hợp từ kết quả dự báo của 25 mô hình thành phần với hạn dự báo là 6 tháng. Kết quả cung cấp cho người sử dụng bao gồm các dự báo về chuẩn sai và xác suất xảy ra các pha của các biến khí hậu trung bình cũng như các biến cực trị.
PV: Dù đã có cảnh báo từ khá sớm nhưng tác động của hạn hán năm nay khá nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho người dân các địa phương khu vực miền Trung - Nam Trung Bộ. Qua theo dõi của Viện, yếu tố nào đã khiến đợt hạn này trầm trọng hơn, thưa ông?
TS Mai Văn Khiêm: Qua theo dõi, nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài đã khiến mực nước trên một số lưu vực sông xuống thấp nhất lịch sử, mực nước một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết.
Theo số liệu quan trắc ở Trung Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 1 - 6/2019 thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng từ 20 - 90%. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 35 - 60%, một số sông hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên)... Một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc.
Nhiệt độ trung bình các tháng phổ biến cao hơn từ 2 - 3 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN). Nhiệt độ cao nhất ngày một số điểm vượt giá trị lịch sử, như: Con Cuông (Nghệ An) 43,3 độ C, Quỳ Hợp (Nghệ An) 43 độ C, Đô Lương (Nghệ An) 41 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,4 độ C (cao nhất trong lịch sử khí tượng), Tuyên Hóa (Quảng Bình) 41,6 độ C. Cùng với nắng nóng, gió phơn Tây Nam hoạt động mạnh khiến độ ẩm không khí ở mức thấp, phổ biến từ 40 - 60%; lượng bốc hơi trong 3 tháng 4, 5, 6/2019 cao hơn TBNN từ 20 - 30%, tương đương năm 2015. |
Nắng nóng gay gắt do tác động của El Nino cũng làm gia tăng tình hình khô hạn ở miền Trung. Từ tháng 4 - 7/2019 đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng; gay gắt và kéo dài nhất là đợt nắng nóng và kéo dài từ 18 - 22/4, 3/6 - 1/7, 5/7. Đặc biệt, đợt nắng nóng từ 3/6 - 1/7 là một trong những đợt kéo dài nhất trong 30 năm qua ở Trung Bộ.
Lượng nước ở các hồ chứa thủy lợi sụt giảm nhanh cũng làm cho tình hình khô hạn trở nên nghiêm trọng hơn. Thực tế, các hồ chứa thủy lợi được tích tương đối cao ở cuối mùa mưa năm 2018, đến đầu vụ Hè Thu lượng nước trữ còn phổ biến từ 60 -70%. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, lượng nước trữ các hồ chứa giảm rất nhanh phổ biến mức giảm từ 20 - 30%, nhiều hồ nhỏ cạn nước. Mực nước nhiều hồ chứa thủy điện ở Trung Bộ xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 15 - 20m. Đặc biệt, một số hồ đã xuống dưới mực nước chết.
Hiện các hồ đang tích cực tham gia tạo nguồn nước cho hạ du. Tuy nhiên, ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn các hồ chứa hiện không cung cấp đủ nhu cầu dùng nước.
PV: Theo ông, làm thế nào để các địa phương nâng cao tinh thần cảnh giác, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn khi có thông tin dự báo, cảnh báo hạn hán, giúp giảm thiệt hại cho nhân dân?
TS Mai Văn Khiêm: Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện các phương án theo dõi, cảnh báo, dự báo tác động của El Nino của ngành KTTV, các địa phương cũng cần chủ động các phương án ứng phó. Cảnh báo sớm thì cũng phải có hành động sớm ở các địa phương thì công tác phòng chống thiên tai mới hiệu quả.
Khác với loại thiên tai khác, tác động của hạn hán thường tích lũy một cách từ từ trong một khoảng thời gian dài và có thể kéo dài trong nhiều tháng sau khi đợt hạn hán kết thúc. Người dân địa phương khó xác định điểm bắt đầu và kết thúc đợt hạn hán. Cũng do sự diễn biến tích lũy chậm, tác động của hạn hán thường khó nhận biết hơn và khi nhận biết được thì sự thiệt hại đã đáng kể. Chính vì vậy, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo khí tượng thuỷ văn. Khi có các dự báo về ảnh hưởng của El Nino đến hạn hán của cơ quan khí tượng thuỷ văn thì cần kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những đợt hạn nghiêm trọng được dự tính sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai, vì vậy vấn đề quy hoạch và quản lý tổng thể các lưu vực sông, hệ thống các hồ chứa nước; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, mùa vụ ở những khu vực chịu tác động mạnh của hạn hán cũng cần quan tâm thực hiện.
PV: Theo ông, năng lực dự báo hạn hán của Việt Nam hiện nay liệu đã đáp ứng được nhu cầu thực tế?
TS Mai Văn Khiêm: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng giám sát, cảnh báo và dự báo hạn hán đã được thực hiện, như: Công tác nghiệp vụ cảnh báo và dự báo hạn hán được đầu tư, quan tâm và thực hiện bài bản; Tăng cường mạng lưới quan trắc; Đẩy mạnh các nghiên cứu chuyên sâu; Cập nhật công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến.
Về chất lượng cảnh báo và dự báo đã được cải tiến đáng kể, tần suất các bản tin nhiều hơn. Điều này được thể hiện rõ các bản tin của ngành khí tượng thuỷ văn trong những năm gần đây.
Nhìn chung, năng lực cảnh báo và dự báo hạn hán của Việt Nam có thể đã tiệm cận đến các công nghệ hiện đại nhất hiện nay, như ứng dụng công nghệ viễn thám và mô hình động lực độ phân giải cao. Mặc dù vậy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, chúng ta cần tiếp tục tăng cường mạng lưới quan trắc, đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám để có thể giám sát và cảnh báo tình hình khô hạn chi tiết hơn cả về không gian, thời gian.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo TN&MT