Ứng phó, phòng chống thiên tai là một quá trình liên tục
Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai
Thiệt hại do thiên tai trên 5.000 tỷ đồng
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, dự báo thiên tai ngày càng gia tăng, có xu hướng cực đoan hơn. Giai đoạn năm 2016 - 2020, Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan trước đây diễn ra có quy luật theo mùa. Tuy vậy, những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm có hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, trung bình trong 20 năm qua, ở nước ta mỗi năm thiên tai làm hơn 300 người chết, thiệt hại về kinh tế từ 45 - 50.000 tỷ đồng. Năm 2021, thiệt hại do thiên tai tại Việt Nam giảm nhiều so năm 2020 và các năm trước (108 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 5.200 tỷ đồng). Đây là năm thiệt hại do thiên tai gây ra thấp nhất trong hàng chục năm qua. Vậy nhưng, từ đầu năm 2022 đến nay, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta ước tính đã lên trên 5.000 tỷ đồng.
Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản
Nguồn: ITN
Mở rộng đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện theo Bộ chỉ số
Tháng 5.2022, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số được xây dựng năm 2021. Theo đó, có ba nhóm: nhóm 1 gồm 10 tỉnh có kết quả tốt nhất; nhóm 2 gồm 43 tỉnh có kết quả trung bình; nhóm 3 gồm 10 tỉnh có kết quả thấp nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, việc đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số là tương đối công bằng, nhằm đánh giá những điểm mạnh, mô hình tốt để phát huy và nhân rộng ra các địa phương khác cũng như chỉ ra những tồn tại để khắc phục và đề ra những giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất công tác phòng, chống thiên tai tại các tỉnh, thành phố.
Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đình Đức cho hay, là 1 trong 10 tỉnh đứng đầu thực hiện Bộ chỉ số, tỉnh đánh giá cao việc đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số và thống nhất với phương pháp, kết quả đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai. Tỉnh kiến nghị được tiếp tục thực hiện việc đánh giá này trong những năm tiếp theo và đề nghị có mở rộng đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện theo Bộ chỉ số.
Từ đầu năm 2022 đến nay, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta ước tính đã lên trên 5.000 tỷ đồng
Nguồn: ITN
Phát triển khoa học công nghệ là then chốt
Để sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai xác định, phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp then chốt và hiệu quả. Tổng cục Phòng chống thiên tai đang đề xuất mời các nhà khoa học, chuyên gia đồng hành cùng các tỉnh miền Trung để nghiên cứu giải pháp hỗ trợ vùng ngập, vùng biển; sẽ tính toán phương án chuyển đổi khu vực sản xuất lúa và kế hoạch mùa vụ thích ứng với giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Việt, việc ứng dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng trong thu thập thông tin, mô phỏng và dự báo sớm các tác động, cũng như đo lường thiệt hại có thể xảy ra với từng đợt thiên tai.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế - xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) Đào Ngọc Ninh cho biết, để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng, chống thiên tai, trước hết nên tập trung thực hiện các giải pháp như nâng cao năng lực quản lý thông tin, dữ liệu theo hướng tập trung, tránh sự chồng chéo. Tham mưu, xây dựng quy chế thu thập và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ mục đích chung; từng bước xây dựng hệ thống quản lý thông tin, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai thống nhất từ Trung ương đến địa phương, phát triển cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát thiên tai liên thông. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong việc ứng dụng công nghệ mới, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Thảo Anh