Và, trong cơn lũ dữ ấy, sắc áo chiến sĩ Công an nhân dân trở nên đẹp hơn bao giờ hết khi những người lính hòa mình trong dòng nước lũ, lội bùn giúp dân vượt khó khăn, giữ an toàn tính mạng và tài sản.
Cơn lũ lịch sử
Từ ngày 6 đến 9-8, các tỉnh Nam Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng trời nổi vần vũ, mưa to gió lớn dồn dập ập tới. Những vùng trũng thấp chỉ trong phút chốc bị nhấn chìm trong dòng lũ dữ lịch sử, đẩy hàng nghìn gia đình vào thảm cảnh. Cơ ngơi, sản nghiệp cả đời họ làm lụng, tích cóp bị cuốn phăng theo dòng nước lớn.
Trong cơn hoạn nạn tột cùng đó, công an các đơn vị, địa phương các tỉnh Tây Nguyên đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong việc giải cứu người và tài sản nhân dân thoát khỏi lũ dữ, giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.
Người dân các tỉnh Tây Nguyên bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. |
Tại tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn bắt đầu từ ngày 7-8 kéo dài suốt đêm. Đến rạng sáng 8-8 thì xảy ra lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân. Anh Nguyễn Văn Toản (SN 1975, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương), chủ trang trại cá tầm lớn bậc nhất tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc khủng khiếp khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về: “Lúc đó khoảng 4 giờ sáng, tôi và anh em công nhân đang ngủ thì nghe tiếng động lớn, ầm ầm từ xa rồi rõ dần. Chúng tôi còn chưa biết chuyện gì xảy ra thì nước lũ đã ập tới, xô sập đê bao trại cá, tràn vào các vựa. Chỉ trong vòng 5 phút đã nhấn chìm mọi thứ của trang trại. Anh em chúng tôi may mắn chạy thoát lên đồi!...”.
Nước lũ quét qua trại cá tầm của gia đình anh Nguyễn Văn Toản, cuốn phăng trên 100 tấn cá, khoảng 100 tấn còn lại bị sặc bùn, chết trắng các vựa. Trên 2.000 con cá tầm giống nặng từ 10-30kg cũng theo dòng nước dữ chảy ra ngoài hoặc chết sạch. Cơn lũ lịch sử này còn gây hư hỏng, thiệt hại nhiều cơ sở vật chất, máy móc phục vụ nuôi cá nước lạnh của gia đình anh. Ước tính cơn lũ quét qua chừng 1 tiếng đã cuốn trôi, gây thiệt hại cho gia đình nông dân này hàng chục tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ, khi lũ dữ vừa rút, ông Nguyễn Lam Sơn, chủ trang trại Thảo Nguyên (thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương) ra thăm trang trại mà không dám đối mặt với những gì còn sót lại. Tất cả chỉ là bùn đất, mọi hoa màu, máy móc cơ giới, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đều bị dòng lũ dữ cuốn phăng trong giây lát. 3 ha nhà kính công nghệ cao của gia đình ông chuyên trồng cà chua, dưa leo, ớt ngọt, nay chẳng còn cây nào trụ nổi, thiệt hại hàng tỉ đồng.
Ông Sơn cho biết, để khôi phục lại sản xuất, nhanh nhất cũng phải mất vài tháng. Tương tự, nông trại sản xuất của Công ty TNHH Đạ Nghịt cũng bị nước lũ từ hồ Đan Kia đổ về nhấn chìm, làm hư hại 3 ha nhà kính trang bị hệ điều hành tự động để sản xuất rau sạch. Ông Lê Tuấn (quản lý trang trại) cho biết, cách đây 2 năm cũng xảy ra lũ lớn nên nông trại đã nâng cao tường bao chắn nhưng năm nay lũ quá khủng khiếp, cuốn phăng tất cả.
Mặc dù diện tích bị lũ quét, ngập lụt không lớn so với nhiều địa phương phía Nam của tỉnh nhưng huyện Lạc Dương lại là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước khi lũ lụt quét qua đã thiệt hại vô cùng nặng nề. Rạng sáng 8-8, nước lũ tràn về, chỉ trong phút chốc đã nhấn chìm hàng loạt nông trại rộng lớn dưới các thung lũng, cuốn phăng tất cả hoa màu, nhà kính, máy móc nông nghiệp và nhiều tài sản có giá trị của người dân, doanh nghiệp. Hàng chục người ở lại trong các trang trại sản xuất bị nước bao vây, cô lập. Không ít căn nhà của bà con nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị sập, tốc mái.
Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng giải cứu người dân thoát khỏi lũ dữ. |
Tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Đức Trọng và TP Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng, nhiều vùng trũng, thấp, nước lớn dâng cao gây ngập lụt nghiêm trọng. Hàng nghìn gia đình, nhà cửa, hoa màu, vật nuôi bị nhấn chìm trong dòng nước lũ. Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc sạt lở nghiêm trọng, gây cô lập, chia cách giao thông suốt gần một ngày khiến lực lượng chức năng phải căng mình giải cứu cho tuyến quốc lộ được xem là “xương sống” của tỉnh Lâm Đồng này.
Đặc biệt, tại tỉnh Đắk Nông, vào khoảng 5h sáng 8-8, trên địa bàn thôn 14, xã Đắk Sin, huyện Đắk Rlấp, đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng vùi lấp một số nhà dân, trong đó có một gia đình 3 người bị đất đá vùi lấp hoàn toàn dẫn đến tử vong. Các nạn nhân gồm anh Trần Văn Hiệu (SN 1991) cùng vợ là chị Phạm Thị Yến (SN 1994) và con gái (SN 2016) sau một ngày lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm đã phát hiện cả 3 thi thể vùi lấp dưới đất sâu.
Mưa lớn, lũ lụt còn đe dọa đến sự an toàn của các đập chứa nước, hồ thủy điện, nhất là thủy điện Đắk Kar với 13 triệu m3 nước có nguy cơ vỡ đập do van xả nước gặp sự cố, không thể vận hành. Trong 3 ngày, lực lượng chức năng đã nỗ lực khắc phục sự cố trong nỗi nơm nớp lo sợ vỡ đập thủy điện. Các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước đã được cảnh báo sẵn sàng di dời dân, đối phó với lũ dữ khi thủy điện Đắk Kar bất đắc dĩ phải nổ mìn, phá đập. Rất may, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra khi lỗi kỹ thuật ở van xả lũ được khắc phục.
Ấn tượng về những cuộc giải cứu
Trong cơn lũ dữ, hàng loạt biến cố dồn dập xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên. Lúc 0h ngày 9-8, nhận được tin báo quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc bị sạt lở, gây chia cắt giao thông, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện Đạ Huoai và Công an TP Bảo Lộc đã khẩn trương có mặt để điều tiết, phân luồng giao thông.
Trung tá Cù Tuấn Nghĩa, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay trong đêm khuya, đơn vị đã điều động toàn bộ lực lượng của Trạm CSGT Mađaguôi, kết hợp với công an các địa phương khẩn trương đưa máy xúc tới hiện trường khắc phục các điểm sạt lở.
“Đêm khuya, mưa lớn và gió thổi mạnh, hàng nghìn phương tiện bị dồn ứ ở cả hai chiều, chúng tôi đã phải làm việc xuyên đêm với quyết tâm khắc phục điểm sạt lở một cách nhanh nhất, đảm bảo giao thông cho tuyến quốc lộ huyết mạch của tỉnh...”, Trung tá Cù Tuấn Nghĩa cho biết.
Tuy nhiên, khi điểm sạt lở đất này đang được khắc phục thì đèo Bảo Lộc liên tục xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới. Có điểm lở đất từ trên cao đã đẩy 2 xe ôtô xuống taluy âm, khiến 4 người bị thương. Khoảng 50 CBCS Phòng CSGT, Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện Đạ Huoai, Công an TP Bảo Lộc đã căng mình làm việc suốt đêm trong điều kiện thời tiết hết sức phức tạp, nguy hiểm.
Công an các tỉnh Tây Nguyên nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. |
Những chiếc áo mưa mỏng không ngăn được mưa to gió lớn. Ai nấy đều ướt sũng, bê bết bùn đất. Bữa ăn chống đói là những ổ bánh mì và chai nước lọc. Sau hơn 8 giờ nỗ lực khắc phục, 6 điểm sạt lở đất đá trên đèo Bảo Lộc cơ bản được dọn dẹp, các xe bắt đầu được lực lượng CSGT ở hai chiều hướng dẫn cho lưu thông qua đèo. Đến 17h30 cùng ngày, tức sau 18 tiếng đồng hồ vật lột với những điểm sạt lở, hàng nghìn mét khối đất đã được dọn dẹp, đèo Bảo Lộc mới được lưu thông trở lại bình thường.
“Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện, chúng tôi còn phải dọn bùn đất, điều động xe chở nước chuyên dụng của Cảnh sát PCCC tới xịt, rửa sạch mặt đường...”, Trung tá Cù Tuấn Nghĩa cho biết.
Từ 4h sáng ngày 8-8, lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được thông tin từ Công an huyện Lạc Dương có 41 người đang bị mắc kẹt trong một khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương. Bao quanh những người bị cô lập này là dòng nước dữ đang cuồn cuộn chảy xiết, đe dọa tới tính mạng từng người. Lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH tỉnh điều động hàng chục CBCS cùng các phương tiện khẩn trương tới hiện trương giải cứu 41 nạn nhân giữa dòng nước dữ.
Thiếu tá Đoàn Mạnh Toàn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại hiện trường, các ca nô của lực lượng giải cứu dùng để tiếp cận người dân bị mắc kẹt bên kia sông đều không thực hiện được bởi nước chảy mạnh và xiết. Sau hơn 8 giờ đồng hồ vật lộn với mưa lớn, lũ dữ, lần lượt 41 người, trong đó có 7 trẻ em được đưa qua sông an toàn bằng hình thức đu dây cáp vượt sông. Đón nhận con gái mới hơn 1 tuổi được giải cứu thành công từ tay một chiến sĩ Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng, người mẹ trẻ tên Hồng ôm chầm con vào lòng bật khóc vì xúc động, hạnh phúc.
Tại tỉnh Đắk Lắk, những ngày qua mưa lớn như trút nước xuống nhiều địa phương của tỉnh, đặc biệt là vùng biên giới huyện Ea Súp, khiến nhiều buôn làng chìm sâu trong biển nước. Mưa lớn kéo dài, nước dâng lên quá nhanh, hàng trăm gia đình trong các buôn làng bị thiệt hại nặng nề, nhiều tài sản, hoa màu bị nước cuốn trôi. Bà con địa phương chỉ kịp trèo lên mái nhà lánh nạn.
Rất may, trong tình thế cấp bách đó, cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương, lãnh đạo Công an huyện Ea Súp đã khẩn trương điều động CBCS tới hiện trường khẩn trương triển khai phương án ứng cứu, di dời các hộ dân đang bị cô lập tới nơi an toàn.
Vì sự an toàn tính mạng, tài sản của bà con tại các buôn làng, các CBCS đã dũng cảm băng mình qua những dòng nước đang chảy xiết, lần lượt ứng cứu, đưa người và tài sản của nhân dân tới nơi an toàn.
“Lũ dâng lớn, nước chảy xiết, trời tối khiến nhiều phương tiện chuyên dụng không thể tiếp cận, buộc các lực lượng cứu hộ phải dùng dây thừng, từng CBCS phải bám theo dây ngâm mình trong nước để tiếp cận người dân. Với sự nỗ lực không quản ngại nguy hiểm, đến sáng 7-8, Công an huyện đã di chuyển được hơn 50 hộ dân tại địa bàn 2, xã Ia Lốp và Ia Rvê đến nơi an toàn...”, Thượng tá Cao Tiến Phu, Trưởng Công an huyện Ea Súp nhớ lại.
Cảnh tan hoang, tiêu điều tại nhiều nơi lũ dữ quét qua khiến những người chứng kiến phải quặn lòng, xót xa. Họ phải làm lại từ đầu. Nhưng trong cơn lũ dữ, đồng bào gặp nạn không đơn độc, các cấp chính quyền, đoàn thể nỗ lực ủng hộ, các lực lượng chức năng mà tiên phong là công an, quân đội... đang đồng hành cùng bà con dựng lại nhà cửa, quét dọn bùn đất, khắc phục hậu quả để nhân dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.
Đợt mưa lũ vừa qua tại Tây Nguyên đã làm 11 người chết và 5 người bị thương, gây ngập 3.883 căn nhà, trong đó hàng trăm gia đình phải di dời tới nơi an toàn. Gần 30.000 ha lúa, hoa màu bị ngập; 1.069 ha cây trồng lâu năm; 2.582 ha cây trồng hằng năm; 1.083 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong những ngày xảy ra mưa lũ, công an các tỉnh Tây Nguyên đã điều động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tới giải cứu tính mạng và tài sản của nhân dân khỏi dòng lũ dữ, hạn chế thiệt hại, đồng thời giúp dân khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. |
Theo antg.cand.com.vn