Ngập úng, sạt lở do lũ lên cao
Năm 2022, lũ tiểu mãn trên địa bàn huyện xuất hiện sớm, bất thường so với 5 năm trở lại đây. Đỉnh lũ cao nhất đo được trên sông Cầu, tại trạm thủy văn Lương Phúc lên tới 7,53m (trên báo động II 0,53m). Trong khi đó, trên sông Cà Lồ, tại trạm thủy văn Mạnh Tân có thời điểm cũng lên tới 7,68m (trên báo động II 0,68m).
Lũ lên đã gây úng ngập cục bộ 8 vị trí đường giao thông, ảnh hưởng 1.400ha lúa. Đặc biệt, hệ thống đê, kè trong nhiều năm mới được thử thách tại đỉnh lũ trên báo động II nên đã xảy ra hiện tượng sạt lở chân, mái đê cấp III. Cụ thể, sạt lở hạ lưu đê hữu Cầu 30m thôn Tăng Long (xã Việt Long); sạt lở 60m đê bối Xuân Tảo (xã Xuân Giang). Thôn Lai Sơn (xã Bắc Sơn) cũng bị úng ngập nghiêm trọng.
Kè Yên Phú tại huyện Sóc Sơn được nâng cấp để phòng, chống nguy cơ lũ trên sông Cà Lồ. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, sau khi mưa lũ tan, chính quyền địa phương đã phối hợp kiểm tra, báo cáo UBND TP Hà Nội chấp thuận phê duyệt xây dựng công trình chống sạt lở khẩn cấp kè Yên Phú. Hiện, công trình đã thi công hoàn thành. Các đoạn sạt lở khác dài tổng cộng 1.200m đang được triển khai, phấn đấu hoàn thành trước 15/6/2023.
Chính quyền địa phương cũng đã rà soát, kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ngập lụt. Qua đánh giá thiệt hại do lũ lên trên các sông, huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ hàng ngàn héc-ta diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, với tổng kinh phí gần 1,8 tỷ đồng giúp nhân dân phục hồi, tái thiết sản xuất sau mưa lũ, bão.
Chủ động ứng phó theo “4 tại chỗ”
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, năm 2023 có khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong đó, Hà Nội khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Mưa lớn diện rộng từ 6 - 8 đợt, thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2023, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến lũ trên các sông thuộc huyện Sóc Sơn. Cụ thể, đỉnh lũ trên sông Cà Lồ tại trạm Mạnh Tân, sông Cầu tại trạm Lương Phúc dự kiến lên cao từ 7,1 - 7,8m, tương ứng trên báo động II (Mức báo động 2 là 7,0m).
Hạ tầng phòng, chống thiên tai trên các tuyến sông tại huyện Sóc Sơn từng bước được nâng cấp đồng bộ, kiên cố. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Diễn biến thiên tai được đánh giá là rất phức tạp, trong khi khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Sóc Sơn nhìn chung chưa đồng bộ. Đê điều còn có điểm xung yếu. Đê cấp IV, V chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, kênh mương tiêu, rãnh thoát nước xuống cấp, bồi lắng; phương tiện, thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu nạn còn hạn chế...
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, để chủ động ứng phó nguy cơ lũ trên các tuyến sông, huyện chủ trương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nguyên tắc cơ bản “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; bố trí nguồn lực để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Huyện cũng đang tổ chức theo dõi, giám sát các khu vực nguy hiểm, trọng điểm, xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt ven hai tuyến sông Cà Lồ, sông Cầu để chủ động sơ tán, di dời người dân bảo đảm an toàn. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập, cơ sở hạ tầng và các công trình phòng, chống thiên tai để kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng…
Để bảo đảm phòng, chống lũ trên các sông một cách chủ động, đại diện lãnh đạo huyện Sóc Sơn kiến nghị UBND TP Hà Nội sớm triển khai cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ, chỉ giới bảo vệ đê sông Cầu, Cà Lồ ngoài thực địa theo Quyết định số 257/QĐ-TTg và Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, TP tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư đường hành lang chân đê khu vực chưa có dân cư. Đồng thời, sớm thực hiện dự án cải tạo, mở rộng đê cấp III trên địa bàn huyện nhằm nâng cao năng lực hộ đê, phòng ngừa lấn chiếm, tạo không gian phát triển cho địa phương.
Trọng Tùng
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-soc-son-ngan-nguy-co-lu-lon-tren-cac-tuyen-song.html