Theo thống kê năm 2022, các vùng, miền trên cả nước xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần). Trong đó, có 7 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 286 trận động đất; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, 2 đợt rét đậm, rét hại, 14 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển và 2 đợt nắng nóng, hạn hán…
Thiên tai làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, con số này cao gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.
Tại tỉnh Long An, trong năm 2022, thiên tai đã làm thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân trên địa bàn các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Cần Giuộc và thị xã Kiến Tường.
Theo đó, 3 người bị sét đánh (trong đó 1 người chết và 2 người bị thương); sập hoàn toàn 6 căn nhà, tốc mái 93 căn nhà và làm đứt 1km đường dây điện hạ thế; thiệt hại 1.520ha lúa do ảnh hưởng mưa lớn; xảy ra 3 vụ sạt lở, sụt lún nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 315m. Tổng giá trị thiệt hại trên 24,6 tỉ đồng.
Năm 2022, tỉnh Long An xảy ra 3 vụ sạt lở, sụt lún nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 315m.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, năm 2023 có khả năng xuất hiện từ 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Trong đó, có 05 - 07 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Tình hình mưa lũ, ngập lụt sẽ tập trung trong các tháng 7 - 9; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.
Trước thực trạng này, tỉnh Long An đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó, đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai.
Cụ thể, tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, những ngày này, công nhân tất bật làm việc để sớm hoàn thành công trình Bờ kè thị trấn Tân Thạnh với chiều dài 3.770m thuộc địa bàn thị trấn Tân Thạnh và xã Kiến Bình, tổng kinh phí 309 tỉ đồng, nguồn vốn đầu tư do ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh. Đây là dự án được xây dựng nhằm chống sạt lở dọc tuyến kênh Dương Văn Dương (đoạn từ kênh 12 đến ngã ba Quốc lộ N2), góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, cải tạo cảnh quan đô thị; đồng thời, tạo hành lang an toàn cho tuyến Quốc lộ 62 đoạn đi qua thị trấn Tân Thạnh.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thạnh - Lê Minh Tuấn: “Thị trấn đang thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh. Bờ kè được xây dựng là tiền đề quan trọng tạo cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Khi công trình hoàn thành sẽ là nơi lý tưởng cho người dân tập luyện thể dục - thể thao cũng như các hoạt động văn hóa - văn nghệ khác”.
Tương tự, tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, công trình xử lý sạt lở, bảo vệ Di tích lịch sử Miễu Ông Bần Quỳ với kinh phí xây dựng gần 23 tỉ đồng hoàn thành vào cuối năm 2022. Công trình không chỉ có tác dụng phòng chống thiên tai mà còn bảo vệ hạ tầng kỹ thuật khu di tích, tạo cảnh quan khu vực.
“Miễu Ông Bần Quỳ nằm ở nơi hợp lưu của sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nên tình hình sạt lở năm sau nhiều hơn năm trước, làm miễu phải di dời 4 lần. Do đó, người dân luôn mong muốn Miễu Ông Bần Quỳ sớm được bảo vệ, góp phần giữ gìn văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Công trình được xây dựng xong, người dân rất phấn khởi”, Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử Miễu Ông Bần Quỳ, Mai Bá Đẩm chia sẻ.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ, Đặng Văn Tây Lo thông tin, hàng năm, huyện Tân Trụ là một trong những địa phương bị xâm nhập mặn sớm của tỉnh, cần phải dự trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất. Vì vậy, huyện tranh thủ các nguồn lực xây dựng nhiều công trình phòng chống thiên tai. Đến nay, huyện có 7 tuyến đê bao, bờ bao chống lũ với tổng chiều dài gần 47km, bảo vệ diện tích 5.000ha; gần 100 cống và các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông đang triển khai, góp phần bảo vệ an toàn về con người, vật kiến trúc, bảo đảm sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Lưu Quang nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, Nhân dân.
Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như người dân về nội dung này.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần quan tâm đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Yến Thanh