Theo ông Trần Công Tuyên- Phó Vụ trưởng Vụ Đê điều (Tổng cục PCTT, Bộ NNPTNT), toàn quốc có tổng số 9.080 km đê (đê sông, đê cửa sông 6.890 km; đê biển: 1.150 km), trên 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ diện tích lớn, dân số tập trung đông và nhiều khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng tập trung ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Tuy nhiên, hệ thống đê điều ở nhiều địa phương đang bị xuống cấp do những tác động của thiên tai và con người. “Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 23 sự cố; đặc biệt, trong những đợt mưa lũ vừa qua, có một số sự cố nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn đê”- ông Tuyên cho biết và lưu ý trong khi đó, do mưa lũ phức tạp cộng với việc Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng khiến mực nước ở nhiều hệ thống đê vượt mức báo động và gây ra những sự cố nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục sự cố thiên tai (Tổng cục PCTT), do ảnh hưởng của bão số 4, nhiều địa phương đã có mưa lớn, một số nơi lượng mưa lên tới trên 400 mm. Đã có 8 người chết và 1 người mất tích tại các tỉnh phía Bắc do ảnh hưởng của đợt thiên tai này.
“Những ngày tới, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 sẽ tiếp tục gây mưa ở nhiều nơi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro từ tai biến địa chất, gây sạt lở đất, lũ quét. Trong khi đó, Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng cách biên giới nước ta khoảng 95km, tác động xả lũ không lớn nhưng làm mực nước dưới hạ du tăng lên. Việc xả lũ có thể còn tiếp tục diễn ra nên các địa phương phải chủ động các biện pháp ứng phó”- ông Quang nói.
Còn theo ông Vũ Đức Long- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, để giám sát được lượng mưa bên ngoài biên giới nước ta và chủ động công tác dự báo thủy văn cho các sông xuyên biên giới (trong trường hợp không có thông tin về số liệu đo thực tế của các nước khác), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã vận dụng linh hoạt việc ước lượng lượng mưa từ số liệu vệ tinh (cho dù việc ước lượng này có nhiều sai số nhưng đây là cách duy nhất để xác định lượng mưa tại khu vực không có số liệu đo thực tế trên lãnh thổ quốc gia khác) kết hợp với phân tích dữ liệu gia tăng lưu lượng trạm thượng nguồn để tính toán nhận định lũ trên lưu vực sông Thao trên lãnh thổ Trung Quốc.
Kết quả tính toán cho thấy lũ ở khu vực Lào Cai tăng lên không quá lớn trong 12 giờ (0,9 m/12 giờ). Sau khi Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng (thủy điện Mã Đổ Sơn xả lũ từ 9h đến 17h ngày 20/8), mực nước tại Lào Cai lên và đạt mức 80,55 m vào sáng ngày 21/8, trên báo động 1 là 0,55 m; sau đó xuống mức 79,69 m vào 13h ngày 21/8, dưới báo động 1 là 0,31 m.
Do ảnh hưởng của bão số 4, mưa to vẫn tiếp tục tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Do có mưa lớn, mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình sẽ lên lại và xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,0-3,0 m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao (Sông Hồng) có khả năng lên mức báo động 2; thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 1 - báo động 2.
Theo daidoanket.vn