Nhiều vườn chôm chôm bị rụng lá do ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết trước tình hình hạn mặn diễn ra gay gắt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cùng các ngành hữu quan tiến hành khảo sát, đánh giá và xác định những nguyên nhân đưa đến vườn cây ăn quả suy kiệt, bị thiệt hại.
Trên cơ sở đó, Sở hướng dẫn nhà vườn cách thức chăm sóc, phục hồi vườn cây, giảm bớt thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tai, tiến đến phát triển kinh tế vườn quả tại địa phương theo hướng bền vững.
Trước đó, ngay từ cuối tháng 2/2020, hạn mặn bắt đầu xâm nhập, tấn công vùng chuyên canh sầu riêng ở các huyện, thị phía Tây tỉnh gồm Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy,…
Mùa khô 2020 thiên tai hạn mặn khốc liệt trên diện rộng toàn tỉnh Tiền Giang, đã làm thiệt hại 5.343ha vườn trồng cây ăn quả, chủ yếu tại vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh; trong đó, có gần 4.500ha vườn sầu riêng chuyên canh bị ảnh hưởng.
Mức độ thiệt hại từ 30-70% mỗi vườn. Đặc biệt, có đến gần 3.600ha bị thiệt hại ở mức độ rất cao, trên 70%.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã phối hợp cùng Viện Cây ăn quả Miền Nam tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc vườn cây trước, trong và sau khi hạn mặn để giảm thiệt hại, giúp cây vượt qua điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt, phục hồi và phát triển.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, trong các cây ăn quả đang trồng tại địa phương, sầu riêng, cây có múi, vú sữa, thanh long… là những cây trồng mẫn cảm với độ nhiễm mặn trong nước, cần phải có biện pháp bảo vệ khẩn cấp phòng chống hạn mặn cũng như chăm sóc hợp lý, hiệu quả sau thiên tai.
Thực hiện mục tiêu ứng phó thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại cho vườn cây ăn quả, cùng với khẩn cấp thi công các công trình nạo vét kênh mương trữ ngọt, hoàn thiện đê bao ngăn mặn, bảo vệ sản xuất, tỉnh Tiền Giang nhanh chóng triển khai phương án vận chuyển nước ngọt từ thượng lưu sông Tiền đưa về hỗ trợ nhân dân tưới, cứu vườn cây ăn quả.
Tổng lượng nước đã vận chuyển hơn 877.000 m3 nước ngọt hỗ trợ trên 26.000 hộ dân tưới vườn cây ăn quả, chủ yếu là sầu riêng, cây có múi, thanh long.
Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, tiến sỹ Võ Hữu Thoại cũng lưu ý giải pháp 5 bước cải tạo đất và phục hồi vườn sầu riêng sau hạn mặn mà nông dân cần tuân thủ. Đó là rửa mặn cho đất, phục hồi bộ rễ và bộ lá, hỗ trợ bộ lá phát triển, hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá, tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp.
Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết, qua các buổi thăm và kiểm tra thực tế cho thấy tình hình chăm sóc vườn cây ăn quả, khắc phục hậu quả thiên tai vừa qua kết hợp với việc tháo rửa chua mặn và bón phân phục hồi, kích thích ra rễ, ra lá mang lại kết quả.
Các khu vườn cây sầu riêng bị ảnh hưởng nhẹ (dưới 30%) đã bắt đầu ra lá và phục hồi tốt còn các vườn cây bị ảnh hưởng trung bình, ở mức từ 30% đến 50% cũng đang bắt đầu ra lá non. Từ đó, cho thấy triển vọng phục hồi trong những ngày tới rất khả quan.
Để đảm bảo hiệu quả ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai cho vùng chuyên canh cây ăn trái phía Tây, theo ông Nguyễn Văn Mẫn, trong tương lai, Tiền Giang cần kiện toàn mạng lưới đê bao, cống đập đảm bảo các chức năng ngăn lũ, triều cường, ngăn mặn bảo vệ sản xuất và đời sống kết hợp với khuyến khích người dân trữ ngọt trong ao mương và nội đồng vào mùa khô phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.
Mặt khác, bà con cũng cần tích cực chuyển đổi cây trồng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ để thâm canh nhằm đạt năng suất, sản lượng cao, chất lượng nông sản hàng hóa đảm bảo, nâng cao thu nhập cho nông hộ./.
Theo TTXVN