Cần truyền thông theo đúng bản chất thông tin bão số 3

Đăng ngày: 31-07-2019 | Lượt xem: 1614
Sáng 31/7, tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn họp trực tuyến về công tác dự báo cơn bão số 3, tên quốc tế là cơn bão WIPHA. PGS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh cần truyền thông theo đúng bản chất thông tin về nơi đổ bộ, vùng tác động của bão số 3.

PGS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp trực tuyến còn có các Phó Tổng cục trưởng Lê Thanh Hải, Hoàng Đức Cường; đại diện lãnh đạo Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản cùng các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV ở Trung ương và các Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Đông Bắc, Tây Bắc, Việt Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị phân tích kỹ về hướng di chuyển, đường đi, dự kiến cường độ bão số 3... Theo đó, các chuyên gia dự báo thông tin, sáng nay (31/7), áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 3 trong mùa mưa bão năm 2019.  

Hồi 07 giờ ngày 31/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Các ý kiến thảo luận thống nhất về khả năng di chuyển của cơn bão số 3. Theo đó, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 01/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, ngay trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3,0-5,5m; biển động rất mạnh. 

Các chuyên gia dự báo thống nhất về vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Và trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Phát biểu tại phiên họp, TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, nguy cơ lượng mưa tập trung lớn ở khu vực đồng bằng bắc bộ và Thanh Hóa. Lượng mưa phổ biến từ 100 - 300mm, không loại trừ khả năng trên 300mm. Rủi ro gió mạnh có khả năng đạt đến cấp 9, thậm chí cao hơn.

Liên quan đến nguy cơ sạt lở đất, thời gian vừa qua nắng nóng xảy ra gay gắt, cho nên mưa dồn dập sẽ gây ra nguy cơ sạt lở đất rất cao. Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ, các Đài địa phương thường xuyên cập nhật thông tin để các tỉnh, địa phương có biện pháp ứng phó kịp thời.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận tại phiên họp trực tuyến, ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đề nghị trong đêm nay các Đài tỉnh, Đài khu vực tập hợp thông tin, có gì chưa rõ ràng trao đổi thêm với Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia để cung cấp cho đầu cầu các tỉnh. Đặc biệt là khu vực Đông Bắc liên quan đến sạt lở. Với các địa phương có biển, đề nghị tất cả các hoạt động ven bờ phải kết thúc vào chiều tối ngày mai.  

Kết luận phiên họp, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh phải truyền thông theo đúng bản chất thông tin nơi đổ bộ, vùng tác động. Hiện nay, chưa đủ cơ sở khẳng định điểm đổ bộ, do đó còn có nhiều phương án khác nhau. Vùng có thể đổ bộ còn dài và chúng ta sẽ cập nhật khi đầy đủ thông tin.

Hoan nghênh Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã có những dự báo tác động nhưng cần làm sâu hơn; từng bước cung cấp thông tin cho lực lượng phòng chống thiên tai của Bộ và quốc gia.

Nhấn mạnh nguy cơ đầu tiên cơn bão số 3 là lũ quét, sạt lở đất ở Bắc Bộ, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu các đơn vị thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin để làm sao đưa ra những bản tin cụ thể nhất, chi tiết nhất.

“Các đài, các đơn vị truyền thông từng bước một. Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cử cán bộ thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí”, ông Trần Hồng Thái đề nghị.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: