Đánh giá tiềm năng gió ngoài khơi khu vực biển Việt Nam

Đăng ngày: 18-02-2022 | Lượt xem: 3363
Sáng ngày 18/02, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã tổ chức họp trực tuyến “Đánh giá tiềm năng gió ngoài khơi”. Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái đã tham dự và chỉ đạo tại cuộc họp.

Cuộc họp có sự tham dự của các chuyên gia GS. TS Nguyễn Trọng Hiệu, PGS. TS Trần Việt Liễn; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Hoàng Đức Cường; Lãnh đạo Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Đại diện lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo; Các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV: Vụ Quản lý dự báo KTTV, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Trung tâm Quan trắc KTTV, Đài Khí tượng cao không, Trung tâm Ứng dụng công nghệ KTTV.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái tham dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa Châu Á mạnh và ổn định, nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho Châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thuỷ điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020. Các vùng biển được đánh giá có mật độ tài nguyên năng lượng gió cao như Vịnh Bắc Bộ, khu vực giữa và Nam Biển Đông. Vùng biển kéo dài dọc theo hướng Đông Bắc – Tây Nam từ eo biển Đài Loan tới vùng biển ngoài khơi Nam Bộ nước ta có tiềm năng năng lượng cao nhất, đạt 300-600 W/m2. Trong đó, khu vực ven biển cực Nam Trung Bộ có mật độ năng lượng khoảng 400-600W/m2. Ngoài ra trên khu vực vịnh Bắc Bộ cũng có mật độ năng lượng đạt 300-400W/m2. Đánh giá mới nhất về tiềm năng năng lượng gió trên Biển Đông sử dụng mô hình động lực với độ phân giải ngang (10km), mô phỏng trong trong 10 năm (Hình 1), cho thấy tiềm năng năng lượng gió được đánh giá cao hơn đáng kể so với các nghiên cứu trước đây, với phân bố mật độ năng lượng gió phổ biến 500-1400W/m2. Trong đó, các vùng biển có có mật độ năng lượng gió lớn đáng chú ý: Vịnh Bắc Bộ, Khu vực QĐ. Hoàng Sa, QĐ. Trường Sa, khu vực giữa Biển Đông và ven biển Nam Trung Bộ.

Hiện tại, đối với khu vực biển Việt Nam, yếu tố gió chủ yếu được quan trắc tại các trạm ven bờ và một số đảo chính như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc, Song Tử Tây, Trường Sa. Độ cao quan trắc khoảng 10-60m trên bề mặt biển, thấp hơn so với độ cao khai thác năng lượng gió (60-100m). Chính vì vậy cần quan trắc bổ sung liên tục, đủ dài (cỡ 1 năm) và tại các mức độ cao khai thác (từ 60-100m) để có thể đánh giá đầy đủ tiềm năng năng lượng gió.

Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, đưa phát thải khí nhà kính về 0% vào năm 2050, vì vậy, những nguồn năng lượng tái tạo sẽ được quan tâm, đầu tư nghiên cứu trong thời gian tới. Tại kết luận của Thứ trưởng Lê Công Thành tại cuộc họp Tổ công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện kết quả Hội nghị COP26, Tổng cục Khí tượng Thủy văn được giao chủ trì, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp nghiên cứu, xây dựng báo cáo về tiềm năng điện gió ngoài khơi tại vùng biển Việt Nam. Với những số liệu hiện có Tổng cuc KTTV, Viện Khoa học KTTV và  Biến đổi khí hậu, Tổng cục Biển và Hải đảo cùng phối hợp, tham khảo các nghiên cứu trong nước và quốc tế, xây dựng kế hoạch nghiên cứu rõ ràng, tập trung nghiên cứu về tiềm năng gió ngoài khơi, phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội.

GS. TS Nguyễn Trọng Hiệu phát biểu tại cuộc họp

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hiệu, cần xác định rõ không gian, phạm vi nghiên cứu, xác định rõ các khu vực có được số liệu chính xác, đạt tính khả thi cao. Xây dựng các phương pháp nghiên cứu cụ thể, tổng hợp, kế thừa những kết quả đã đạt được từ các nghiên cứu trước đó, kế thừa thực hiện.

Còn theo PGS.TS Trần Việt Liễn, tiềm năng gió ngoài khơi phải được xây dựng trong toàn bộ vùng biển Việt Nam, các khu vực gần bờ trong quá trình quan trắc thường có sai số lớn, vì vậy, cần có phương án quan trắc, đo đạc thực tế, đáp ứng phục vụ nhu cầu khai thác của xã hội. Phát triển năng lượng gió phải phù hợp với điều kiện môi trường, do đó, cần có đánh giá thiên tai đối với các khu vực phát triển khai thác năng lượng gió. Xây dựng kế hoạch dự báo phục vụ khai thác năng lượng gió ngắn hạn, dài hạn để giúp đối tượng khai thác có kế hoạch điều chỉnh thích hợp.

PGS. TS Trần Việt Liễn phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho rằng, việc khai thác, sử dụng năng lượng gió là xu hướng tất yếu và cần thiết, chúng ta cần có những bước đi cụ thể, rõ ràng trong quá trình triển khai thực hiện. Vai trò của ngành KTTV đóng vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ nêu trên. Vì vậy, Tổng cuc KTTV, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Tổng cục Biển và Hải đảo cùng phối hợp xây dựng báo cáo tổng hợp, đánh giá các nghiên cứu liên quan, phân tích, đánh giá các phương pháp thực hiện trong và ngoài nước tất cả các phân vùng gió, tiềm năng năng lượng gió, điều kiện về phân vùng thiên tai, phân vùng khí hậu, môi trường khu vực cần đánh giá. Tập trung phân tích các điều kiện tác động đến khu vực nghiên cứu, xin ý kiến các chuyên gia trước khi trình báo cáo lên Bộ Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng kế hoạch triển khai bước tiếp theo đánh giá cụ thể, chi tiết gợi mở các tiềm năng cho khu vực gửi các Bộ, ban, ngành áp dụng thực hiện, nâng cao vị thế, vai trò then chốt của ngành KTTV trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu phát biểu tại cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: