Định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin lĩnh vực khí tượng thủy văn giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030

Đăng ngày: 18-06-2020 | Lượt xem: 3236
Sáng ngày 18/6/2020, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tổ chức Hội thảo “Định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin lĩnh vực khí tượng thủy văn giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030”. Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái tham dự và chỉ đạo Hội thảo.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Trong những năm qua, hiện đại hóa ngành KTTV đã đạt được những bước phát triển mới trong lĩnh vực Thông tin và Dữ liệu, phục vụ hiệu quả công tác dự báo và cảnh báo KTTV trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng mạnh mẽ và phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt của cuộc sống. Những thay đổi lớn cả về nhân lực và công nghệ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là việc ứng dụng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin để giám sát, theo dõi, phát hiện sớm, cảnh báo và ngăn ngừa những hiểm họa do thiên tai gây ra nhằm bảo vệ sự an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân là một tất yếu khách quan.

Hiện nay, về cơ sở hạ tầng, Tổng cục đã có hệ thống hội nghị trực tuyến được trang bị đến 09 Đài KTTV khu vực và 54 Đài KTTV tỉnh; hệ thống tính toán hiệu năng cao CRAY XC40-AC; các máy chủ nghiệp vụ; các thiết bị tường lửa checkpoint 5900, thiết bị chống DDos, thiết bị cân bằng tải và ứng dụng F5; hạ tầng vật lý cho trung tâm dữ liệu tại Hà Nội. Về hệ thống phần mềm nghiệp vụ, Tổng cục đã được trang bị phần mềm bản quyền CSDL Oracle và hệ thống thông tin địa lý ArcGIS; hệ thống phần mềm phục vụ tích hợp dữ liệu và hỗ trợ dự báo thời tiết CDH – FSS; phần mềm SmartMet. Với các hệ thống mới được đầu tư công tác Thông tin và Dữ liệu đã từng bước được liên thông, đồng bộ trong toàn hệ thống từ trạm quan trắc, các Đài KTTV tỉnh, khu vực và các đơn vị tại Trung ương. Dữ liệu đã được quản lý, lưu trữ, khai thác và chia sẻ tập trung”.

Tuy nhiên, hiện đại hóa ngành KTTV là một quá trình phát triển lâu dài, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần phải khắc phục: “Hạ tầng trang thiết bị mạng và máy chủ của DC tại Hà Nội cơ bản đã hết hạn sử dụng; hệ thống lưu trữ đầy trong khi mỗi ngày dữ liệu KTTV cần xử lý, lưu trữ khoảng 160GB; hệ thống bảo mật an toàn an ninh thông tin mạng và dữ liệu còn nhiều hạn chế trong khi các cuộc tấn công mạng ngày càng diễn ra mạnh mẽ và phức tạp; các nội dung chưa thực hiện theo yêu cầu của Luật khí tượng thủy văn như Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia, ưu tiên xây dựng mạng viễn thông dùng riêng phù hợp với quy định của pháp luật về viễn thông”.

Từ những thực trạng về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong thời gian qua cần đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn phải hoàn thiện: Trang bị được hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, tập trung có tính dự phòng cao, đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng và dữ liệu, hoạt động tốt trong những điều kiện thiên tai xảy ra đảm bảo thực hiện chức năng thu nhận, bảo quản, lưu trữ, khai thác và chia sẻ thông tin dữ liệu KTTV phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV, công tác dịch vụ KTTV nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong phạm vi cả nước.

Hội thảo đã được nghe phần trình bày Chiến lược phát triển ngành KTTV của Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV; Giải pháp lưu trữ, xử lý - phân tích dữ liệu của Công ty Cổ phần dịch vụ IERP; Giải pháp xây dựng hạ tầng, bảo mật và thiết bị không dây của Công ty Juniper Networks Việt Nam; Giải pháp Private cloud cho trung tâm dữ liệu ứng dụng trong ngành KTTV của Tổng Công ty dịch vụ Viễn thông – Thành viên của VNPT; Giải pháp  lưu trữ thế hệ mới của Hitachi Việt Nam; Giải pháp Xây dựng giải pháp truyền tin song ngắn thế hệ mới HF của Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn bao gồm mạng hữu tuyến và mạng vô tuyến đảm bảo thông tin liên lạc trong điều kiện thiên tai xảy ra; Hoàn thiện hạ tầng trung tâm dữ liệu (Data center - DC) có tính dự phòng cao, có 02 DC tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đảm bảo an toàn an ninh mạng và thông tin dữ liệu; Xây dựng được cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia; thực hiện số hóa toàn bộ kho tư liệu giấy khí tượng thủy văn; hoàn thiện hệ thống phần mềm nghiệp vụ khí tượng thủy văn dùng chung, trực tuyến từ quan trắc số liệu, xử lý, lưu trữ, chia sẻ, khai thác số liệu đến dự báo, cảnh báo và cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước, người dân, cộng đồng; Xây dựng cổng dịch vụ cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trực tuyến đáp ứng được các nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp và người dân; cho phép thanh toán trực tuyến các nội dung thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật; Tăng cường hợp tác và đặt hàng đào tạo, nghiên cứu, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước; Tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 như dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), IoT; Xây dựng và đặt hàng các yêu cầu cụ thể về Thông tin và Dữ liệu, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp cùng phát triển.

Toàn cảnh Hội thảo

Bài và ảnh: Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: