Đổi mới, hiện đại hóa công nghệ là nhiệm vụ then chốt của ngành khí tượng thủy văn

Đăng ngày: 07-02-2022 | Lượt xem: 2587
Với mục tiêu phục vụ sự an toàn của nhân dân, việc đổi mới, chủ động về dự báo và hiện đại hóa công nghệ tiếp tục là giải pháp quan trọng, nhiệm vụ then chốt của toàn ngành khí tượng thủy văn.

GS. TS. Trần Hồng Thái Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn. Ảnh: TL

Đó là chia sẻ của GS. TS. Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của toàn ngành trước thềm năm mới 2022.

Phóng viên (PV): Trong năm qua ngành KTTV đã phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật và những khó thách thức của ngành trong năm qua?

GS.TS Trần Hồng Thái: Trong năm qua, ngành đã phát huy nguồn lực KTTV, phát triển bền vững công tác phòng chống thiên tai. Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, ngành được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị đề cập toàn diện các nội dung về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành KTTV giai đoạn mới, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy định quan trọng về cấp độ ro thiên tai và truyền tin thiên tai, cùng hàng loạt các thông tư quy định kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KTTV ở các góc độ tiếp cận khác nhau.

Song song với đó, ngành đã tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện các hoạt động “Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn“ theo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Toàn ngành đã làm tốt công tác dự báo KTTV, thực hiện dự báo thời tiết, thủy văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đã theo dõi và dự báo kịp thời 09 cơn bão, 03 áp thấp nhiệt đới; 18 đợt không khí lạnh, 11 đợt nắng nóng và 27 đợt mưa lớn trên diện rộng; 15 đợt lũ trên phạm vi cả nước; thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ Quy trình liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông toàn quốc...Nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại: Về người giảm 54%, thiệt hại về tài sản giảm 78% so với trung bình 10 năm vừa qua…

Bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn, hạn chế đang đặt ra như: Việc chủ động chấp hành thực hiện các quy định pháp luật về KTTV chưa được cao; các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất lặp lại; các yêu cầu về hợp tác quốc tế; hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ 4.0 đã và đang đặt ra thách thức đối với công tác KTTV trong giai đoạn tới...

PV: Trước những khó khăn, thách thức đó, Tổng cục có kế hoạch, chiến lược gì để tạo đột phá trong năm 2022 thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái: Mục tiêu phục vụ hiệu quả sự an toàn của nhân dân theo tinh thần “Thống nhất – Chính xác – Liên tục - Tin cậy – Kịp thời” luôn là phương châm hành động xuyên suốt của toàn ngành.

Với tinh thần đó, ngành KTTV thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong và ngoài Bộ Tài nguyên và môi trường, tổ chức tham vấn các chuyên gia đầu ngành để đưa ra những cảnh báo, dự báo sớm nhất, chính xác nhất phục vụ cộng đồng. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, khoa học hơn và toàn diện về phân vùng rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn. Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tiếp tục thực hiện dựa trên tác động để người dân, cộng đồng xã hội nắm bắt kịp thời, dễ hiểu, dễ ứng dụng trong công tác chủ động phòng chống thiên tai của nhân dân.

Bên cạnh đó, ngành sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV; thường xuyên phải rà soát, hoàn thiện các quy trình dự báo, cảnh báo KTTV, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm để thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống dự báo quốc gia. Tập trung hoàn thành cơ bản Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với cơ quan, bộ, ngành để chủ động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động trong phòng, chống thiên tai nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền KTTV đối với các Bộ, ban ngành, cơ quan, địa phương và cộng đồng để chủ động nắm bắt kịp thời các bản tin, thông tin dự báo, cảnh báo phục vụ ứng dụng cho phát triển kinh tế xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh.

PVNgày 23/11/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt mục tiêu của Chiến lược ngành KTTV sẽ triển khai những nhiệm vụ gì trong năm 2022 thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái: Chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 đã kết thúc, việc Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phê duyệt và ban hành là rất cần thiết, đáp ứng các yêu cầu đặt ra về thời điểm và phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển đối với công tác KTTV.

Các phương hướng, mục tiêu mới với các giải pháp, nhiệm vụ đồng bộ và thống nhất của Chiến lược sẽ phù hợp với bối cảnh thực tế và xu thế phát triển đối với hoạt động KTTV cũng như đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phục vụ thiết thực đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân.

Năm 2022 toàn ngành KTTV sẽ tập trung trước mắt tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó trên yêu cầu thực tế của nhiệm vụ chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả các lĩnh vực trọng tâm, những vấn đề tồn tại và đề xuất các khung nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả những mục tiêu mà chiến lược đã đề ra.

PVTrong xu thế phát triển công nghệ 4.0 như hiện nay, ngành KTTV sẽ có giải pháp gì để đổi mới và chủ động về công nghệ dự báo thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái: Đổi mới, chủ động về dự báo và hiện đại hóa tiếp tục là giải pháp quan trọng, nhiệm vụ then chốt của toàn ngành.

Để đạt được các mục tiêu lớn nêu trên, ngành KTTV tiếp tục đẩy mạnh, phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa; lấy việc đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu KHCN trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu KHCN tiên tiến trên thế giới.

Hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn số KTTV, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành. Ngành KTTV tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV; nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường công nghệ dự báo, năng lực chuyên môn, đặc biệt là xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ dụng mô hình dự báo bão, mưa lớn của Việt Nam; xây dựng hệ thống giám sát BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn...

Ngoài những nỗ lực trên của ngành thì một yếu tố quan trọng khác cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công trong tiến trình phát triển, hiện đại hóa ngành KTTV chính là sự quan tâm, chung tay góp sức của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, phối hợp tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa sâu rộng Luật Khí tượng Thủy văn đến với cộng đồng để Luật thực sự đi vào cuộc sống. Trong những năm tiếp theo công tác tuyên truyền cần tiếp tục được các bộ, ngành địa phương phối hợp đẩy mạnh. Qua đó, gián tiếp góp phần tăng cường hiệu quả phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.

PVXin cảm ơn ông!

Bích Liên (thực hiện )

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe-voi-su-nghiep-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc/doi-moi-hien-dai-hoa-cong-nghe-la-nhiem-vu-then-chot-cua-nganh-khi-tuong-thuy-van-602987.html

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: