Hội nghị trực tuyến phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2020

Đăng ngày: 16-05-2020 | Lượt xem: 2575
Công tác dự báo được thực hiện kịp thời, nhanh chóng và sớm đã góp phần giúp cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó chủ động, giảm thiểu thiệt hại trong thiên tai. Đây là nhận định được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 vừa diễn ra vào chiều 15.5.2020, Tại Văn phòng Chính phủ và tại 63 điểm cầu của 63 tỉnh thành phố và Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT).

Công tác dự báo được thực hiện kịp thời, nhanh chóng và sớm đã góp phần giúp cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó chủ động, giảm thiểu thiệt hại trong thiên tai. Đây là nhận định được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 vừa diễn ra vào chiều 15.5.2020, Tại Văn phòng Chính phủ và tại 63 điểm cầu của 63 tỉnh thành phố và Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT). Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2019, những vấn đề tồn tại rút kinh nghiệm từ thực tiễn chỉ đạo điều hành thời gian qua; đồng thời đề ra các nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác PCTT năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tham luận tại hội nghị Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã trình bày tham luận và đánh giá về diễn biến thiên tai KTTV có nhiều đặc điểm phức tạp và xuất hiện nhiều trị số cực trị, nhiều giá trị kỷ lục về mưa lớn, nắng nóng đã được ghi nhận. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã chỉ đạo Ngành KTTV theo dõi, dự báo có độ tin cậy cao, bám sát diễn biến tình hình KTTV, kịp thời gửi đến Ban chỉ đạo Trung ương PCTT; Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn, chính quyền địa phương các cấp, cộng đồng xã hội, người dân để chỉ đạo, ứng phó hiệu quả 19 đợt không khí lạnh; 03 áp thấp nhiệt đới; 8 cơn bão; 15 đợt nắng nóng, đặc biệt đợt nắng nóng trong tháng 6, tháng 8 năm 2019 có nhiều điểm vượt ngưỡng giá trị lịch sử; 15 đợt mưa lớn diện rộng; trên 20 sông chính, đã xảy ra 61 trận lũ với biên độ nước lên trên 1,0m.

Đặc biệt, Tổng cục KTTV đã chỉ đạo hệ thống các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác dự báo phục vụ, bổ sung các bản tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn khu vực ĐBSCL, miền Trung, Tây Nguyên. Qua đó đã góp phần làm giảm thiểu được thiệt hại do hạn mặn cũng như thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn báo cáo tham luận tại Hội nghị

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất trong bối cảnh ứng phó dịch bệnh Covid 19; ngay từ cuối tháng 3/2020, Tổng cục KTTV đã chủ động có Công văn số 391 gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị sẵn sàng được cung cấp bổ sung thông tin dự báo, cảnh báo chi tiết cho các khu vực đặc thù, nhất là các dự báo sớm, chi tiết cho địa bàn cụ thể cùng các yếu tố KTTV cần dự báo, phục vụ để chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, PCTT, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đến nay, Tổng cục KTTV đã nhận được gần 30 yêu cầu của các bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, Tổng cục đã đề xuất giảm 30% phí khai thác thông tin, dữ liệu KTTV để hỗ trợ doanh nghiệp (được Bộ Tài chính đồng thuận thể hiện qua việc đã ban hành Thông tư số 36/2020/TT-BTC ngày 05/5/2020).

Bên cạnh đó, triển khai thi hành Nghị định số 48/2020 sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV và các văn bản quan trọng do Thủ tướng Chính phủ mới ban hành liên quan tới công tác dự báo KTTV phục vụ PCTT, Tổng cục KTTV cũng đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị của các Ngành, lĩnh vực liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch xác định các phân vùng rủi ro thiên tai tại các khu vực có tuyến đường cao tốc đi qua; đánh giá, xác định và hoàn thiện hệ thống trạm thủy văn theo cấp báo động lũ và mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ; tổ chức tiếp nhận thông tin phản hồi từ Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân về chế độ phát tin, chất lượng và độ tin cậy của bản tin dự báo, cảnh báo; tăng cường việc thu nhận thông tin về các khu vực, các lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai để tổ chức dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai có hiệu quả, v.v…

Ở quy mô toàn cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2020 được nhận định sẽ là một trong những năm nóng hơn trung bình, kéo dài số năm nóng nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa. Nhiệt độ tăng cao sẽ kéo theo tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai KTTV năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.

Ở Việt Nam, nhận định chung cho thấy, năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước; mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là khu vực Trung Bộ. Dự báo khả năng có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Như vậy, số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ Trung bình nhiều năm (TBNN), tập trung ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019.

Dự báo nền nhiệt độ cao hơn TBNN khoảng 0,5 đến 1,5 độ C ở khu vực phía Bắc đất nước; 0,1 đến 1,0 độ C ở phần lãnh thổ phía Nam. Số ngày nắng nóng, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt dự báo không nhiều như năm 2019. Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa trên phạm vi toàn quốc. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5.

Lũ trên các sông ở Bắc Bộ và vùng hạ lưu các sông ở Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên và thượng lưu các sông ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông trên BĐ3; hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình ở dưới mức BĐ1. Trên các sông ở khu vực Tây Nguyên mùa lũ đến muộn hơn so với TBNN. Trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại đầu nguồn sông Cửu Long; mực nước cao nhất năm trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9/2020.
Mùa đông 2020/2021 có khả năng bắt đầu sớm, các đợt KKL sẽ hoạt động mạnh dần từ tháng 10/2020 và gia tăng tần suất hoạt động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế, quy mô tăng trưởng, phát triển kinh tế của Quốc gia đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác KTTV.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái cũng đã đưa ra các ý kiến kiến nghị của Ngành KTTV trong công tác PCTT trong thời gian tới:

1. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin số liệu về cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển KT-XH để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất. Khoa học và thực tiễn cho thấy, muốn dự báo được, ngoài những thông tin KTTV thì cần thiết phải có nhiều thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư, các chương trình, dự án phát triển KT-XH có liên quan, tác động tới điều kiện KTTV…

2. Xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực cho hoạt động KTTV là xu thế chung, tất yếu của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển cao trên thế giới, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của khối tư nhân để tăng cường phục vụ cho công tác phát triển KT-XH, PCTT. Tổng cục KTTV xin kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô, phương thức và loại hình xã hội hóa hoạt động KTTV, từ đầu tư trạm quan trắc, thu hút tư nhân tham gia dự báo KTTV phục vụ phát triển KT-XH, đến mạnh dạn cho phép thí điểm hợp tác công tư để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện Ngành KTTV đang được quản lý, sử dụng. Việc xã hội hóa chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành KTTV trong PCTT, phát triển bền vững trong thời gian tới, tăng tính tự chủ của Ngành, giảm sự phụ thuộc vào kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

3. Xin kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy cần lưu ý xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ, đồng thời bố trí đầu mối, cán bộ kiêm nhiệm có hiểu biết, kinh nghiệm về KTTV, PCTT để theo dõi, đánh giá và tích hợp thông tin, dữ liệu KTTV vào trong quá trình xây dựng, điều hành chính sách, chiến lược, quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực, phát triển bền vững, phục vụ PCTT. Vì thông tin, dữ liệu KTTV cần phải được xác định đúng với tính chất thực tế là nguồn tài nguyên số, một trong những dữ liệu “đầu vào” quan trọng để xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, PCTT của các ngành, địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác truyền thông trong thiên tai, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc tiếp tục chú trọng công tác truyền thông, thông tin sớm cho người dân và các cấp chính quyền. Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia của thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và BĐKH, lịch sử phát triển của Việt Nam luôn gắn liền với sự hình thành của người dân, gắn liền với thiên tai. Thuỷ hoả đạo tặc thì nước lũ là sức mạnh đầu tiên có thể tác động đến đời sống nhân dân. Thiên tai hiện nay diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường, trái quy luật, bão mạnh, siêu bão, mưa lớn, ngập lụt diện rộng, rét đậm rét hại, sạt lở… xảy ra trên khắp vùng miền cả nước, trong suốt cả năm…

Với tình trạng thiên tai trên thế giới như hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh công tác PCTT là nhiệm vụ thường xuyên, phải được quán triệt. Đặc biệt năm 2020 này dự báo có đến 11 – 13 cơn bão, trong đó 5 cơn đổ bộ vào biển Đông, đặc biệt là phía Nam, nơi chưa có nhiều kinh nghiệm chống mưa bão. Phải chủ động PCTT trong thời gian tới. Các cơ quan từ Trung ương, địa phương nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ dự báo, diễn biến sát tình hình, không để chủ quan ở bất cứ cấp nào, đảm bảo an toàn cho nhân dân là hàng đầu. Cần khẩn trương hoàn thành, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời và đặc biệt ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai của các địa phương. Không để tình trạng lúng túng trong phòng chống thiên tai.

Rà soát hoàn thiện các phương án ứng phó thiên tai tìm kiếm cứu nạn, tinh thần 4 tại chỗ mà cha ông ta đã vận dụng. Nhất là các trận lũ quét, lũ lớn, bão lớn, đổ bộ khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo là vấn đề quan trọng trong dự báo, đặc biệt là của Bộ TNMT, KTTV, tăng cường hợp tác quốc tế trong dự báo.

Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của các hệ thống đê điều, các vùng ảnh hưởng bởi thiên tai. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, giám sát công tác tìm kiếm cứu nạn, nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Các quân khu, quân đoàn, sư đoàn là lực lượng quan trọng trong huy động lực lượng phương tiện tham gia bảo vệ tính mạng, tài sản, đặc biệt là các công trình  khi xảy ra thiên tai. Bộ Giao thông vận tải triển khai phương án đường sắt, đường thuỷ, an toàn giao thông trong mưa bão. Bộ Công thương  đảm bảo hàng hoá, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Bộ xây dựng cần quy hoạch các vùng, các  khu dân cư, các điểm PCTT.

Các địa phương trong cả nước là quan trọng, nhân tố quyết định trong việc huy động lực lượng, nhận thức trong cộng đồng trong công tác PCTT. Củng cố lực lượng trong PCTT, tổ chức truyền thông trong cộng đồng nâng cao ý thức PCTT cho người dân. PCTT là mặt trận không ngừng nghỉ để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, thành quả của đất nước. Trong thời gian qua, nhờ công tác dự báo sớm, thông tin sớm, nên công tác PCTT của Việt Nam trong thời gian qua đã chủ động hơn. Đặc biệt là trong công tác phòng chống thiệt hại của hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ dự báo sớm,  nên mặc dù năm 2020 là năm hạn mặn lịch sử, nhưng Việt Nam đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm thiểu thiệt hại cho người dân./.

Toàn cảnh Hội nghị

Ảnh: TCKTTV

Biên tập: Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: