Hội thảo khoa học “Giải pháp, công nghệ cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ bùn đá vùng núi Việt Nam”

Đăng ngày: 26-11-2020 | Lượt xem: 5487
Sáng ngày 26/11, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp, công nghệ cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ bùn đá vùng núi Việt Nam” để đánh giá trực trạng sạt lở đất, lũ quét tại Việt Nam, xác định các giải pháp, công nghệ mới trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàm lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS. TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; GS.TS Mai Trọng Nhuận, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu; Đại diện các cơ quan của Văn phòng Chính phủ, các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, các Trường Đại học, các Viện Nghiên cứu, các cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhằm tận dụng mọi cơ hội tiếp cận kiến thức và kết quả nghiên cứu khoa học, tìm kiếm khả năng áp dụng trong công tác nghiệp vụ tại trung ương và địa phương, Hội thảo còn được thực hiện trực tuyến trên hệ thống thảo luận trực tuyến nghiệp vụ, kết nối từ Tổng cục KTTV tại Hà Nội tới 09 Đài KTTV khu vực trên phạm vi cả nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai trên khắp các vùng miền của đất nước. Thiên tai đang có xu hướng diễn ra ngày càng nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường và gây nhiều hiệt hại nặng nề, ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất kinh tế và có tác động to lớn đến các hoạt động an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Điển hình trong năm 2020, “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, mưa lớn kéo dài nhiều ngày phổ biến từ 1000-2000mm, có nơi trên 3000mm tại khu vực miền Trung gây lũ lớn, lũ lịch sử, ngập lụt sâu diện rộng, đặc biệt lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều năm qua tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Hướng Hoá (Quảng Trị), Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) và nhiều khu vực khác đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản.

Lũ quét, sạt lở đất, lũ bùn đá là loại hình thiên tai có diễn biến vô cùng phức tạp, ngoài yếu tố mưa tác động trên bề mặt đất còn liên quan tới nhiều yếu tố kích hoạt ẩn sâu trong lòng đất mà chủ quan của con người khó nhìn thấy, đó là yếu tố về địa hình, địa mạo, cấu trúc địa chất, các đứt gãy ở sâu dưới lòng đất, trong các khối đất đá... Chính vì vậy, bên cạnh yếu tố khí tượng thủy văn, các nghiên cứu đánh giá về địa hình, địa mạo, địa chất là những thông tin vô cùng quan trọng để từ đó nghiên cứu lập bản đồ nguy cơ sạt lở cũng như là những thông tin đầu vào để đánh giá khả năng sạt lở, xuất hiện lũ bùn đá trong các phương pháp, mô hình cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, lũ bùn đá.

Trong những năm qua, công tác dự báo, cảnh báo phục vụ phòng, chống thiên tai, ứng phó với lũ quét và sạt lở đất từ Trung ương đến cơ sở bước đầu đã có nhiều thay đổi: hệ thống trang thiết bị, mạng lưới quan trắc đã được tăng thêm, chủ động sáng tạo khắc phục trong công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong điều kiện có nhiều khó khăn về công nghệ cũng như hạ tầng, nghiên cứu phát triển hệ thống đồng hóa dữ liệu nâng cao năng lực dự báo mưa khu vực nhỏ, tiếp nhận một số công nghệ hiện đại, tham gia hợp tác với WMO với vai trò chủ trì Trung tâm Dự báo khu vực về cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á, tổng hợp sử dụng các nguồn dữ liệu nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất tại các đơn vị, thiết lập bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến cấp huyện ứng dụng trong cảnh báo nghiệp vụ.

GS. TS Mai Trọng Nhuận phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã được nghe 04 báo cáo của các cơ quan nghiên cứu: Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Địa chất và khoáng sản, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Tổng cục KTTV. Các ý kiến thảo luận của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, các viện nghiên cứu, các trường Đại học, các chuyên gia và doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Tuấn Anh, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã tặng 02 quyển Atlas địa lý cho đại diện Tổng cục KTTV và Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu

Trên thế giới, những quốc gia phát triển có vùng địa hình nhiều núi cao, sườn dốc, mưa lớn tương tự như nước ta như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... thường xuyên phải đối mặt với thiên tai sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng. Cảnh báo sát lở đất, ngoài yếu tố mưa tác động còn liên quan tới nhiều yếu tố kích hoạt ẩn sâu trong lòng đất mà chủ quan của con người khó nhìn thấy, đó là yếu tố về địa hình, địa mạo, cấu trúc địa chất, các đứt gãy ở sâu dưới lòng đất, trong các khối đất đá...Trên các bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất có thể thấy các đơn vị hành chính từ huyện, xã, thôn, bản trên nền lớp bản đồ có những đứt gãy và có cấu trúc địa chất dễ xuất hiện sạt lở đất khi có hội tụ đủ các yếu tố kích hoạt. Tuy nhiên, khi mưa, lũ lớn xảy ra, khu vực nào sẽ hội tụ đủ các yếu tố kích hoạt để hình thành sạt lở đất tại mỗi thời điểm khác nhau khó có thể dự đoán trước. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết dẫn tới công tác cảnh báo sạt lở đất, lũ bùn đá còn gặp nhiều khó khăn.

Qua Hội thảo này, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái mong muốn các nghiên cứu khoa học được trao đổi thảo luận tại đây sẽ được chia sẻ, nhân rộng và ứng dụng vào nghiệp vụ hàng ngày góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm phục vụ công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các cơ quan, ban, ngành và người dân. Các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV tiếp thu các công trình khoa học tại Hội thảo này và triển khai ứng dụng trong nghiệp vụ. Trong thời gian tới, Tổng cục KTTV luôn mong muốn tiếp tục được cập nhật các kết quả nghiên cứu có giá trị, những công nghệ mới để ứng dụng nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo KTTV.

Toàn cảnh Hội thảo

Bài và ảnh: Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: