HỘI THẢO TÌNH HÌNH THIÊN TAI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN-KHẢ NĂNG CẢNH BÁO SỚM VÀ ĐỘ TIN CẬY DỰ BÁO

Đăng ngày: 14-01-2017 | Lượt xem: 1222
Chiều ngày 13/1 tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia đã tổ chức Hội thảo tình hình thiên tai khí tượng thủy văn - khả năng cảnh báo sớm và độ tin cậy dự báo.

 

Tham dự Hội thảo có Ông Lê Thanh Hải- Phó Tổng giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia cùng một số đơn vị trực thuộc Trung tâm tại Hà Nội; Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cùng các trưởng, phó các phòng Dự báo hạn vừa hạn dài, dự  báo hạn, dự báo số viễn thám. Ngoài ra còn có sự tham gia của Vụ Thi đua Khen thưởng - Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các phóng viên đến từ các báo địa phương và Trung ương.

Ảnh: Ông Lê Thanh Hải- Phó Tổng giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia

Tại Hội thảo các phóng viên đã được nghe 03 báo cáo: Báo cáo tham luận thứ nhất 1. Các hiện tượng KTTV nổi bật năm 2016, công tác dự báo phục vụ và xu thế KTTV trong cả năm 2017; Báo cáo tham luận  thứ 2: Khả năng cảnh báo, dự báo sớm các loại hình thiên tai KTTV (trong nước và thế giới), sai số theo các hạn dự báo;  Báo cáo tham luận  thứ 3  Xu thế diễn biến thời tiết, thủy văn  thời gian Tết Nguyên đán Đinh Dậu do Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương trình bầy.

Theo Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Hạn ngắn - Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết Hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) nổi bật năm 2016:

Tuy mùa bão bắt đầu muộn nhưng tính đến cuối năm 2016 đã có 10 cơn bão và 7 ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn hẳn so với TBNN, trong đó có 4 cơn bão (bão số 1, 3, 4, 7) và 2 ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Đã có 24 đợt  không khí lạnh (KKL) ảnh hưởng đến nước ta. Đợt KKL mạnh ngày 21/01/2016 đã gây ra nhiệt độ thấp kỷ lục trong 40 năm qua và mưa tuyết, băng giá diện rộng đã xuất hiện ở vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Đã xảy ra 22 đợt mưa lớn diện rộng trên phạm vi cả nước. Mưa lớn dồn dập ở các tỉnh Trung Bộ vào tháng 10-12/2016 gây lũ lớn, ngập lụt nghiêm trọng.

Mùa khô 2015/2016, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. 

Ảnh: Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Hạn ngắn - Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương

 

Mùa lũ chính vụ trên các sông Bắc Bộ xuất hiện muộn, có 5 đợt lũ (trong đó có 1 đợt lũ lớn với đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái vượt mức báo động 3). Đã xuất hiện 07 trận lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt do ảnh hưởng của bão số 2, 3 gây mưa lớn, ha đợt lũ quét và sạt lở đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại Lào Cai và Yên Bái.

Có 16 đợt lũ đã xảy ra trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên. Lũ lớn, đặc biệt lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài, gây nghập lụt nghiêm trọng trên nhiều tỉnh thành ở khu vực Trung Bộ. Đáng kể nhất là các đợt lũ từ ngày 13-17/10 trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình  (gần đạt mức lũ lịch sử năm 2010 và 1979), đợt lũ ngày 30/10-9/11, 12-17/12 trên sông Vệ (Quảng Ngãi), sông  Kôn (Bình Định) đã đạt xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 2013.

Về công tác dự báo phục vụ: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã theo dõi chặt chẽ tình hình KTTV trên phạm vi cả nước, phát hiện và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm, đặc biệt là bão/ATNĐ, mưa lớn, lũ. Báo cáo thường xuyên với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và tham dự các buổi họp giao ban của Văn phòng Ban Chỉ đạo.

Đã thực hiện dự báo nhận định tình hình mùa cạn năm 2016, xu thế và đỉnh lũ năm 2016. Kịp thời ra các bản tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL. Thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ và vận hành xây dựng các nhà máy thủy điện trong mùa lũ. Thực hiện tốt nhiệm vụ dự báo phục vụ vận hành liên hồ chứa cho các sông ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trung tâm tiếp tục ra các bản tin nhận định nhiệt độ lúc 6h tại các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra trong các đợt rét đậm, rét hại phục vụ giáo dục, y tế ở các thành phố lớn. Cảnh báo thời tiết khô hanh ở Bắc Bộ, có thể gây nguy hiểm đến rừng và nguy cơ cháy nổ khu dân cư, công nghiệp. Mô phỏng lan truyền ô nhiễm phục vụ xác định nguyên nhân sự cố môi trường biển ở Trung Bộ và dự báo phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn các máy bay gặp nạn trên Biển Đông.

Đã thử nghiệm nhắn tin cảnh báo hiện tượng KTTV nguy hiểm xuất hiện trong thời gian ngắn tại khu vực thành phố Hà Nội từ tháng 5-8/2016 thông qua mạng viễn thông VNPT. Thường xuyên ra các bản tin dự báo KTTV phục vụ các hoạt động KT-XH và nhân dịp tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước.

Thường xuyên đánh giá chất lượng bản tin dự báo bão, ATNĐ. Tổ chức họp rút kinh nghiệm về công tác dự báo bão, mưa, lũ ngay khi kết thúc dự báo như đối với bão số 1, mưa lũ do bão số 2, bão số 3, mưa lũ ở Trung Bộ,...Kết quả đánh giá chất lượng dự báo KTTV năm 2016 của Trung tâm như sau:

-Dự báo bão, lũ: vượt chỉ tiêu đối với dự báo trước 12-24h, đạt yêu cầu đối với dự báo trước 24-48h. Sai số còn lớn đối với dự báo trước 48-72h.

-Dự báo KT hạn ngắn, hạn vừa: vượt chỉ tiêu 5%; dự báo TV hạn ngắn, hạn vừa: vượt chỉ tiêu 5-15%; Dự báo KTTV biển, KTTV hạn dài: đạt yêu cầu.

Về xu thế KTTV năm 2017: Hiện nay, ENSO đang ở pha trung tính (nghiêng về pha lạnh) nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu của một kỳ La Nina. Dự báo chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển sẽ tiếp tục có xu hướng ấm dần và hiện tượng ENSO sẽ ở trạng thái trung tính trong năm 2017, khả năng xuất hiện La Nina thấp dần.

Nhiều khả năng những tháng đầu năm 2017 nền nhiệt độ (đặc biệt ở khu vực miền Bắc) có xu hướng cao hơn so với TBNN, rét đậm-rét hại không kéo dài; mùa mưa bão 2016 ở khu vực phía nam sẽ kết thúc muộn, kéo dài sang các tháng đầu năm 2017. Mùa bão 2017 đến sớm hơn TBNN và ảnh hưởng tới Việt Nam tương đương như năm 2016, mùa mưa cũng sẽ đến sớm trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên các đợt mưa lớn và tổng lượng mưa sẽ ít hơn năm 2016. Hiện tượng mưa trái mùa có khả năng xuất hiện trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong những tháng đầu năm 2017.

Dòng chảy trong mùa khô năm 2016/2017 ở hầu hết các sông trên toàn quốc có khả năng nhỏ hơn mức TBNN, nhiều khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trên các sông ở Bắc Bộ, Trung Bộ. Tình trạng khô hạn và thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Nam Bộ, khô hạn cục bộ ở Bắc Bộ và Tây Nguyên nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015/2016.

Lũ ở khu vực Bắc Bộ trong năm 2017 có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2016 và đỉnh lũ sẽ tương đương đỉnh lũ năm 2016. Đỉnh lũ trên các sông Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến tương đương TBNN và thấp hơn năm 2016.

Trong năm 2017, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại Nam Bộ. Đỉnh lũ tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10/2017 và ở mức BĐ2 (cao hơn năm 2016, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN).

Diễn biến thời tiết, thủy văn trong năm 2017 trên phạm vi cả nước vẫn có xu hướng thiếu hụt mưa và dòng chảy, xuất hiện khô hạn và thiếu nước; nền nhiệt độ tăng cao vào mùa khô nhưng không khắc nghiệt như năm 2016. Tuy nhiên, bão, mưa, lũ đến sớm và kéo dài trong cả năm 2017.

 Công tác dự báo KTTV trong năm 2017 sẽ được chú trọng vào cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ trái mùa vào nửa đầu năm 2017 và dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ vào cả năm 2017, đặc biệt là ở khu vực Trung Bộ.

Ông Nguyễn Đăng Quang với báo cáo tham luận về khả năng dự báo, cảnh báo sớm các loại thiên tai KTTV, sai số theo hạn dự báo. Tại Hội thảo ông Nguyễn Đăng Quang cho biết về khả năng dự báo mưa lớn diện rộng, không khí lạnh và bão, áp thấp nhiệt đới:

Ảnh: Ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng Dự báo số viễn thám – Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương

 

Trong hai năm 2015-2016 vừa qua cho thấy hệ thống dự báo tổ hợp tại Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã dự báo, cảnh báo sớm được các đợt mưa lớn diện rộng, không khí lạnh, sự tăng cường hoặc yếu đi của các nhiễu động nhiệt đới bao gồm cả bão và ATNĐ trên biển Đông từ 7-10 ngày trước khi hiện tượng xuất hiện. Một số ví dụ cụ thể và gần đây đó là Trung tâm đã dự báo, cảnh báo sớm được các đợt mưa lớn miền Trung thời kỳ những tháng cuối năm 2016, phát hiện và cảnh báo sớm sự dịch chuyển và suy yếu của bão số 10, dự báo sớm và sát thực tế các đợt gió mùa đông bắc và KKL trong mùa đông xuân 2016-2017.

Tuy nhiên, các dự báo, cảnh báo sớm này thường khó nắm bắt được các cực trị cao nhất hoặc thấp nhất của từng hiện tượng cũng như khu vực cụ thể xuất hiện các giá trị cực trị. Sai số vị trí của dự báo bão trong 24h ở ngưỡng 100-150km, 48h đạt 180-220km và 72h sai số vị trí ở trong khoảng 280-300km.

Khả năng dự báo dông, lốc, vòi rồng, lũ quét: Năng lực dự báo các hiện tượng thời tiết quy mô nhỏ như dông, lốc và vòi rồng hiện nay còn hạn chế. Mặc dù các bản tin cảnh báo mưa, dông đầu tiên đã được thực hiện từ năm 2015 nhưng do thời gian xuất hiện và kết thúc của các hiện tượng nói trên ngắn nên thông tin cảnh báo dông lốc tới được cộng đồng còn chậm chễ, chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng. Hiện nay, các tin cảnh báo mưa dông, lốc, mưa đá sớm hơn so với diễn biến thực tế từ 15 phút cho tới khoảng một, hai giờ. 

          Lũ quét, sạt lở đất chưa thể dự báo được, chỉ thực hiện cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng. Dự báo lũ quét là vấn đề khó. Ngay cả các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản với các kỹ thuật hiện đại như vệ tinh, rađa thời tiết, hệ thống máy móc đo đạc tự động cũng chỉ đưa ra những cảnh báo lũ quét cho một khu vực chứ không phải cho một vị trí cụ thể nào.

Khả năng dự báo, cảnh báo lũ: Khả năng dự báo và độ chính xác của dự báo lũ tùy thuộc vào thời gian dự kiến của dự báo và vị trí dự báo. Càng dự báo dài hơn so với thời gian tập trung nước trên lưu vực, thì độ chính xác, độ tin cậy cũng giảm theo. Thời gian dự kiến dự báo quá trình lũ cho khu vực Trung bộ, Tây nguyên từ 3-12 giờ, 24 giờ đối với các sông lớn; cho các sông ở Bắc bộ 6 - 48 giờ (ở thượng lưu lưu 24 giờ, hạ lưu 48 giờ); Sông Cửu Long trước 5 ngày. Mức đảm bảo dự báo khoảng 75 - 80%.

Khả năng cảnh báo hạn hán: Hạn hán có đặc điểm là hình thành, phát triển chậm, thời gian ảnh hưởng kéo dài và thường chỉ được phát hiện khi con người đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hạn. Hạn hán có khả năng cảnh báo trước từ 10 ngày đến 3 tháng

Khả năng cảnh báo xâm nhập mặn: Hiện tượng thiên tai xâm nhập mặn và hạn hán có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn có khả năng thực hiện trước 10 ngày tới 1 tháng.

Như vậy chúng ta có thể thấy, trong những năm gần đây, độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn, đặc biệt trong vấn đề dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn vốn là những loại hình thời tiết rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng. Bên cạnh những mặt tích cực, việc dự báo mới chỉ có tiến bộ nhiều về mặt định tính (khu vực, thời gian xuất hiện), về mặt dự báo định lượng vẫn còn những hạn chế. Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân trực tiếp nhất là hiện nay chúng ta đang trải qua tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khiến thiên tai hoạt động trái quy luật, bất thường. Ngoài ra, mạng lưới thám sát thiên tai, công nghệ dự báo lạc hậu, năng lực của dự báo viên chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn.

 Nhận thức được những hạn chế và tồn tại trong công tác dự báo, cảnh báo chúng ta cần phải có lộ trình, biện pháp thích hợp để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo. Việc này đòi hỏi trong thời gian tới cần tiến hành thực hiện đồng bộ các biện pháp, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trọng tâm sẽ tập trung vào việc ứng dụng, nâng cao công nghệ dự báo thiên tai; đầu tư trang thiết bị phục vụ thám sát thiên tai; đặc biệt là đào tạo cán bộ có năng lực cao.

Tuy nhiên, cần phải hiểu được thực trạng năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng với từng loại hình thiên tai cụ thể hiện ra sao, chúng ta mới có những đầu tư kịp thời, thỏa đáng. Để có thể hiểu rõ hơn có thể lấy ví dụ về năng lực cảnh báo vị trí và hướng di chuyển của bão ở các nước có trình độ khoa học khí tượng phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Nhìn chung, sai số dự báo bão trung bình trong thời hạn 24h, 48h và 72h của họ lần lượt ở khoảng 100-120km, 170-190km và 250-280km. Những sai số đó là tới hạn dự báo, là trình độ khoa của họ hiện nay. Vậy độ tin cậy, độ chính xác trong bản tin của họ hàm ý khi sai số dự báo nằm trong khoảng đó. Ở Việt Nam, sai số dự báo vị trí, hướng di chuyển của bão trong các thời hạn trên hiện nay cũng lần lượt ở khoảng 100-150km, 180-220km, 280-300km, đây cũng phải được hiểu là độ tin cậy đối với các cơ quan chức năng phòng chống thiên tai có liên quan. Trong dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão như vậy, trong khi dự báo cường độ bão còn rất nhiều tồn tại. Không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả các nước tiên tiến đều chưa có nhiều tiến bộ trong dự báo cường độ  bão (sai số trung bình trong thời hạn 24h, 48h lần lượt là 2-3 cấp bão, dự báo cường độ thời hạn 72h hầu như không có tính tham khảo cao). Vì vậy, trong thời gian tới việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ dự báo, mạng lưới thám sát thiên tai dù hiện đại, tiên tiến và cần thiết thế nào cũng phải được hiểu là để giúp chúng ta tiệm cận đến trình độ dự báo thế giới, nâng cao độ tin cậy, độ chính xác trong các bản tin cảnh báo, dự báo. Điều quan trọng hơn là phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, có cơ chế đặc biệt, mục tiêu đào tạo, chương trình phát triển cán bộ năng lực cao đáp ứng yêu cầu làm chủ trang thiết bị, làm chủ kiến thức khoa học mới để có thể bám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai ngày càng bất thường hơn.

Báo cáo tham luận cuối cùng do Ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Hạn vừ hạn dài Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết về xu thế diễn biến thời tiết, thủy văn thời gian Tết Nguyên đán Đinh Dậu (từ ngày 26/1 đến 5/2)

Ảnh: Ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Hạn vừ hạn dài Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương

Dự báo tuần nghỉ Tết sẽ ít có khả năng có không khí lạnh (KKL) mạnh ảnh hưởng tới nước ta. Rãnh xích đạo ở trên khu vực giữa và nam Biển Đông duy trì và có khả năng gây mưa cho các vùng biển ngoài khơi cũng như vùng ven bờ. Gió đông bắc mạnh trên khu vực Bắc biển Đông.

Các tỉnh miền Bắc nhiều khả năng có nhiệt độ cao hơn cùng kỳ (theo dương lịch) nhiều năm và hầu như không có khả năng xảy ra mưa trên diện rộng. Lượng mưa tuần phổ biến dưới 10mm. Thời tiết thuận lợi cho các hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội dịp Tết nguyên đán. Dự báo nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Ảnh: Ông Hoàng Đức Cường- Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương trả lời các câu hỏi của các phóng viên

Các tỉnh miền Trung do ảnh hưởng của gió đông bắc cường độ trung bình nên sẽ có mưa rải rác với lượng mưa tuần phổ biến 10-30mm. Mưa có thể ảnh hưởng tới các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời dịp Tết. Nhiệt độ tại các tỉnh miền Trung có xu hướng xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Các tỉnh miền Nam chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp yếu, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn so với giai đoạn hiện tại nhưng khu vực mưa chủ yếu xuất hiện trên các vùng biển giữa và nam Biển Đông. Một số khu vực ven biển có thể có mưa rải rác nhưng lượng mưa không lớn, phổ biến lượng mưa tuần dưới 10mm. Nhiệt độ tại đây có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Nguồn dòng chảy các sông sẽ biến đổi chậm theo xu thế xuống dần. Mực nước tại trạm Hà Nội sẽ dao động ở mức 0,5-1,5m.

Trong dịp tết nguyên đán tình tình thủy văn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ không có nhiều biến động, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên giảm dần, khu vực Nam Bộ dao động theo triều.

Kết thúc Hội thảo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương có lưu ý các phóng viên: Trung tâm D báo khí tượng thy văn Trung ương có kế hoch phát tin d báo thi tiết Tết Nguyên đán Đinh Du t khong ngày 18/1 (ngày 21 tháng Chp) và cp nht mi ln 1 ngày cho đến ngày cui cùng k ngh Tết. Đề ngh các phóng viên theo dõi và cp nht bn tin mi trên trang Web ca Trung tâm D báo KTTV Trung ương và Trang thông tin đin t tng hp ca Trung tâm KTTV quc gia ti 2 địa ch sau:

 http://www.kttvqg.gov.vn; http://www.nchmf.gov.vn/

Bài và ảnh: Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: