Khẩn trương, quyết liệt ứng phó bão Noru

Đăng ngày: 25-09-2022 | Lượt xem: 2334
Chiều ngày 25/9,Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức cuộc họp trực tuyến thảo luận diễn biến của cơn bão Noru. Đây được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp.

Dự cuộc họp có Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái; các Phó Tổng cục trưởng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường như: Cục Quản lý Tài nguyên nước, Các Viện: Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Địa chất khoáng sản; các chuyên gia của Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam; cuộc họp có sự tham gia trực tuyến của các Đài KTTV khu vực và các Đài tỉnh.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 16 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 16 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho rằng, do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h, cường độ suy yếu dần.

Phát biểu thảo luận tại cuộc họp, các chuyên gia dự báo và đại diện lãnh đạo các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh đều cho rằng, bão số 4 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, do đó công tác dự báo, ứng phó phải được tiến hành khẩn trương, chủ động.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh, dự báo đây là cơn bão lớn, khi vào có thể đạt cấp 12, 13. Do đó, những tác động của nó cũng sẽ lớn hơn, đòi hỏi công tác dự báo, ứng phó cần được đặc biệt chú trọng. Ông Trần Hồng Thái đề nghị các đơn vị dự báo làm việc với tinh thần cao nhất, tâm huyết nhất, cẩn trọng nhất, mọi thông tin đưa ra ở mức độ cảnh báo cao nhất. Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái lưu ý các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh tiếp tục trao đổi chặt chẽ, cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời cho lãnh đạo các địa phương để tổ chức chỉ đạo ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại gây ra.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục KTTV cần xác định tinh thần cảnh giác cao độ, phản ứng kịp thời trước diễn biến của cơn bão số 4. Ông cho rằng, hệ thống dự báo của Tổng cục KTTV trong những năm vừa qua đã được chuẩn bị kỹ càng cả về mặt kỹ thuật, công nghệ dự báo, công tác quản lý, công tác đưa tin, truyền thông, Thứ trưởng đề nghị với trận bão này, Tổng cục tiếp tục phát huy những ưu điểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Tổng cục KTTV tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của bão, lưu ý tham khảo thêm mô hình dự báo của các cơ quan dự báo và cả Philippin nơi mà cơn bão đi qua, từ đó đưa ra các thông tin dự báo chính xác nhất.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng yêu cầu Tổng cục KTTV cần lưu ý đúc rút kinh nghiệm dự báo các cơn bão mạnh, xây dựng thành các quy trình dự báo thật chi tiết, phân cấp và quản lý khoa học để khai thác phục vụ dự báo trong các tình huống tương tự.

Toàn cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: