Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia báo cáo diễn biến bão số 5 năm 2020 và Công tác dự báo phục vụ

Đăng ngày: 22-09-2020 | Lượt xem: 1395
Chiều ngày 22/9/2020 tại Hà Nội, Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã nghe Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia báo cáo diễn biến bão số 5 năm 2020 và Công tác dự báo phục vụ.

Sáng 15/9, một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hình thành trên khu vực miền Trung Phi-lip-pin và chiều tối cùng ngày đi vào vùng biển phía Đông khu vực Giữa Biển Đông. Sau khi vào Biển Đông, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h. Đêm 15/9, ANTĐ mạnh lên thành bão, cơn bão số 5 hoạt động trên Biển Đông trong năm 2020 và có tên quốc tế là Noul. Sau khi hình thành, bão số 5 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ trung bình 15-20km/h. Sáng sớm 17/9, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc và mạnh lên cực đại cấp 10, giật cấp 12. Chiều tối 17/9, bão lại đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển tăng lên khoảng 25km/h. Khoảng 10 giờ ngày 18/9, bão đổ bộ vào các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và suy yếu thành ANTĐ. Chiều 18/9, ATNĐ di chuyển sang khu vực Trung Lào và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Khoảng 09-10 giờ ngày 18/9, bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên Huế với cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11. Tại trạm khí tượng Thừa Thiên Huế, khí áp thấp nhất quan trắc được trong bão số 5 là 984,6mb vào lúc 08h56 ngày 18/9.

Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng như báo cáo nhanh của các Đài KTTV, tính đến 19h ngày 20/9/2020, tình hình thống kê thiệt hại như sau:

Về nhà cửa: 13 nhà bị sập đổ hoàn toàn (Quảng Trị 03; Thừa Thiên Huế 10); 22.716 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Thừa Thiên Huế 21.293, Nghệ An 09; Hà Tĩnh 334; Quảng Bình 61; Quảng Trị 893). 36 điểm Trường học bị ảnh hưởng (Nghệ An 01; Hà Tĩnh 01, Quảng Trị 03, Thừa Thiên Huế 20, Đà Nẵng 01, Quảng Nam 10).

Về nông nghiệp và thủy sản: 1.439ha lúa bị ngập (Nghệ An 1.256ha, Quảng Bình 02ha, Quảng Trị 36ha, Quảng Nam 145ha); 2.449ha hoa màu bị thiệt hại (Nghệ An 1.723ha, Hà Tĩnh 196ha, Quảng Bình 02ha, Quảng Trị 31ha, Thừa Thiên Huế 439ha, Đà Nẵng 30ha, Quảng Nam 28ha); 2.339ha cây lâm nghiệp; 309ha cây ăn quả bị thiệt hại; 105ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng (Nghệ An 56ha, Quảng Trị 10ha, Thừa Thiên Huế 39ha).

Về giao thông và cơ sở hạ tầng:

+ Sạt lở 25km đường quốc lộ với khoảng 11.000m3 đất đá (Quốc lộ 16 có 100 vị trí sạt lở); 11km đường nội tỉnh với khoảng 285.500m3 đất đá.

+ 0,6km kè; 15,1km kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 16,5km bờ biển, bờ sông bị sạt lở, trong đó 6,2km bờ biển ăn sâu từ 5-10m.

+ 217 cột điện bị gãy đổ; 07 trạm biến áp bị hư hỏng; 03 trụ thông tin bị gãy; riêng Thừa Thiên Huế 43 tuyến cáp quang bị đứt; 103km dây điện hạ thế bị đứt.

Đặc biệt có 06 người chết (Hà Tĩnh 01; Quảng Trị 01; Thừa Thiên Huế 04); 112 người Người bị thương: (Quảng Bình 10 người; Quảng Trị 07 người; Thừa Thiên Huế 92 người; Đà Nẵng 01 người; Quảng Nam 02 người.

Ngày 13/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (TTDB) đã ban hành Công văn gửi tới Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhận định và cảnh báo sớm về khả năng một vùng một vùng áp thấp ở khu vực vùng biển phía Đông Phi-Líp-Pin sẽ đi vào Biển Đông, mạnh lên thành ATNĐ và sau đó có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển về đất liền nước ta gây mưa to đến rất to kèm kèm nguy cơ cao về dông, lốc, sét, gió giật mạnh ở các tỉnh Trung Bộ.

Sáng ngày 15/9, TTDB đã ban hành bản tin ATNĐ gần Biển Đông và chiều cùng ngày ban hành bản tin ATNĐ trên Biển Đông. Đêm 15/9, ban hành tin bão trên Biển Đông và đến 17 giờ ngày 16/9 ban hành bản tin bão khẩn cấp.

Chiều ngày 16/9, TTDB đã ban hành bản tin cảnh báo lũ trên các sông khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên.

Các thông tin dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, gió mạnh trên đất liền, sóng lớn, nước biển dâng kết hợp với triều cường, mưa lớn đều được cập nhật thường xuyên (trước từ 24 giờ đến 36 giờ) và bám sát thực tế.

TTDB đã cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời, đầy đủ cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ủy ban Quốc gia Tìm kiếm- Cứu nạn và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí. Các bản tin nhanh về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ và bản đồ phân vùng các khu vực với mức độ nguy cơ cao đến rất cao được chi tiết hóa đến cấp huyện để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

TTDB đã tổ chức 02 buổi thảo luận trực tuyến với 05 Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực: Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, các Đài KTTV tỉnh liên quan và các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Trung tâm Viễn thám quốc gia nhằm đánh giá về tình hình bão, mưa, lũ và an toàn hồ chứa trong khu vực. Trong suốt thời gian diễn ra bão số 5, các Quan trắc viên tại các trạm đã thực hiện tốt kỷ luật quan trắc, công tác đo đạc, thông tin liên lạc hoạt động tốt.

Tổng cộng TTDB đã ban hành 25 bản tin và 02 bản tin nhanh về bão số 5; 03 bản tin cảnh báo lũ, 07 bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên. Trong các bản tin đều cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt tại các vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị cho các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Bài và ảnh: Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: