Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021

Đăng ngày: 18-12-2020 | Lượt xem: 3863
Chiều ngày 18 tháng 12, tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch công tác năm 2021 nhằm đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện trong năm 2021.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết có ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng, các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV, các Đài KTTV khu vực, các Cục, Viện trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về phía các đơn vị đến tham dự còn có ông Nguyễn Hiệp, Phó cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục PCTT; Đại tá Nguyễn Khắc Tiến, Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Đại tá Nguyễn Văn Khôi, Bộ tham mưu Cảnh sát biển Việt Nam; bà Bùi Hải Bình, Giám đốc Trung tâm Truyền hình thời tiết và cảnh báo thiên tai, Đài Truyền hình Việt Nam; ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội KTTV Việt Nam. Đến dự Hội nghị còn có nguyên các lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, thay mặt tập thể lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã đọc Báo cáo Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của đơn vị. Nhìn lại năm 2020, ngay trong ngày đầu của năm âm lịch, mưa đá kèm theo dông, lốc tại khu vực Đồng bằng và miền núi phía Bắc báo hiệu một năm thiên tai bất thường và khó lường. Trong năm, đã có đến 13 cơn bão, 1 ATNĐ đã xuất hiện trên khu vực Biển Đông; trong đó có 7 cơn bão, 1 ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Đặc biệt, cơn bão số 9 (Molave) là một trong hai cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ.

Xâm nhập mặn xuất hiện sớm và gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các tháng mùa khô, thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở Trung Bộ và ĐBSCL. Đáng chú ý, mùa lũ Trung Bộ, Tây Nguyên đã phải hứng chịu chuỗi đa thiên tai liên tiếp. Lũ lớn xảy ra trên hầu khắp các sông trên toàn quốc, đỉnh lũ phổ biến vượt mức báo động 3 từ 0,5 - 2,0m, nhiều sông đỉnh lũ đã vượt mức lịch sử; ngập lụt sâu diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng ở miền Trung gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân ở khu vực này.

Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Báo cáo Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021

Ngay từ đầu năm 2020, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã chỉ đạo các phòng chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV, nguồn nước thường xuyên theo quy định của Tổng cục KTTV. Trung tâm đã có bản tin đặc biệt nhận định sớm về khả năng diễn biến phức tạp của mùa mưa, bão, lũ năm 2020 gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Bắt đầu từ giữa năm 2020, trong các bản tin dự báo mùa (phát hành tháng 5 và tháng 6/2020) của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã bắt đầu đưa ra những nhận định đầu tiên về một mùa bão “dồn dập vào cuối năm”, “đặc biệt trong hai tháng 10 và 11/2020” và “tập trung ở khu vực Trung Bộ”. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các phương tiện truyền thông khác đưa tin về nội dung này. Sau đó, các thông tin dự báo mùa, dự báo tháng, dự báo 10 ngày đều có cập nhật thường xuyên.

Trong tháng 10 và 11/2020, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã liên tục ra bản tin dự báo, cảnh báo tình hình mưa rất lớn và kéo dài ở Trung Bộ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Tổng cục để đảm bảo các nhận định, dự báo được sát với thực tế. Đặc biệt, Trung tâm đã có phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Khảo sát KTTV triển khai các quan trắc tăng cường các cơn bão đổ bộ vào đất liền, bổ sung thông tin giúp công tác giám sát và dự báo tốt hơn.

Công tác dự báo phục vụ Quy trình liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông trên toàn quốc được thực hiện đầy đủ. Cung cấp liên tục các bản tin dự báo phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm 2019-2020. Các bản tin dự báo hạn vừa, hạn dài, dự báo nguồn nước được thực hiện đầy đủ, kịp thời cung cấp cho các cơ quan, tổ chức theo Quy trình, Quy định và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường như: Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Cục Viễn thám quốc gia và các đơn vị ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường như: Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội,... trong quá trình phân tích, đánh giá dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm như xâm nhập mặn, bão, lũ và báo cáo kịp thời gửi Lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

 Thực hiện các nhiệm vụ dự báo đột xuất phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn như: Cung cấp tin dự báo thời tiết, thủy văn ở các khu vực sạt lở đất tại Huế, Quảng Trị, sự cố đắm tàu tại Cửa Việt (Quảng Trị) và tìm kiếm người mất tích trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa. Đã tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quy trình, Quy phạm, Quy định chuyên môn dự báo KTTV do Tổng cục KTTV ban hành. Đã triển khai sản phẩm đồng hóa số liệu phân giải cao vào dự báo nghiệp vụ, trong đó đã sử dụng toàn bộ quan trắc bề mặt, cao không của Việt Nam và quan trắc vệ tinh, GTS đã qua xử lý của Mỹ. Phối hợp chia sẻ sản phẩm dự báo KTTV với các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh. Chủ động xây dựng các phương án làm việc trực tuyến trong thời gian thực hiện lệnh dãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 nên vẫn đảm bảo công tác dự báo phục vụ và sức khỏe của cán bộ, viên chức và người lao động trong Trung tâm. Kết quả dự báo các yếu tố KTTV trong năm 2020 đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Ngoài ra, Trung tâm cũng đã phối hợp hoàn thiện về Biên bản ghi nhớ ký mới với Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc về việc chia sẻ số liệu KTTV giữa hai quốc gia và Biên bản ghi nhớ với Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào trong việc tăng cường năng lực dự báo KTTV. Trung tâm đã bước đầu triển khai trong nghiệp vụ hệ thống đồng hóa số liệu cập nhật toàn bộ các quan trắc bề mặt, trên cao của Việt Nam cho mô hình số trị phân giải cao và đã chia sẻ cho toàn bộ các Đài KTTV khu vực cùng khai thác.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Trong năm 2021, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tiếp tục đẩy mạnh tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc và giám sát của Lãnh đạo Trung tâm trong các nhiệm vụ được giao, xác định ưu tiên số một vẫn là tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thuỷ văn, hải văn nguy hiểm như bão, ATNĐ, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn... phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Để thực hiện, Trung tâm sẽ triển khai các hình thức tương tác bản tin KTTV với người dùng mới như App điện thoại di động, Facebook, Youtube... Xây dựng mô hình số trị phân giải cao với hệ thống đồng hóa số liệu hoàn chỉnh cho Việt Nam có cập nhật đầy đủ số liệu từ thám không, radar, vệ tinh, quan trắc truyền thống và quan trắc tự động nhằm nâng cao chất lượng dự báo mưa định lượng. Triển khai xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du trên toàn quốc.

Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực Dự báo tác động, xây dựng Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam. Tăng cường đào tạo Dự báo viên thông qua các lớp tập huấn với Chuyên gia nước ngoài, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dự báo phục vụ; ứng dụng sâu rộng hệ thống Khí tượng thông minh (SmartMet) vào nghiệp vụ, đặc biệt là dự báo thời tiết điểm. Cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo KTTV, cụ thể hóa bản tin dự báo KTTV nguy hiểm theo hướng dự báo chi tiết hơn, dự báo tác động của các hiện tượng KTTV nguy hiểm đến các ngành, lĩnh vực. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Tổng cục KTTV như: Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV, Trung tâm Quan trắc KTTV, Đài Khí tượng cao không,… để đề xuất nhu cầu khai thác cơ sở dữ liệu mưa tự động. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Đài KTTV khu vực có biển để hoàn thiện hệ thống chia sẻ sản phẩm dự báo hải văn. Đầu tư xây dựng các mô hình, công cụ dự báo để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội. Chú trọng các công cụ nhằm hỗ trợ các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh. Tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Trung tâm thực hiện nghiêm túc Nội quy, Quy định của Tổng cục KTTV và Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đề ra.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Trung tâm Dự báo KTTV trong năm 2020, một năm thiên tai khốc liệt “bão chồng bão, lũ chồng lũ” đã cố gắng nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Tổng Cục trưởng khẳng định, dự báo quốc gia chính là hạt nhân, đóng vai trò quan trọng trong lực lượng phòng chống thiên tai của Tổng cục KTTV. Trong năm qua, lực lượng phòng chống thiên tai nói chung, toàn ngành KTTV nói riêng đã đóng góp to lớn vào sự phát triển đất nước, nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; trong đó, không thể không kể đến đóng góp của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

Chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia còn phải đối mặt, Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cần nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm để hướng đến năm 2021, năm đầu triển khai Chiến lược phát triển ngành KTTV giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng là năm đầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược, mục tiêu của Bộ TN&MT giao. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia xác định rõ nét các định hướng; tiếp tục duy trì ổn định những nỗ lực trong năm qua, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dự báo viên, thực hiện tốt hơn nữa những mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Trong tình hình thời tiết còn nhiều biến động đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thường xuyên, liên tục thực hiện, cập nhật kịp thời, giám sát, cảnh giác, cảnh báo để người dân, Ban Chỉ đạo Trung ương và các đơn vị liên quan có thông tin, có giải pháp ứng phó kịp thời.

Tiếp tục rà soát lại hệ thống dự báo từ trung ương đến địa phương, khắc phục những bất cập trong năm 2020 trong quá trình tác nghiệp còn tồn tại, hoàn thiện những tiêu chuẩn, quy chế cần điều chỉnh. Phối hợp với các Đài KTTV khu vực rà soát, kiểm tra lại hệ thống dự báo, hệ thống mạng lưới quan trắc, thông tin dữ liệu để chuẩn bị cho mùa bão, lũ năm 2021. Tiếp tục ra các bản tin dự báo KTTV, dự báo mực nước, hạn mặn phục vụ cho các ngành, đặc biệt là Nông nghiệp. Trong những tháng đầu năm 2021 tích hợp số liệu từ các nhà khoa học đưa ra lộ trình, công cụ để nâng cao chất lượng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Xây dựng ngành KTTV tiếp tục phục vụ tối đa, then chốt cho công tác PCTT, phát triển, nghiên cứu để thông tin KTTV là nguồn thông tin đầu vào quan trọng phát triển các ngành kinh tế - xã hội, bên cạnh việc phục vụ cho dân sinh, cho quốc phòng – an ninh.

Đại diện các phòng chuyên môn Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phát biểu tham luận tại Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Bài và ảnh: Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: