Bạc Liêu: Không để biến đổi khí hậu làm chậm bước phát triển ​​​​​​​

Đăng ngày: 04-12-2018 | Lượt xem: 933
Sau khi cùng Đoàn công tác của Quốc hội trực tiếp thị sát kè, đê biển ở một số khu vực sạt lở nghiêm trọng ngày 3.12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cơ...
03 khong de 33818 489

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thị sát kè, đê biển ở khu vực sạt lở nghiêm trọng 

Với bờ biển dài 56km, Bạc Liêu có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế biển, nhưng đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, nhất là hiện tượng xói lở bờ biển, sạt lở đê biển và kè cửa sông do thay đổi dòng chảy và sóng to, gió lớn, gây thiệt hại ngày càng nặng nề cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cả năm trụ cột phát triển cho giai đoạn 2016 - 2020 gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch, thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao và phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh đều có thể chịu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn, khốc liệt hơn so với các dự báo trước đây. 

Báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung cho biết, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, mực nước biển dâng trung bình 3,34mm/năm kết hợp với sụt lún khoảng 7,28mm/năm, gây ngập tăng tổng cộng 10,62mm/năm, kết hợp với triều cường, nhất là trong các đợt triều cường dâng cao làm cho nước kênh Bạc Liêu - Cà Mau tràn qua Quốc lộ (QL) 1A, đã ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, an toàn giao thông nơi đây. Trong khi đó, tuyến đê Biển Đông đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là một số đoạn thuộc thành phố Bạc Liêu và hai huyện Hòa Bình và Đông Hải. Nguyên nhân là do thảm rừng phòng hộ trước các đoạn đê này đã bị sạt lở nghiêm trọng do sóng biển tác động, cao trình đỉnh đê thấp, mặt đê bị sụt lún nên không còn khả năng ngăn nước khi thủy triều dâng cao.

Bạc Liêu mong được các cơ quan chuyên môn của Trung ương tìm kiếm giải pháp công trình và phi công trình để phá sóng, gây bồi từ xa phát triển đai rừng phòng hộ, bảo vệ tuyến đê biển và hạ tầng bên trong. Đồng thời có những nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng, nhất là do lượng phù sa bị chặn lại trên các đập đầu nguồn sông Mê Kông, để có giải pháp phòng, chống thích hợp. Trước mắt, để ứng phó với triều cường gây tràn nước mặn từ kênh Bạc Liêu - Cà Mau qua QL1A, tỉnh kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng kè chống ngập dọc QL1A, với tổng chiều dài các đoạn cần xây dựng kè là 14 nghìn mét, tổng mức đầu tư ước khoảng 725 tỷ đồng. 

Đưa ra những khuyến cáo rất đáng lo ngại của Ủy hội sông Mê Kông về sụt giảm mạnh nguồn phù sa, bùn cát từ thượng nguồn mà tự chúng ta khó có thể tự khắc phục được, chưa kể lún sụt và mực nước biển dâng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết Bộ đang thử nghiệm nhiều giải pháp chống sạt lở bờ biển và ngay từ bây giờ hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông - Vận tải cần phối hợp để tích hợp, xây dựng các tuyến đê kết hợp với giao thông để thích ứng với biến đổi khí hậu. Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Bộ  Tài nguyên và Môi trường đang tập trung nghiên cứu, đánh giá toàn diện vấn đề sụt lún, sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long. Bạc Liêu đã có một số dự án ứng phó với biến đổi khí hậu chuyển tiếp đang được bố trí vốn thực hiện tiếp.

Sau khi cùng Đoàn công tác của Quốc hội trực tiếp thị sát kè, đê biển ở một số khu vực sạt lở nghiêm trọng tại Bạc Liêu ngày 3.12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cơ bản đồng tình với giải pháp công trình phá sóng, gây bãi bồi từ xa gắn với trồng rừng phòng hộ ở khu vực bờ biển xung yếu nhất đang sạt lở mạnh; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giúp Bạc Liêu sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư để có thể sử dụng một phần nguồn vốn 10 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội Khóa XIV tại Kỳ họp thứ 6 đã quyết định dành cho hệ thống đê biển trọng yếu đang bị sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 3 tuyến đê biển cấp thiết của Bạc Liêu theo đề nghị của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để Bạc Liêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo 5 trụ cột phát triển đã xác định. “Chúng ta phải coi đây là thách thức lớn nhất của Bạc Liệu trên con đường phát triển và xác định đây là công việc thường xuyên, lâu dài làm trong nhiều năm liền mới có kết quả. Thực ra là chúng ta phải tiếp nối truyền thống làm thủy lợi của cha ông từ thời kỳ khẩn hoang vùng đất này hàng trăm năm trước” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Để xứng đáng với truyền thống văn hóa lâu đời, “cái nôi” của dân ca vọng cổ mà năm 2019 Bạc Liêu sẽ kỷ niệm 100 năm ra đời bài dân ca vọng cổ đầu tiên “Dạ cổ hoài lang” do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác, với tầm nhìn phát triển dài hạn và kết hợp ứng phó hợp lý với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, tin tưởng rằng Bạc Liêu sẽ trở thành một tỉnh biển giàu có, trung tâm năng lượng tái tạo của đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm logistics cảng biển, cụm kinh tế - kỹ thuật Gành Hào và các khu hậu cần nghề cá, khu, cụm công nghiệp chế biến như Láng Trâm, Trà Kha... trong tương lai không xa, góp phần phát triển bền vững Tiểu vùng bán đảo Cà Mau và cả khu vực.

Trần Văn - ĐBQH Khóa XII, XIII (Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: