Bảo vệ thiên nhiên - bảo vệ cuộc sống của toàn nhân loại

Đăng ngày: 18-10-2021 | Lượt xem: 7914
Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ, trở thành 'thách thức kép' đối với loài người. Cùng với đại dịch Covid-19, con người đang phải đối mặt với những thách thức khốc liệt nhất để bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Các nhà khoa học cho rằng, những tổn thất về đa dạng sinh học cùng biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa đến tiến trình thực hiện phát triển bền vững của toàn cầu. Theo Liên Hợp Quốc, kế sinh nhai của hơn 3 tỉ người trên thế giới phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học biển và ven biển, trong khi 1,6 tỉ người kiếm sống nhờ vào rừng. Do đó, việc bảo tồn các loài sinh vật trên Trái Đất không còn trong khuôn khổ "lòng vị tha" mà có vai trò quan trọng để đảm bảo sự sống của con người.

Nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên, đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên, tổn hại nhiều sinh mạng và tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, vùng ven biển Việt Nam thường xuyên phải gánh chịu những hậu quả, gây thiệt hại đáng kể cả về con người và kinh tế.

Cùng với dịch Covid-19, thiên tai khắp các khu vực trên thế giới đã trở thành “thách thức kép” đối với loài người (Ảnh: Hoàng Anh - Mạnh Thắng)

Theo ước tính, đến nay có trên 12 triệu người sống ở các tỉnh ven biển đang chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão, lũ với hơn 35% số nhà ở nằm trong các khu vực bị xói lở. Trung bình hàng năm, tổn thất do lũ lụt ven sông và ven biển đã lên trên 852 triệu USD (tương đương 0,5% GDP cả nước) và hơn 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cũng bị gián đoạn vào những thời điểm cần thiết. Ngập lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp tới 26% số bệnh viện công và trạm xá cùng 11% các trường học trong khu vực. Hơn 1/3 lưới điện của Việt Nam được đặt tại khu vực ven biển cũng đứng trước nguy cơ bị hư hỏng do bão lũ (Ngân hàng Thế giới 2020).

Rủi ro thiên tai đối với cộng đồng trong phát triển kinh tế ven biển là rất đáng kể và đang ngày một gia tăng. Phân tích rủi ro thiên tai mà người dân, các đô thị, ngành kinh tế chủ chốt, hệ thống cơ sở hạ tầng và ngành dịch vụ công ở ven biển đang phải đối mặt cho thấy, khu vực này vốn đã có hơn 1/3 dân số cả nước sinh sống với cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển sẽ phải gánh chịu rủi ro cao; nhiều ngành kinh tế nền tảng cho phát triển và thịnh vượng trong tương lai phải đối mặt với xu hướng rủi ro ngày càng trầm trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Trái Đất - ngôi nhà chung của con người đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất và có tính sống còn từ trước đến nay do khủng hoảng khí hậu, môi trường, sinh thái tự nhiên và đặc biệt là đại dịch Covid-19. Đây là hệ quả của mô hình phát triển thiếu bền vững của con người và mọi quốc gia, dân tộc đều đang bị đe dọa.

Trong việc ứng xử với thiên nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mỗi cá nhân trên toàn thế giới cần thay đổi nhận thức trong đối xử với thiên nhiên. Các cuộc khủng hoảng thiên nhiên, môi trường hiện nay đều do các hoạt động kinh tế không bền vững của con người. Các chính sách môi trường cần phải được kết hợp, lồng ghép trong các chính sách kinh tế. Đặc biệt, bên cạnh việc kêu gọi sự đoàn kết, chung tay của các quốc gia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai thì cần có tiêu chí và tiêu chuẩn đạo đức trong ứng xử với thiên nhiên. Các nước cần thống nhất trong tư duy, nhận thức về những vấn đề liên quan đến khủng hoảng biến đổi khí hậu, sụp đổ hệ sinh thái.

Mới đây, trong sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT nhận định, hiện nay cùng với dịch Covid-19, thiên tai khắp các khu vực trên thế giới đã trở thành “thách thức kép” đối với loài người.

“Thiên tai, dịch bệnh không phân định biên giới. Trước bối cảnh từ đất nước nhỏ bé đến to lớn đang phải đương đầu, ứng phó với bao xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội, sự sát cánh, đồng lòng giữa các quốc gia, cùng với vai trò điều phối của Liên Hợp Quốc có ý nghĩa quyết định, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế, san sẻ khó khăn, kết nối nguồn lực.

Chính loài người lại góp phần gây ra những tổn hại khiến thiên nhiên “nổi giận” và gửi đi tín hiệu cảnh tỉnh từ biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, đến hàng loạt diễn biến bất thường của các loại hình thiên tai. Đã tới lúc chúng ta phải thay đổi, điều chỉnh. Chăm lo cho thiên nhiên trước khi quá muộn”.

"Không gian sinh tồn của con người gắn liền với thiên nhiên, sức khỏe của thiên nhiên chính là sức khỏe của con người. Tuy nhiên con người đang hủy hoại thiên nhiên bằng nhiều hình thức, từ khai thác đến bóc lột quá mức, không bền vững, thiếu trách nhiệm trong một thời gian dài để phục vụ các mục đích kinh tế.

Vì vậy, đã đến lúc phải đưa vấn đề phục hồi tự nhiên và các hệ sinh thái là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của các diễn đàn ngoại giao, chính trị, kinh tế; là tiêu chí và tiêu chuẩn đạo đức trong ứng xử với thiên nhiên, ở mọi cấp từ lãnh đạo cao nhất cho đến mọi người dân" - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo báo kinhtemoitruong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: