Điện Biên chủ động ứng phó BĐKH

Đăng ngày: 15-05-2018 | Lượt xem: 1017
(TN&MT) - Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) dưới các loại hình, diễn biến thời tiết cực đoan, như: lũ ống, lũ quét, sạt lở...
Nuôi cá lồng bè tại huyện Điện Biên

Nuôi cá lồng bè tại huyện Điện Biên

Tính riêng năm 2017, diễn biến thời tiết phức tạp đã gây thiệt hại trên 835ha lúa, (trong đó có hơn 1/2 diện tích bị thiệt hại trên 70%); gần 70ha hoa màu bị thiệt hại trên 70%; trên 74ha diện tích ao tôm cá bị ảnh hưởng do mưa lũ và hàng trăm con gia cầm, lợn, trâu bò bị lũ cuốn trôi… Đầu năm 2018, đợt rét đậm kéo dài gần đến cuối tháng 01 đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng sản xuất lúa vụ Đông xuân; trên 400 con gia súc bị chết, thiệt hại gần 7 tỷ đồng…
 
Chủ động thích ứng với BĐKH, tỉnh Điện Biên đã đề xuất danh mục 3 dự án thực hiện triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh. Ngành nông nghiệp chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng những giống chịu hạn, chịu lạnh, thích ứng với BĐKH theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi liên kết bền vững và sử dụng tài nguyên rừng, nước, đất tiết kiệm, hiệu quả; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chọn giống, quy trình kỹ thuật thâm canh, mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái... nhằm giảm tổn thất do BĐKH, đồng thời ổn định sản xuất giúp tăng thu nhập cho nông dân.
 
Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Để thích ứng BĐKH, ngành sẽ tập trung khảo nghiệm các giống mới, năng suất cao, kháng sâu bệnh để giảm thiểu phát thải khí nhà kính; xây dựng các mô hình trồng rau an toàn, thực hiện "4 đúng" trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Ưu tiên mục trồng rừng, tăng độ che phủ rừng đến năm 2020, đạt tỷ lệ 42%.
 
Ngoài ra, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng quy trình xây dựng các bể biogas xử lý phế thải trong chăn nuôi vừa giảm ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính và dụng sử dụng men vi sinh để xử lý phân gia súc, gia cầm, nuôi lợn trên đệm lót sinh học… Trong lĩnh vực thủy sản, áp dụng các phương thức, quy trình tiên tiến, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thức ăn, nguồn nước tự nhiên, năng lượng và giảm phát thải ra môi trường.
Điện Biên đẩy mạnh trồng, chăm sóc rừng giảm phát thải khí nhà kính

Điện Biên đẩy mạnh trồng, chăm sóc rừng giảm phát thải khí nhà kính

Thời gian qua, những mô hình hay, ứng dụng khoa học kỹ thuật, biện pháp cải tiến trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng với BĐKH đã được triển khai rộng rãi. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Lò Văn Cương, chia sẻ: Một trong những giải pháp quan trọng trong ứng phó BĐKH đã được huyện Tuần Giáo triển khai là tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó tập trung trồng 103,78ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 746,9 ha rừng, trồng 157 nghìn cây phân tán... góp phần nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng. Chính quyền khuyến khích phát triển, tái sinh rừng tự nhiên, thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nâng cao nhận thức của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
 
Nhờ đó, năm 2017, sản xuất nông nghiệp của huyện Tuần Giáo đạt được kết quả đáng khích lệ. Diện tích gieo trồng cây lương thực đạt 13.017ha, tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt hơn 36 nghìn tấn. Năng suất các loại cây trồng chính như lúa, ngô... đều tăng so với những năm trước.
 
Cùng với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức sản xuất ứng phó với BĐKH, ngành tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành các mô hình liên kết sản xuất, từng bước xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng...; quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn theo hướng VietGap tại huyện Điện Biên (chiếm 80% trong tổng số trên 4.100ha đất trồng rau toàn tỉnh). Nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Đồng thời nghiên cứu, nuôi thử nghiệm các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá tầm, cá hồi nuôi theo phương pháp lồng bè tại huyện Điện Biên và Tuần Giáo.
 
Nguồn: Báo TN&MT
 
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: