Khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 khốc liệt, phức tạp và khó lường

Đăng ngày: 16-04-2020 | Lượt xem: 3918
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cẩu liên tục tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010-2019 và 5 năm gần đây có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua.

Hạn hán khốc liệt – Nhiều hồ chứa nước ở khu vực Miền Trung cạn kiệt - Ảnh: Trần Đức

Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) đã dự báo, năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng có thể tăng 1,1 °C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa, kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu và trong khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn (KTTV) năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp và khó lường.

Đối với Việt Nam chúng ta là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đối với biến đổi khí hậu, kể từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, thủy văn bất thường như: Mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc vào các thời điểm rất hiếm khi xảy ra, thậm chí chưa từng xảy ra. Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra khốc liệt ở các khu vực Nam Bộ, Trung Bộ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 3 tháng đầu năm 2020, thiên tai đã làm cho 9 người chết; 18 người bị thương; 39,3 nghìn hecta lúa và gần 7 nghìn hecta hoa màu bị hư hỏng; 24 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 23 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong quý I/2020 ước tính gần 934,4 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn về KTTV. Nhằm phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành và địa phương. Tổng cục KTTV đã có nhận định sớm về khả năng diễn biến phức tạp của mùa mưa, bão, lũ năm 2020.

Về diễn biến mùa bão năm 2020

Mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo khả năng có khoảng 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Như vậy, số lượng bão, ATNĐ năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ TBNN, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm.

Về diễn biến mưa lớn, lũ năm 2020

Mưa lớn tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, tập trung ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Tổng lượng mưa (TLM) tại khu vực phía Tây Bắc Bộ từ tháng 6 đến tháng 9/2020 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, riêng tháng 5 và tháng 10/2020 ở mức thấp hơn từ 10 đến 25% so với TBNN cùng thời kỳ.

Khu vực phía Đông Bắc Bộ TLM các tháng 5, tháng 7, tháng 8 và tháng 10/2020 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; các tháng 6 và tháng 9/2020 phổ biến ở mức cao hơn so với TBNN từ 10 đến 25%.

Lượng mưa ở khu vực Trung Bộ có xu hướng thấp hơn TBNN vào đầu mùa, từ 20 đến 40%; xấp xỉ TBNN vào giữa mùa và cao hơn TBNN vào cuối mùa, từ 15 đến 30%.

Mùa mưa trên khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình, do vậy tình trạng ít mưa và khô hạn còn tiếp diễn cho tới nửa đầu tháng 5/2020. Từ tháng 6 đến tháng 9/2020, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực và phổ biến ở mức xâp xỉ với giá trị TBNN cùng thời kỳ. Đến tháng 10/2020 TLM trên toàn khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 15 đến 30% so với TBNN cùng thời kỳ và khả năng cao mùa mưa sẽ kết thúc muộn hơn so với TBNN.

Đỉnh lũ năm 2020 của các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động (BĐ)1 đến BĐ2, các sông suối nhỏ từ BĐ2 đến BĐ3, riêng hạ lưu Sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới BĐ1.

Trên các sông ở khu vực Tây Nguyên mùa lũ đến muộn hơn TBNN, các sông ở Trung Bộ tương đương TBNN. Đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên ở mức cao hơm năm 2019.

Đỉnh lũ năm vùng hạ lưu các sông ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1 đến BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2 đến BĐ3, một số sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN cùng thời kỳ.

Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận xảy ra vào các tháng 8, 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào các tháng 9, 10; trên các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào các tháng 10 và 11/2020.

Trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại Đồng bằng Nam Bộ. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức BĐ1 đến BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2m đến 0,4m thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9/2020.

Một số đánh giá về diễn biến hạn và lũ giai đoạn 1993-2020

Các nhận định vào thời điểm này của các mô hình dự báo về đỉnh lũ trong mùa lũ trên các hệ thống sông như báo cáo ở trên hầu hết sẽ ở mức TBNN, tuy nhiên các số liệu thống kê về các năm hạn nặng và lũ lớn trong khoảng 20 năm qua cho thông tin ban đầu về diễn biến lũ trong mùa lũ năm nay và năm 2021.

Trong hơn 20 năm vừa qua, ở nước ta đã xuất hiện 10 đợt hạn hán trên diện rộng trong các năm: 1993-1994; 1994-1995; 1995-1996; 1997-1998; 2001-2002; 2004-2005;  2006-2007; 2009-2010; 2015-2016 và 2019-2020.

Trong các năm kể trên, lũ lịch sử đã xuất hiện trên sông Đà năm 1996, sông Gianh, sông Thu Bồn năm 2007 và sông Hoàng Long năm 2017; lũ lớn diện rộng trên nhiều sông đã xuất hiện trong các năm 1996, 2002, 2005, 2006, 2008, 2010, 2016, 2017, cho thấy mối liên hệ nhất định giữa các năm lũ lớn xuất hiện vào mùa lũ ngay sau năm có hạn hán nặng.

Với dấu hiệu thống kê như vậy, có cơ sở để nhận định về tính phức tạp theo hướng lũ lớn trên các hệ thống sông trong mùa lũ năm nay và năm 2021. Tổng cục KTTV đã kính đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp song song với công tác phòng, chống thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay cần sớm rà soát các phương án ứng phó bão, mưa, lũ lớn để chủ động hơn trong công tác phòng chống.        

Quan điểm của GS,TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV là: Tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận theo tổ chức Khí tượng thế giới là dự báo tác động của KTTV đến các ngành nghề như: Nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, y tế, du lịch… để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Tổng cục KTTV sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi, đánh giá diễn biến và sớm có cảnh báo chi tiết khi có dấu hiệu phát sinh hình thế thời tiết, thủy văn nguy hiểm trong thời gian tới.

Tin: Đặng Thanh Bình - Đài KTTV Ninh Thuận

Biên tập: Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: