Ứng phó với BĐKH: Hiệu quả từ mô hình thâm canh lúa tại bản Bó

Đăng ngày: 12-07-2018 | Lượt xem: 1029
(TN&MT) - Bản Bó (xã Muổi Nọi, Thuận Châu, Sơn La) là một trong những bản có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập người dân chủ yếu dự vào sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, do biến đổi của...
bản bó

Thâm canh lúa thông minh với ứng phó biến đổi khí hậu

Vì thế, trong khuôn khổ Dự án Bảo tồn và Phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp cho nhóm cộng đồng nghèo nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở Sơn La, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La thực hiện mô hình thâm canh lúa thông minh với biến đổi khí hậu tại bản Bó. Mô hình được thực hiện từ đầu năm 2018 đến hết năm 2020.

Dự án đã thực hiện trên 1.000m2, chia làm 2 ô, trồng 4 giống lúa (Nếp 98, nếp 87, nếp vàng, Nếp Cô Tiên) với cùng hình thức thâm canh do người dân địa phương tự trồng cấy. Đồng thời, cũng chia ô để thực hiện thí nhiệm các loại phân bón khác nhau như: Phân vô cơ, phân vô cơ kết hợp hữu cơ, phân hữu cơ để đưa ra các kết quả so sánh và khuyến khích nhân rộng.

Theo đó, căn cứ các kết quả cho thấy, gạo Nếp Cô Tiên có thời gian sinh trưởng nhanh nhất là 105 - 110 ngày; thời gian đẻ nhánh do bón phân vô cơ là 8 ngày, hữu cơ và vô cơ là 7 ngày, hữu cơ là 5 ngày; năng xuất nếp 87 đạt 280 bông/m2, nếp vàng và nếp 98 270/m2, nếp Cô Tiên đạt 240/m2; ruộng dân cấy 3 - 5 dảnh năng xuất 520 kg, mô hình 1 dảnh sản lượng 650 kg…

Anh Phạm Văn Thọ, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho rằng, việc so sánh về giống lúa, phân bón sẽ giúp người dân Bản Bó hiểu và có thể thực hiện canh tác tại nhà. Bên cạnh đó, sẽ giúp người dân giảm sử dụng thuốc sâu, sử dụng phân hữu cơ giảm thiểu các chất phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp như: NO2, NO3, CH4… ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường. Ngoài ra, sẽ giúp người dân canh tác thông minh với khi hậu qua việc chủ động lựa chọn giống phù hợp…

Chị Lò Thị Hồng (26 tuổi), người dân tộc thái ở Bản Bó trực tiếp tham gia mô hình cho biết, trước đây, chỉ biết cấy lúa theo phương pháp truyền thống, cấy nhiều luống và phân bón vô cơ không đúng thời điểm dẫn tới sâu bệnh, năng xuất thấp. Sau khi tham gia mô hình, bản thân chị đã có được sự so sánh thời gian trưởng thành, sản lượng, chất lượng giữa các giống lúa và các loại phân vô cơ, hữu cơ… “Vụ tới, gia đình tôi sẽ thực hiện theo mô hình đối với diện tích ruộng, bởi việc này khiến gia đình bớt tiền mua giống, giảm tiền mua phân vô cơ vì sử dụng thêm phân hữu cơ. Đồng thời, vì ít sử dụng thuốc sâu, phân vô cơ giảm thiểu các tác động tới môi trường” - chị Hồng chia sẻ.

Đồng quan điểm với chị Hồng, ông Cà Văn Pản, người cho thuê ruộng thực hiện mô hình cho biết, ông thường xuyên tham gia cùng các người dân canh tác tại mô hình. “Sau khi hết thời hạn thuê, gia đình tôi sẽ canh tác theo mô hình vì hiệu quả cao, giảm chi phí và nâng cao năng xuất” - ông Pản nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Muổi Nọi đã khẳng định hiệu quả của mô hình. “Qua mô hình cho thấy, đã giảm được 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm 50 - 60% số thóc giống. Tận thu nguồn phế liệu để tạo phân bón hữu cơ giúp người dân giảm chi phí so với canh tác truyền thống” - ông Thương nói.

Cũng theo ông Thương, từ kết quả của mô hình, xã sẽ đề nghị các hộ tại Bản đã tham gia mô hình áp dụng sản xuất canh tác tại ruộng của mình để cấy 1 dảnh, chủ động làm cỏ để tiết kiệm nước. Đồng thời, sẽ đề nghị Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân thưc hiện mô hình này trên địa bàn xã nhằm phát huy hơn nữa các kết quả của mô hình.

Xã Muổi Nọi là xã vùng II của huyện Thuận Châu có tổng diện tích tự nhiên là 2.935 ha; với 4154 nhân khẩu gồm 4 dân tộc sinh sống là dân tộc Thái, Kinh, Mường, Khơ Mú. Trong đó, Bản Bó chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: