Biến đổi khí hậu khiến gần một nửa quần thể cá chung của các quốc gia đang di chuyển

Đăng ngày: 07-02-2022 | Lượt xem: 2358
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Global Change Biology của ĐH British Columbia (UBC, Canada), đến năm 2100, biến đổi khí hậu sẽ khiến 45% quần thể cá ở nhiều vùng đặc quyền kinh tế di chuyển xa khỏi môi trường sống cũ và thay đổi đường di cư.

Khi các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đạt được vào năm 2030, 23% những quần thể cá “xuyên biên giới” sẽ thay đổi phạm vi môi trường sống truyền thống. Nghiên cứu mô hình cũng dự đoán 78% các vùng đặc quyền kinh tế - nơi hoạt động đánh bắt diễn ra nhiều nhất - sẽ có ít nhất một quần thể cá di chuyển. Đến năm 2100, con số này sẽ tăng lên 45% quần thể, trong đó 81% các vùng đặc quyền kinh tế sẽ chứng kiến ít nhất một đợt thay đổi nếu không làm gì để ngăn chặn phát thải khí nhà kính. 

“Đó không chỉ là việc quần thể cá rời đi hoặc đến các vùng đặc quyền kinh tế mới, vấn đề là nhiều quốc gia có chung các quần thể cá. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn động lực của họ”, tác giả chính của nghiên cứu TS. Juliano Palacios-Abrantes ở Viện Đại dương và Thủy sản (IOF-UBC) cho biết.

Ông cho biết dòng thời gian từ nghiên cứu cho thấy những thay đổi này đã diễn ra từ đầu thế kỷ 21. “Với tỷ lệ phát thải hiện tại, chúng ta sẽ thấy những thay đổi lớn hơn vào năm 2030 và trong tương lai. Nhiều thỏa thuận về quản lý nghề cá đã được thiết lập từ các thập kỷ trước để điều chỉnh các quần thể cá chung, tuy nhiên tình hình thế giới khi đó khác với hiện nay”.

Nghiên cứu đã theo dõi sự thay đổi phạm vi của 9132 quần thể cá xuyên biên giới, chiếm 80% sản lượng khai thác của các vùng đặc quyền kinh tế trên thế giới, bắt đầu từ năm 2006 và dự kiến đến năm 2100. 

Những thay đổi trong phân bố các quần thể cá sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác thủy sản. Đến năm 2030, lượng đánh bắt xuyên biên giới ở 85% các vùng đặc quyền kinh tế trên toàn cầu sẽ vượt quá mức biến động thông thường hàng năm. Sự thay đổi mà TS. Palacios-Abrantes dự đoán sẽ làm gia tăng căng thẳng về việc các quốc gia có thể yêu cầu nhiều quyền sở hữu hơn đối với một số quần thể cá nhất định. Đặc biệt là từ năm 2005-2010, hoạt động đánh bắt cá xuyên biên giới đã mang về cho Hoa Kỳ tổng doanh thu ước tính khoảng 76 tỷ USD. 

Trong những năm 1980 và 1990, sự thay đổi phân bố các quần thể cá hồi đã phá vỡ các thỏa thuận đánh bắt giữa Canada và Hoa Kỳ, khiến hoạt động đánh bắt cá quá mức càng thêm trầm trọng. Những xung đột tương tự sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai, và có thể phá vỡ các thỏa thuận quốc tế, TS. Palacios-Abrantes cho biết. 

Các quốc gia ở vùng nhiệt đới như Caribe và Nam Á sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên khi nhiệt độ nước biển tăng lên, tuy nhiên các quốc gia phía bắc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhìn chung, 10 quần thể cá xuyên biên giới ở Canada và Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương dự kiến sẽ thay đổi vào năm 2033. 

“Thông qua việc dự báo thời gian và quy mô thay đổi của các quần thể cá, nghiên cứu của chúng tôi cung cấp các điểm tham chiếu hữu hình để xem xét tác động của biến đổi khí hậu và đàm phán các chính sách chính công bằng để quản lý bền vững”, TS. Colette Wabnitz ở Trung tâm Giải pháp đại dương (ĐH Stanford), đồng tác giả cho biết. 

Nghiên cứu đưa ra một số đề xuất giúp tránh những hậu quả tệ nhất từ các tranh chấp tiềm ẩn, chẳng hạn như xây dựng các thỏa thuận cho phép các đội tàu đánh bắt cá hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, đổi lại bằng cách chia sẻ một phần sản lượng đánh bắt hoặc lợi nhuận. 

Ngoài ra, các quốc gia nên thỏa thuận lại nhiều hiệp định hạn ngạch khai thác đã có. Và bất kì hành động nào về giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ góp phần giảm bớt các thay đổi dự kiến. 

“Chúng ta phải chấp nhận rằng biến đổi khí hậu đang xảy ra, và phải hành động nhanh chóng để thích ứng với các quy định quản lý nghề cá nhằm giải quyết vấn đề này”, TS. Gabriel Reygondeau, một nhà nghiên cứu ở IOF cho biết.

Điều này có nghĩa là các quốc gia phải sẵn sàng hợp tác với nhau để ngăn chặn xung đột tiềm ẩn xuất phát từ sự thay đổi của các loài cá do biến đổi khí hậu, và duy trì lợi ích cũng như sự bền vững của ngành công nghiệp đánh bắt cá.

TS. Reygondeau cho biết: “Chúng tôi đã đánh giá vị trí, thời gian thay đổi tiềm ẩn và xung đột có thể xảy ra dựa trên các mô hình và kịch bản khí hậu. Tuy nhiên, có một số điểm các nhà khoa học không thể giúp gì, và câu hỏi là: Liệu các nhà chính trị có muốn đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu đối với các nguồn tài nguyên và ngành sản xuất cơ bản hiện nay?” 

https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Bien-doi-khi-hau-khien-gan-mot-nua-quan-the-ca-chung-cua-cac-quoc-gia-dang-di-chuyen-29800

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: