Hàng trăm nhà khoa học sẽ tham dự Hội thảo Quốc tế về môi trường

Đăng ngày: 23-02-2017 | Lượt xem: 1164
(TN&MT) - Đó là khẳng định của Giáo sư Trần Thanh Vân - người sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại buổi làm việc nhằm chuẩn bị tổ chức Hội...

Bộ trưởng Bộ TN&MT với vợ chồng vị Giáo sư nổi tiếng người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân - Nguyễn Kim Ngọc chiều 22/2 tại Trụ sở Bộ TN&MT

Tham dự buổi làm việc về phía Bộ TN&MT có lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Văn phòng Bộ, về phía tỉnh Bình Định có ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo Sở TN&MT và Sở KH&CN và Văn phòng UBND tỉnh và vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc - người sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm hỗ trợ quê hương trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường và UBND tỉnh Bình Định, Hội nghị Quốc tế lần thứ 3 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường dự kiến được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 10/3/2017 tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong đó điểm nhấn là Hội thảo chính thức được tổ chức vào ngày 8/3/2017.

Hội nghị sẽ là diễn đàn cho các nhà khoa học và các nhà quản lý môi trường từ nhiều quốc gia trên thế giới gặp mặt và trao đổi các nội dung trong khoa học và quản lý môi trường, bao gồm đánh giá rủi ro và tác động đến sức khỏe con người; chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm quản lý; thảo luận về các vấn đề môi trường cùng quan tâm; đồng thời, tiếp tục công tác tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và quản lý môi trường giữa các nhà khoa học từ các quốc gia.

Hội nghị sẽ được tổ chức tại Trung tâm Khoa học quốc tế và Giáo dục liên ngành (ICISE) thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định từ ngày 8 đến ngày 10/3/2017, với sự tham gia của 250 đại biểu đến từ 35 quốc gia. Nhân dịp diễn ra hội nghị quốc tế tại Việt Nam, dự kiến đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ gặp mặt một số nhà khoa học về môi trường và độc học để trao đổi kinh nghiệm với mục tiêu thiết lập một nhóm tư vấn khoa học tự nguyện, có chuyên môn cao giúp Việt Nam khi cần thiết.

Báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết, với uy tín của mình trong cộng đồng các nhà khoa học thế giới, dự kiến tại hội nghị lần này, ông sẽ mời một số Giáo sư đã đạt giải Nobel và nhiều nhà khoa học danh tiếng trên thế giới tham dự. Theo Giáo sư Trần Thanh Vân, Hội nghị Quốc tế lần này là điều kiện lý tưởng để các nhà khoa học trong nước và nước ngoài giao lưu, trao đổi kinh nghiệm vì sự phát triển của công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam nói riêng và sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung.

Nhấn mạnh thêmnăm ý tưởng của Giáo sư Vân, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Mong muốn của vợ chồng Giáo sư là đưa khoa học, đưa những nhà khoa học hàng đầu thế giới về Việt Nam. Trong những năm qua, GS Trần Thanh Vân đã làm được điều đó thể hiện qua việc tại Hội nghị  2016, GS Vân đã mời được 6 Giáo sư đã đạt giải Nobel và nhiều nhà khoa học danh tiếng Thế giới tham dự hội nghị tại Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc chiều 22/2

Về “Hội nghị Quốc tế lần thứ 3 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định tỉnh đã sẵn sàng. Người đứng đầu UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ TN&MT ủng hộ và phối hợp cùng tỉnh tổ chức tốt hội nghị lần này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trân trọng và đánh giá cao ý tưởng tổ chức Hội nghị của UBND tỉnh Bình Định và vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân. Bộ trưởng cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển, ngành TN&MT luôn mong muốn và sẵn sàng lắng nghe ý kiến, sự chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Khẳng định khoa học, công nghệ là giải pháp then chốt, là nền tảng cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết, ông và lãnh đạo Bộ TN&MT mong được tiếp cận nhiều hơn nữa những ngành khoa học ứng dụng nhất là các ngành như: Khoa học kinh tế học về Tài nguyên; Khoa học kinh tế học về Môi trường; Khoa học về công nghệ xử lý rác thải, nước thải, khí thải; Khoa học về xử lý tồn dư Dioxin sau chiến tranh; Xử lý tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong thực tiễn sản xuất và đời sống; Khoa học về ứng phó biến đổi khí hậu… để ứng dụng vào thực tiễn công việc của ngành TN&MT.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Với đề nghị của UBND tỉnh Bình Định về phối hợp tổ chức “Hội nghị Quốc tế lần thứ 3 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Bộ TN&MT sẽ cùng với UBND tỉnh Bình Định chủ trì hội nghị này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường làm đầu mối phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế và Văn phòng Bộ mời một số nhà khoa học trong nước, đồng thời, lựa chọn các nhà khoa học, nhà quản lý trẻ, những người có trình độ cao của Bộ TN&MT tham gia hội nghị. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ chuẩn bị tốt nội dung để làm sao mỗi nhà khoa học dù là trong hay ngoài nước tham dự Hội nghị đều có thể đóng góp cho sự phát triển của ngành TN&MT nói riêng và đất nước nói chung.

Trong hơn 4 thập kỷ qua, Giáo sư Trần Thanh Vân đã đóng góp khoa học của ông thể hiện ở việc cống hiến 300 công trình khảo luận, 115 đầu sách; ông được công nhận là giáo sư danh tiếng của Đại học Paris lừng danh, được nước Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Viện Hàn lâm Khoa học Nga trao Bằng Tiến sĩ khoa học danh dự, Viện Vật lý Mỹ trao Huy chương AIP Tate ghi nhận đóng góp của nhà vật lý nước ngoài (không phải người Mỹ) cho cộng đồng vật lý thế giới.

Không chỉ tập trung nghiên cứu, nhiều năm qua, Giáo sư Trần Thanh Vân đã đưa các nhà vật lý trên thế giới đến gần nhau hơn qua các hội nghị về vật lý mà ông tham gia tổ chức như: Hội nghị "Gặp gỡ Moriond" hay Hội nghị "Gặp gỡ Blois"- một hội nghị quốc tế thường niên về vật lý và thiên văn diễn ra ở thành phố Blois, miền Trung nước Pháp. "Gặp gỡ Blois" quy tụ hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để giới thiệu và trao đổi về những khám phá mới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân.

Ở trong nước, Giáo sư Trần Thanh Vân cũng được tôn vinh vì những nỗ lực không mệt mỏi của mình để xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại tại Việt Nam. Trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công của các tổ chức khoa học Gặp gỡ Moriond (46 năm) và Gặp gỡ Blois (22 năm), năm 1993, Giáo sư Trần Thanh Vân đã sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.

Nguồn: Báo TN&MT

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: