Hội thảo “Tham vấn ý kiến Chuyên gia, Nhà quản lý về kết quả tính toán tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió và khuyến nghị khai thác tài nguyên điện gió ngoài khơi Việt Nam” năm 2024

Đăng ngày: 28-05-2024 | Lượt xem: 1536
Sáng ngày 28/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Tham vấn ý kiến Chuyên gia, Nhà quản lý về kết quả tính toán tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió và khuyến nghị khai thác tài nguyên điện gió ngoài khơi Việt Nam” năm 2024.

Ông Đỗ Tiến Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Hợp tác Quốc tế Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu khai mạc Hội thảo

Thay mặt lãnh đạo phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Ông Đỗ Tiến Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Hợp tác Quốc tế cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay, đặc biệt là sau thỏa thuận Paris về BĐKH và thỏa thuận Net-ZERO tại COP26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm BĐKH toàn cầu. Chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là một giải pháp cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030 do Liên hợp quốc đề ra.

Theo Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kết quả Hội nghị COP26, một trong những mục tiêu chính là xác định chi tiết tiềm năng năng lượng gió, sóng biển ngoài khơi các vùng biển Việt Nam; xác định các khu vực biển thu hút nhà đầu tư, đưa vào vận hành một số dự án điện gió ngoài khơi để đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 tối thiểu 33% tổng sản lượng điện phát từ các nguồn năng lượng tái tạo, giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Toàn cảnh Hội thảo

Nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam đã được thực hiện trong nhiều qua theo các đề tài, dự án các cấp, trong đó có nhiều đối tác nước ngoài tham ra vào thực hiện. Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố báo cáo: “Đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam”. Báo cáo đã đánh giá chi tiết tiềm năng năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi dựa trên mô phỏng từ mô hình số trị khu vực độ phân giải cao, là tài liệu hữu ích để các bộ, ngành địa phương tham khảo và sử dụng trong các hoạt động có liên quan. Tuy nhiên, các đánh giá trước đây vẫn còn một số hạn chế cần đầu tư nghiên cứu thêm để có được sản phẩm giúp nhà quản lý, các công ty khai thác điện gió xử dụng thông tin cho lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, vận hành khai thác nhà máy điện gió.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, môi Trường, năng lượng, UNDP Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Đào Xuân Lai, Đại diện UNDP Việt Nam cho biết: Các nghiên cứu trước đây dựa khá nhiều vào số liệu từ các tổ chức quốc tế, dữ liệu thứ cấp. Trong khi đó, Việt Nam đã cam kết phát triển điện gió trên biển, kể cả gần bờ và ngoài khơi để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và Quy hoạch Điện 8. So với nghiên cứu trước, báo cáo lần này đưa ra đánh giá tổng thể hơn, cập nhật nhiều dữ liệu mới và tính toán tiềm năng kỹ thuật tại các tọa độ địa lý khác nhau. Kết quả nghiên cứu lần này là bước tiến trong việc chi tiết hóa số liệu sơ cấp ban đầu, nhằm tạo ra nền tảng thông tin phục vụ xây dựng tài liệu quy hoạch, phát triển điện gió ngoài khơi trong dài hạn. Điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển xanh, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội.

PGS. TS. Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phát biểu báo cáo tại Hội thảo

Phát biểu Báo cáo giới thiệu về Dự án: Tiến độ thực hiện và kết quả chính, PGS. TS. Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã nêu những đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển (đến 6 hải lý) và các khu vực xa bờ ở Việt Nam và đề xuất hỗ trợ dài hạn cho ngành điện. Mục tiêu Dự án Có được bộ dữ liệu gió, năng lượng gió 20 năm, độ phân giải 3km.  Đánh giá biến động theo không gian, thời gian (tháng, mùa, năm) gió và năng lượng gió. Tính toán và lập bản đồ tiềm năng kỹ thuật gió tại các lớp độ cao 10-250m (bước 10m) trên cơ sở xem xét các đặc trưng địa hình, địa chất, KT, HV, quy hoạch ngành. Đánh giá rủi ro thiên tai khí tượng, hải văn tới thiết kế, thi công và khai thác điện gió. Đề xuất giải pháp tăng cường quan trắc và dự báo  phục vụ khai thác điện gió trong ngắn và dài hạn.

TS. Vũ Văn Thăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng khí hậu, Viện Khoa học KTTV và BĐKH báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo Bộ dữ liệu tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam, TS. Vũ Văn Thăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng khí hậu, Viện Khoa học KTTV và BĐKH đã tham vấn về phương pháp tính toán và lập bản đồ tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi.

PGS. TS. Trần Việt Liễn, Chuyên gia về năng lượng gió báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo Lập bản đồ tiềm năng kỹ thuật và Atlas năng lượng gió ngoài khơi, PGS. TS. Trần Việt Liễn, Chuyên gia về năng lượng gió cho biết: Về số liệu và phương pháp: Sử dụng phương pháp mô phỏng, dùng mô hình số WRF để chi tiết hóa trường gió lớp bề mặt từ bộ số liệu tái phân tích ERA5 có độ phân giải 0,25x0,25 độ kinh vĩ về khu vực Biển Đông & Việt Nam độ phân giải 3x3km. Việc ngoại suy lên các tầng cao khác từ 10 đến 250m dựa vào mô hình loga của profil gió theo độ cao thuộc lớp biên khí quyển với giá trị Z0 đươc khai thác từ kết quả tình của mô hình WRF. Việc lập bản đồ dựa vào các phần mềm chuyên dụng của GIS (phần mềm ArcGIS version 10.8 ) và Surfer.

Các đại biểu lắng nghe tại Hội thảo

Về Nội dung Atlas năng lượng gió ngoài khơi vùng biển Việt nam: Phân bố năm của tốc gió trung bình lớp bề mặt và các tầng từ 20 đến 250m. Phân bố năm của mật độ năng lượng gió trung bình các tầng từ 20 đến 250m.  Phân bố tháng của tốc gió trung bình lớp bề mặt và và các  tầng 100 và 200m và tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi vùng biển Việt Nam

TS. Dư Đức Tiến, Trưởng phòng Dự báo số và viễn thám, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo Đề xuất xây dựng hệ thống mô hình và công tác dự báo phục vụ khai thác năng lượng gió trong ngắn hạn: TS. Dư Đức Tiến, Trưởng phòng Dự báo số và viễn thám, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. Dự báo năng lượng tái tạo (gió, bức xạ) từ công nghệ dự báo số ứng dụng mô hình thời tiết phân giải cao để đưa ra dự báo định lượng chi tiết chế độ bức xạ và gió tại điểm bất kì trên lãnh thổ Việt Nam và Biển Đông,s ử dụng điều kiện biên từ mô hình Châu Âu chất lượng nhất cho mô hình khu vực phân giải cao, áp dụng công nghệ đồng hóa số liệu để giảm sai số do điều kiện địa phương mang lại (các mô hình toàn cầu quốc tế không có được).

Các sản phẩm cụ thể cho việc khai thác nhà máy năng lượng tự nhiên: Các bản tin dự báo thời tiết điểm phục vụ công tác vận hành bảo trì nhà máy; Các dạng sản phẩm cảnh báo cực ngắn phục vụ công tác vận hành bảo trì nhà máy; Các bản tin dự báo điểm chế độ gió, bức xạ chi tiết hạn 7-10 ngày; Đa dạng phong phú về mẫu dạng, định dạng của số liệu dự báo, bản tin để đưa lên các nền tảng linh hoạt: mobile, app, web.

Tại Hội thảo, các Đại biểu tham luận nêu ý kiến, góp ý các vấn đề về phương pháp luận, cách tính toán cũng như nguồn số liệu đưa vào nghiên cứu. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan quản lý nhất trí đây là tài liệu rất quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư điện gió quan tâm phát triển dự án tại địa phương.

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội KTTV quốc gia phát biểu tại Hội nghị

GS.TS Phan Văn Tân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội góp ý tại Hội nghị

Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng góp ý tại Hội thảo

Ông Đỗ Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở TNMT Nam Định góp ý tại Hội thảo

Ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở công thương bạc liêu phát biểu tại điểm cầu Bạc Liêu

Ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, với tốc độ gió thực đo 7m/s, tiềm năng điện gió của tỉnh rất lớn. Trên địa bàn hiện có 8 dự án điện gió đang hoạt động và 2 dự án đang triển khai. Nguồn điện xanh sản xuất ra ngoài phục vụ trong nước còn có thể xuất khẩu, dự kiến sẽ đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Việc xác định tiềm năng điện gió sẽ giúp tỉnh có căn cứ mời gọi các nhà đầu tư, cũng như lựa chọn đơn vị đủ năng lực triển khai dự án một cách tốt nhất.

PGS. TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Tổng kết Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, PGS. TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đơn vị sẽ hoàn thiện Báo cáo tính toán tiềm năng kỹ thuật của năng lượng gió ven biển khu vực và các khu vực ngoài khơi trong thời gian tới, bao gồm cả bản đồ tiềm năng; đồng thời, hoàn thiện Báo cáo đề xuất mô hình và công cụ tăng cường hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn phục vụ vận hành và sản xuất điện gió trong thời gian ngắn.

Ảnh lưu niệm các chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: