Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đăng ngày: 16-08-2019 | Lượt xem: 980
Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận định và phản hồi Cục Quản lý tài nguyên nước về việc góp ý Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thuyết minh đã nêu được mục tiêu, nguyên tắc và cơ sở lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể chưa rõ ràng, nguyên tắc lập quy hoạch chưa xem xét đến việc đảm bảo quốc phòng, anh ninh và tính kết nối, liên thông của Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia với các quy hoạch ngành khác. Đề nghị xem xét đến tính kết nối và liên thông trong quy hoạch đối với quy hoạch các trạm quan trắc thủy văn do Tổng cục Khí tượng Thủy văn quản lý.

Các nội dung của quy hoạch chưa bám sát với nội dung quy hoạch sử dụng tài nguyên quốc gia (Khoản 4, Điều 25, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14).

Phần tổng quan làm rõ hơn các nội dung liên quan và kế thừa được những gì từ các nghiên cứu đã thực hiện. Tại mục 2.1, số liệu tổng quan về hiện trạng mạng lưới quan trắc thủy văn cần xem xét cập nhật đến thời điểm mới nhất hiện nay.

Điều 1 khoản 2: Nên bổ sung bảo đảm giữ gìn an toàn môi trường cho các nguồn nước mặt và nước ngầm. Điều 1 khoản 3.1.1: Có nhiều nghiên cứu đánh giá đã thực hiện việc thu thập cơ sử dữ liệu, nên xem xét xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn nước để phục vụ mục đích đánh giá lâu dài và hàng năm.

Chương 3, mục 1. Tài nguyên nước mưa: Cần bổ sung thêm phần phân tích phân bố lượng mưa trên lưu vực sông Hương và sông Trà Khúc.  Chương 3, mục 3. Hồ chứa: Cần bổ sung thêm tổng quan các thông tin đầy đủ về hiện trạng các hồ chứa trên toàn quốc (các hồ thủy điện, thủy lợi). Cần xem lại thông tin “dung tích phòng lũ lớn nhất là lưu vực sông Hồng-Thái Bình với 11 tỷ m3”. Theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, dung tích phòng chống lũ của các hồ chứa điều tiết cắt, giảm lũ cho hạ du của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng là 8,45 tỷ m3 (hồ Sơn La và hồ Hòa Bình trên sông Đà là 7 tỷ m3, hồ Tuyên Quang là 1 tỷ m3 , hồ Thác Bà là 450 triệu m3 ).

Chương 4, mục 1. Các vấn đề: Cần bổ sung đánh giá tác động của hoạt động các công trình thủy điện tới việc thay đổi chế độ dòng chảy hạ du, tác động của việc chuyển nước và dẫn dòng tới phân bổ nguồn nước các lưu vực sông. Chương 4, Mục 2. Nhiệm vụ lập quy hoạch, nội dung 2.3.2. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, điều tra, khảo sát, thăm dò, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước: Cần bổ sung thêm phần phân tích đánh giá hoạt động chuyển nước trên các lưu vực sông, đánh giá tác động của các hồ chứa tới chế độ dòng chảy hạ lưu.

Đối với giải pháp phối hợp thực hiện, xin ý kiến về quy hoạch đề nghị xem xét, bổ sung Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao để đảm bảo tính đầy đủ của nguyên tắc; Cần chỉnh sửa một số lỗi đánh máy như: Tại trang 2 (Dự thảo Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia) sửa “…xu thế cạn kiện” thành “...xu thế cạn kiệt”; Tại Điều 1 (Dự thảo Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050): Đề nghị sửa “…với những nội dung chủ yêu” thành “…với những nội dung chủ yếu”,… Tại bản dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ: Một số nội dung trùng lặp, chưa bám sát với nội dung quy hoạch sử dụng tài nguyên quốc gia (Khoản 4, Điều 25, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14). Một số mục có cùng nội dung công việc nên biên tập và gộp lại.

Tin Thành Công - Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: