Xây dựng công cụ giải pháp, cảnh báo khí hậu ở Đông Nam Á

Đăng ngày: 17-05-2023 | Lượt xem: 2554
Việc dự báo, cảnh báo được các loại hình thiên tai nguy hiểm là rất quan trọng đối với Chính phủ và người dân của Việt Nam cũng như của các quốc gia Đông Nam Á.

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met UK) tổ chức Hội thảo khoa học thời tiết và khí hậu khu vực Đông Nam Á.

Theo giới chuyên gia, việc dự báo, cảnh báo được các loại hình thiên tai nguy hiểm là rất quan trọng đối với Chính phủ và người dân của Việt Nam cũng như của các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, có một số hiện tượng thời tiết và loại hình thiên tai vẫn chưa thể nắm được, chưa thể dự báo cảnh báo chính xác được do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có yếu tố về sự phát triển khoa học, công nghệ.

“Bởi vậy, với sự hợp tác, hỗ trợ của Met UK thông qua Chương trình nghiên cứu khoa học thời tiết, khí hậu hỗ trợ cho các đối tác của Vương quốc Anh (WCSSP) dưới sự tài trợ của Quỹ Newton, các hiện tượng thời tiết, thiên tai nguy hiểm này đã được nghiên cứu sâu hơn tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á với quy mô toàn cầu và khu vực nhằm xây dựng các công cụ giải pháp dự báo, cảnh báo với chất lượng và độ tin cậy cao hơn”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.

Đối diện với tình trạng biến đổi khí hậu đáng báo động này, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) nhấn mạnh rằng, để giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với xã hội, việc thích ứng phải đi đôi với nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng. IPCC cho biết: "Muốn thích ứng thành công đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp, tham vọng hơn và tăng tốc, đồng thời cắt giảm nhanh và sâu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Lượng khí thải giảm càng nhanh, càng xa, con người và thiên nhiên càng có nhiều phạm vi thích ứng" .

Khu vực ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nặng nề đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là vấn đề mực nước biển dâng cao là nguyên nhân đe dọa đến cơ sở hạ tầng, cuộc sống của người dân các nước trong khu vực.

 Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nặng nề đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là vấn đề mực nước biển dâng cao.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nặng nề đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là vấn đề mực nước biển dâng cao.

Theo Tiến sĩ Winston Chow, Đại học Quản lý Singapore, các nước ASEAN không đang chỉ chịu tác động từ lũ lụt, hạn hán do biến đổi khí hậu, mà còn đang chịu sự mất đa dạng sinh học. Ông cho biết thêm "Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ trở nên tồi tệ, nhất là khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng lên 1,5 độ C". Tiến sĩ Chow cũng bày tỏ tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ khiến cho những nơi, như vùng thượng nguồn sông Mekong đang phụ thuộc vào nguồn nước nhờ hiện tượng băng tan sẽ bị mất đi nguồn nước ngọt do băng đã bị mất đi.

Bên cạnh đó, các hoạt động chặt phá rừng cũng làm gia tăng khí nhà kính. Điển hình là Indonesia, một trong những nước có diện tích rừng lớn trên thế giới, chịu ảnh hưởng bởi sự xói mòn do các hoạt động chặt phá rừng phục vụ cho sản xuất giấy và dầu cọ.

Một thách thức khác đối với một số nước Đông Nam Á trong việc đối phó với biến đổi khí hậu là quá trình đô thị hóa nhanh tại các vùng ven biển dẫn tới việc bảo vệ môi trường khó khăn. Tiến sĩ Aljosja Hooijer, Viện Nghiên cứu Deltares bày tỏ quan điểm "nhiều nhà khoa học cho rằng dân số tại các vùng ven biển đang tăng lên". Đặc biệt là ở Thái Lan và Phillipines, khi hai nước này có tốc độ đô thị hóa tại các khu vực ven biển khiến cho môi trường nơi đây bị đe dọa, việc thực hiện chống biến đổi khí hậu gặp trở ngại.

Theo thông báo mới nhất của IPCC, với diễn biến hiện nay của sự nóng lên toàn cầu, người dân ở Nam và Đông Nam Á sẽ phải chứng kiến thiệt hại gia tăng không thể tránh khỏi đối với các khu định cư ven biển và cơ sở hạ tầng gây ra bởi mực nước biển dâng, đặc biệt là các thành phố Đông Á.

Ngoài ra, nếu sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu có thể nghiêm trọng hơn và một số sẽ không thể đảo ngược.

Tại Việt Nam, trong vòng 30 năm qua, trung bình mỗi năm, tại Việt Nam thiên tai đã làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế từ 1 - 1,5% GDP. Từ năm 2019 đến tháng 11/2022 tổng số thiệt hại về người là 763 người; thiệt hại về kinh tế là 71.114 tỷ đồng. Đặc biệt, năm thiên tai lịch sử 2020, có 357 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế 40 nghìn tỷ đồng.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/xay-dung-cong-cu-giai-phap-canh-bao-khi-hau-o-dong-nam-a-77549.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: