Bảo đảm vận hành an toàn hồ chứa thủy điện

Đăng ngày: 31-08-2020 | Lượt xem: 3619
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện các biện pháp bảo đảm vận hành và khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện trong cả nước.

Tuân thủ đúng quy trình

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (KTAT&MTCN) - Bộ Công Thương, hiện trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác. Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước đã góp phần quan trọng cắt giảm làm chậm lũ, giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra, cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực; trật tự, an toàn xã hội... khu vực hạ du hồ chứa.

Các hồ chứa thủy điện đã góp phần quan trọng vào việc cắt giảm làm chậm lũ

Đặc biệt, một số nhà máy thủy điện lớn như Sơn La (2400 MW), Hòa Bình (1920 MW), Lai Châu (1200 MW), Ialy (720MW), Trị An (400 MW), Tuyên Quang (342 MW) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong thời gian qua, việc vận hành công trình thủy điện theo quy trình vận hành (QTVH) liên hồ và đơn hồ nhìn chung đã được các chủ đập thủy điện tuân thủ. Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục KTAT&MTCN - khẳng định, nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các quy định về cách thông báo và ứng xử với từng trường hợp cụ thể, thiết lập hệ thống cảnh báo xả lũ dọc sông tại các vị trí cần thiết, chủ động đề xuất để tham gia vào Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của địa phương và mời đại diện của địa phương tham gia Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của nhà máy.

Hầu hết các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện đã nghiêm túc vận hành theo quy trình đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn hồ đập, góp phần nâng cao hiệu quả chống lũ, giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho sản suất nông nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng trong hiệu quả phát điện. “Chủ đầu tư các dự án thủy điện đã chủ động phối hợp với các ban quản lý công trình thủy điện, thủy lợi và cơ quan địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong vận hành hồ chứa, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hạ du” - ông Phạm Trọng Thực khẳng định.

Phối hợp chặt chẽ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương với vai trò đầu mối, đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt với các mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát, đánh giá về công tác quản lý, vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước.

Theo Cục KTAT &MTCN, mặc dù qua kiểm tra công tác quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa thủy điện đã đi vào nền nếp nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, số liệu dự báo của các đài khí tượng thủy văn khu vực và địa phương còn chưa kịp thời hoặc độ chính xác chưa đảm bảo nên việc chỉ đạo, vận hành xả lũ và chủ động chống lũ cho hạ du còn hạn chế.

Hơn nữa, công tác tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho nhân dân ở những khu vực bị ảnh hưởng phía hạ lưu về những quy định xả lũ để hiểu và chủ động phòng, tránh thiệt hại chưa được chú trọng đúng mức ở nhiều công trình thủy điện. Đặc biệt, một số nhà máy thủy điện còn có thời điểm chưa tuân thủ đúng các quy định vận hành (xả lưu lượng tối thiểu cho hạ du; thực hiện việc thông tin, thông báo; lắp đặt hệ thống thông báo, cảnh báo xả lũ, xả nước phát điện, lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng,...), như: Thủy điện Hố Hô, Vĩnh Sơn 5, Nà Lòa, Bắc Khê 1, Đăk Mi 4,... Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương chỉ đạo các nhà máy này thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo đúng quy định.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng giao nhiệm vụ, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương phải chủ động hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nhằm đảm bảo vận hành khai thác các công trình thủy điện an toàn, bảo vệ môi trường - xã hội, đạt hiệu quả khai thác tổng hợp, phù hợp với điều kiện khí tượng, thủy văn, địa hình, hiện trạng hành lang thoát lũ, bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật... vùng hạ du đập.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tổ chức thực hiện, tổng hợp tình hình thực hiện và đánh giá kỹ nội dung các phương án: Phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn đập, phòng, chống lũ lụt vùng hạ du do xả lũ, vỡ đập và bảo vệ đập tại các công trình thủy điện… Từ đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung các phương án nêu trên; thực hiện các biện pháp khả thi đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn đập, đặc biệt là tại các công trình thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 62/2013/QH13 trong lĩnh vực thủy điện và kiên quyết chỉ đạo, xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành hồ chứa theo đúng quy định.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt thời gian tích nước của các thủy điện trong quy trình liên hồ, tăng cường độ chính xác của công tác dự báo thủy văn, nghiên cứu hiệu chỉnh các quy định linh hoạt để thích nghi với biến đổi khí hậu và các điều kiện thủy văn diễn biến khó lường, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa vừa đảm bảo khả năng tích nước phục vụ sản xuất điện và nhu cầu nước hạ du.

Theo congthuong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: