Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Ai xả rác nhiều thì phải trả nhiều tiền”

Đăng ngày: 12-06-2020 | Lượt xem: 5188
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đưa ra nguyên tắc không thu tiền xử lý rác "đồng giá" theo hộ gia đình mà dựa trên lượng rác thải ra.

Ngày 12/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí làm rõ thêm một số vấn đề còn băn khoăn liên quan đến Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Rác là tài nguyên

Việc thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Vấn đề này được hiểu như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận cho ý kiến không quy định cụ thể vấn đề này mà chỉ đưa ra nguyên tắc là không thu tiền xử lý rác đổ đồng theo hộ gia đình mà dựa trên lượng rác. Tức là, người nào xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều hơn.

Thông thường các nước trên thế giới thu tiền dựa vào thể tích túi bao bì với nhiều màu sắc khác nhau. Với Việt Nam, sau khi Luật được Quốc hội thông qua, việc quy định bao nhiêu loại túi, màu sắc thế nào, thể tích ra sao sẽ có văn bản dưới luật hướng dẫn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Vứt rác bừa bãi, thậm chí “vứt trộm” dường như đã trở thành thói quen của rất nhiều người dân Việt Nam. Vậy lộ trình thực hiện việc thu phí sẽ thế nào?

- Đúng là như vậy! Hàn Quốc phải mất 10 năm để thực hiện được vấn đề này. Khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm từ khâu phân loại đến thu gom, xử lý rác. 

Quan trọng là người dân có nhận thức đầy đủ vấn đề này hay không, vì đây là việc người dân trực tiếp phân loại rác ngay ở khâu đầu. Nếu người dân ủng hộ, tôi sẽ tin thành công.

Về phía Nhà nước sẽ bảo đảm các điều kiện, khuyến khích để người dân tham gia. Cùng với đó, Nhà nước phải đầu tư đồng bộ công nghệ trong quá trình vận chuyển, xử lý rác, loại nào tái chế thì tách riêng ra, loại nào phải xử lý như đốt đưa thành nhiệt năng… 

Một yếu tố quan trọng nữa là vai trò truyền thông của báo chí, làm sao tuyên truyền để bà con hiểu khi làm việc này chính là bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình. 

Hơn nữa, để đi vào thực chất phải có sự giám sát của người dân chứ không thể chỉ cơ quan nhà nước giám sát. Chúng ta có nhiều chế tài xử lý, nhưng quan trọng nhất là giám sát của cộng đồng.

Chúng ta có đủ nguồn lực để thực hiện kế hoạch trên hay không khi các đơn vị môi trường đang có năng lực hạn chế?

- Chúng ta phải xác định rác là tài nguyên nên cần phải có lực lượng là ngành công nghiệp xử lý chất thải. Do đó, phải tính làm sao giá xử lý đủ chi phí để các nhà đầu tư thấy được lợi để đầu tư vào.

Nhà nước và các địa phương phải có chính sách phù hợp. Để thu hút xã hội thì giá xử lý phải đảm bảo được chi phí đầu tư, vận hành, có lãi. Hiện chi phí xử lý rác thải sinh hoạt rất thấp thì khó có thể thu hút đầu tư.

Chúng ta phải tính toán chi phí cho phù hợp, yêu cầu các đơn vị là doanh nghiệp khi xả rác phải chi trả tiền đúng khối lượng. Còn với người dân, nhà nước có thể hỗ trợ cho những đối tượng chính sách, gia đình khó khăn. 

Mục tiêu là làm sao thu phí xử lý rác thải để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia có lãi. Có như vậy ngành xử lý rác thải mới thu hút được những doanh nghiệp có năng lực, có công nghệ, quản trị tốt.

Phạt thật nghiêm mới đủ tính răn đe

- Hiện nay đã có những lo ngại về việc trả phí xử lý rác thải của người dân sẽ tăng lên?

Nhu cầu của người dân là khác nhau, có người sẵn sàng chi trả nhưng có người còn khó khăn nên Nhà nước sẽ hỗ trợ cho một số đối tượng nhất định. 

Tức là, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí một phần để mục tiêu chung là những nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu duy trì hoạt động sản xuất. Đó là những điều chúng ta phải làm và dự thảo luật phải quy định điều đó. Có như vậy mới xã hội hoá được để hình thành được ngành xử lý môi trường.

Như Bộ trưởng nói, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền để thay đổi thói quen của người dân. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, phải tăng chế tài xử phạt với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường?

Đó là quan điểm của dự án luật này với các quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất không cần thông báo trước. Xử lý vi phạm sẽ khung mức cao nhất và phải bằng mức chi phí mà nhà sản xuất vi phạm, trốn tránh để mang lại lợi nhuận phi pháp của mình…

Tất nhiên, việc đưa ra mức xử phạt như thế nào thì phải được Quốc hội cho phép. Nhưng quan điểm là phải xử phạt thật nghiêm, tiền xử phạt đủ lớn để răn đe, không để nhờn luật.

Có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất mà không cần thông báo trước. Nhưng có lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, luật này sẽ thiết kế như thế nào?

Lo ngại đó quá đúng! Việc thanh tra đột xuất không cần báo trước sẽ có quy định về cấp thẩm quyền quyết định để không được tuỳ tiện. Ví dụ đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Bộ trưởng sẽ quyết định việc thanh tra đột xuất. 

Còn vì sao thanh tra đột xuất? Vì đối tượng qua thanh tra, kiểm tra nhiều lần thấy chưa khắc phục hành vi vi phạm; thứ 2 thông qua tình hình, người dân phản ánh; thứ 3, lĩnh vực đó có nguy cơ, liên quan đến chất thải lớn.

Quy định thanh tra đột xuất không cần thông báo trước có vênh với quy định của Luật Thanh tra không, thưa Bộ trưởng?

Vấn đề bảo vệ môi trường có tính chất hết sức đặc thù. Quy định thanh tra đột xuất không cần báo trước chỉ áp dụng trong trường hợp hết sức đặc biệt với đối tượng đặc biệt.

Quan trọng là phải thể chế hoá trong luật minh bạch, rõ ràng, người ra thẩm quyền sai thì phải chịu trách nhiệm. Với cấp bộ là Bộ trưởng, còn cấp tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh.

Đương nhiên quy định là phải phù hợp với Luật Thanh tra, nhưng do có những đặc thù thì đưa vào Luật Bảo vệ môi trường. Luật do Quốc hội thông qua, chúng ta không sợ vênh, quan trọng là bảo đảm tính thống nhất. 

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo dantri.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: