Bờ sông Rạch Gầm qua các xã Kim Sơn, Vĩnh Kim, Bàn Long (huyện Châu Thành) và xã Mỹ Long, Long Tiên (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở. 3h sáng 24-5, ông Trần Minh Trung (ngụ xã Bàn Long) đang nằm ngủ thì nghe tiếng động lớn nên bật dậy. Đoạn bờ bao kết hợp tuyến giao thông trước nhà dài hơn 50m, ăn sâu vào bờ 4 đến 5m sập xuống sông Rạch Gầm, cuốn theo nhiều cây ăn trái.
“Đoạn sạt lở là bờ bao kết hợp giao thông nông thôn nên địa phương đã rào chắn, thông báo người dân đi theo tuyến đường khác. Xã đã làm tờ trình gửi UBND huyện Châu Thành, hỗ trợ khắc phục”, ông Võ Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã Bàn Long, nói.
Mỗi năm, sạt lở cuốn trôi 300 đến 500 hécta diện tích đất vùng ĐBSCL. Tại Đồng Tháp, chiều dài dòng chính sông Tiền hơn 123km, nhưng có 101km bờ sông xói lở. Từ năm 2005 đến 2018, hơn 322 hécta đất bị cuốn trôi. Chính quyền di dời 8.000 hộ dân đến các khu tái định cư nhưng hiện vẫn còn 6.000 hộ trong vành đai sạt lở.
Sạt lở đất bờ sông Hậu đang uy hiếp nhà ở của người dân ven sông.
Rạng sáng 3-5, căn nhà ven sông của ông Trương Phi Hải (66 tuổi, ngụ phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự) sạt lở xuống sông. Đoạn sạt lở dài 150m, ăn sâu vào bờ 30m. Mẹ ông Hải, bà Trần Thị Chàng (89 tuổi), bị trôi dưới sông dẫn đến tử vong.
Nhiều hộ dân lo lắng vì sạt lở hư hại nhà cửa và tính mạng. “Hoàn cảnh các hộ dân đều làm thuê, làm mướn nên không có khả năng di dời”, ông Nguyễn Văn Được - Trưởng ấp cho hay. Hồi giữa tháng 4, bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp sạt lở dài hơn 40m, ăn sâu vào đất liền 4m, 11 hộ dân di dời khẩn cấp. Theo lãnh đạo xã Phong Mỹ, các hộ dân sống trong vành đai sạt lở đều khó khăn hoặc không có địa điểm di dời. Xã đang tính toán phương án, vận động họ đến cụm tuyến dân cư để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Anh Bùi Văn Triều (ngụ xã cù lao Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) bức xúc, sạt lở đất bờ sông ven sông Hậu thường xuyên xảy ra và không có dấu hiệu dừng lại. Người dân xã cù lao Phú Thành và Lục Sĩ Thành đang gồng mình chống sạt lở, giữ vườn cây ăn trái, diện tích nuôi thuỷ sản.
Tỉnh An Giang có 51 đoạn bờ sông cảnh báo sạt lở, dài hơn 160km, với 6 đoạn rất nguy hiểm qua sông Tiền và sông Hậu, tuyến sông Vàm Nao thuộc huyện Phú Tân, Châu Phú, Chợ Mới, thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên. Các đoạn sạt lở uy hiếp nhà dân, tuyến giao thông nông thôn và quốc lộ 91.
Năm 2018, căn nhà của anh Nguyễn Thanh Tùng (ngụ phường Thới An, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) bị sạt lở. Gia đình anh dời nhà vào phía trong nhưng đúng một năm sau, khu vực này tiếp tục sạt lở ngay vị trí thi công dự án kè sông Ô Môn.
Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ trực tiếp khảo sát vị trí sạt lở, yêu cầu ngành chức năng và đơn vị thi công khắc phục sự cố, đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ và phải bền vững, an toàn cho người dân vì mùa mưa lũ đang đến. Cũng trên tuyến sông Ô Môn, qua xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở dài 430m, uy hiếp tuyến giao thông nông thôn, trường tiểu học Thới Thạnh và ngôi chùa có niên đại từ năm 1672. Dọc theo bờ sông xuất hiện nhiều vết nứt, hàm ếch. Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, cho biết từ đầu năm 2019 xảy ra 5 vụ sạt lở bờ sông.
Hai vụ sạt lở nghiêm trọng nhất là tại huyện Vĩnh Thạnh vào ngày 15-4 khiến 4 căn nhà trôi xuống kênh Cái Sắn và tại quận Ô Môn ngày 24-4, ảnh hưởng 11 căn nhà. Thành phố cho thi công kè chống sạt lở bờ sông Ô Môn, với kinh phí 45 tỷ đồng.
Lãnh đạo TP Cần Thơ nhấn mạnh, công tác phòng, chống sạt lở các tuyến sông, rạch rất cần sự chung sức của người dân. Việc xây kè là cần thiết, nhưng ưu tiên những chỗ cấp bách vì ngân sách hạn hẹp. Điểm nào sạt lở đơn giản không cần xây kè, địa phương cùng người dân thực hiện công trình mềm hoặc trồng cây đan xen giữ đất, chống sạt lở.
ĐBSCL có 526 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 800km. Trong đó, 57 khu sạt lở đặc biệt nguy hiểm dài 164km, cần phải được xử lý gấp. Dự kiến năm 2020, lượng phù sa về ĐBSCL giảm từ 60 đến 65% so với năm 2017, đến năm 2040 chỉ còn 3 đến 5%, khi đó sạt lở nhanh và phức tạp hơn. Bộ NN-PTNN phân tích, việc phòng chống sạt lở cần có giải pháp căn cơ bền vững, hạn chế điểm nóng nguy hiểm. Các phương án phải phù hợp với thực tế, vừa chống sạt lở và gắn liền ổn định dân cư, an sinh xã hội. |
Theo cand.com.vn