Bão số 9 tàn phá nhiều tỉnh miền Trung

Đăng ngày: 29-10-2020 | Lượt xem: 1528
Bão số 9 (Molave) với sức tàn phá khủng khiếp đã quét qua nhiều tỉnh nam miền Trung, để lại nơi đây những cảnh tan hoang, đổ nát. Người dân, chính quyền đang căng mình khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống.

Lần đầu thấy cơn bão lớn như thế!

Chiều tối qua, khi cơn bão đi qua, ông Phạm Văn Thanh (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) dọn dẹp đống ngói vỡ nát nằm la liệt trên sàn nhà. Gương mặt vẫn còn thoáng chút bàng hoàng, ông trầm ngâm: “Đêm qua cả nhà đi sơ tán theo lệnh của chính quyền địa phương. Ngồi trong khu nhà vững chắc mà nghe cửa kính rung bần bật, gió rít từng cơn, lòng như lửa đốt. Sống quá nửa đời người ở đây, có lẽ đây là lần đầu thấy bão lớn như thế. Đầu giờ chiều, trời vừa đỡ gió là tôi vội trở về xem nhà cửa thế nào… Nhà tui kém may mắn hơn nên gió tung cả mái ngói, chỉ còn gian giữa ở tạm”.

Cùng với ông Thanh, hàng trăm hộ dân khác trong thôn Thanh Thủy cũng đang dọn dẹp lại nhà cửa, sắp xếp chỗ ở sau cơn cuồng phong. Vừa nhanh tay quét đống rêu rác theo triều cường trôi vào trong sân và mắc lại, bà Tiêu Thị Tuyết vừa chia sẻ: “Khu vực này sát biển nên từ đêm qua mọi người ai cũng đi sơ tán tới nơi an toàn. Lúc về thấy nhiều nhà bị tốc mái, đồ đạc trong nhà ngấm nước biển bởi triều cường lên cao nhưng vẫn còn thấy may. Nếu chúng tôi không sơ tán, có lẽ không tránh khỏi thương tích, bị gạch ngói, cây cối rơi trúng. Giờ dù có thiệt hại, nhưng thôi, còn người còn của”.

Với người dân Đà Nẵng, ký ức tang thương, mất mát quá lớn về cơn bão Xangsane đổ bộ vào năm 2006 vẫn ám ảnh họ. Thế nên, khi dự báo cơn bão số 9 lần này mạnh ngang ngửa Xangsane, ai cũng lo lắng. Sáng 27/10, người dân đã lo chằng chống nhà cửa, tìm nơi trú ẩn an toàn. Nhiều khách sạn trên địa bàn thông báo mở cửa đón người dân đến trú bão. Chính quyền địa phương khẩn trương sơ tán hơn 101 ngàn người đến nhà cao tầng an toàn.

Đang tranh thủ chặt dọn những cành cây ngã đổ vào sân, anh Phan Thanh Thắng (đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ: “Nghe tin cơn bão này mạnh cỡ Xangsane dân ai cũng hoảng nhưng may mà khi đổ bộ vào Đà Nẵng gió chỉ cấp 10, ít thiệt hại. Bây giờ thương đồng bào mình, nhất là ở Quảng Ngãi, vì có lẽ họ chưa bao giờ chứng kiến và trải qua cơn bão mạnh như thế”.

Tan hoang sau bão

Bão số 9 với gió mạnh và mưa lớn quần thảo nhiều giờ liền khiến Quảng Ngãi chịu thiệt hại rất nặng nề. Do ảnh hưởng của bão số 9 nên ngay từ sáng sớm 28/10, tại Quảng Ngãi đã xuất hiện gió bão mạnh kèm mưa lớn. Nhiều công trình, nhà dân bị thiệt hại nặng do tốc mái. Hầu hết cây xanh tại các tuyến đường bị ngã đổ.

Bình Hải là một trong những xã ven biển của Bình Sơn (Quảng Ngãi) hứng chịu nhiều thiệt hại bởi bão số 9. Ngay sau khi bão dứt, chính quyền địa phương đã khẩn trương tổ chức dọn dẹp, cưa chặt cây xanh ngã đổ. Tuy nhiên, đến tối 28/10 thôn An Cường vẫn còn bị chia cắt. Ông Ngô Văn Thính - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho hay: “Thôn An Cường bị ảnh hưởng triều cường nên có 2 nhà nguy cơ sập, 7 nhà bị hư hỏng. Các nhà ở còn lại phần lớn đều bị tốc mái. Nước biển dâng cao nên nhiều ghe, thúng của bà con bị trôi mất. Hiện vẫn chưa kiểm đếm hết”.

 Bão số 9 đổ bộ gây nhiều thiệt hại tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 đã làm 8 ngôi nhà bị đổ sập; 37/164 nhà bị tốc mái. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, Điện lực Quảng Ngãi tiến hành cắt phụ tải, hầu hết các huyện đang bị mất điện trên diện rộng.

Cùng với Quảng Ngãi, Quảng Nam là địa bàn chịu thiệt hại nặng nề do bão số 9 gây ra. Tại huyện Phú Ninh, bão số 9 đã làm cây cối ngã đổ nhiều nơi, gây chia cắt giao thông. Nhiều tuyến đường điện bị cây cối ngã đổ đè lên lưới điện. Các lực lượng xung kích ở địa phương đang nỗ lực khắc phục, thông tuyến giao thông và hỗ trợ người dân. Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Huỳnh Xuân Chính cho biết, đã tổ chức di dời xen ghép tại chỗ 1.629 hộ/5.701 người, di dời tập trung 171 hộ với khoảng 685 người. Bão số 9 kèm gió lớn kéo dài đã khiến nhiều cây cối, nhà cửa bị hư hỏng. Hiện nay, các địa phương đang tập trung ứng cứu, xử lý sự cố do cơn bão gây ra, đồng thời tổng hợp thiệt hại bước đầu để báo cáo về huyện.

Tại huyện Núi Thành, các xã dọc theo quốc lộ 1, nhiều nhà dân tốc mái, đổ sập, nhiều vị trí dây điện đứt, sà thấp xuống mặt đường. Cùng với đó cây cối ven đường bật gốc đổ đè chắn các làn đường QL1 ở nhiều vị trí, gây khó khăn và nguy hiểm cho phương tiện lưu thông. Huyện Thăng Bình cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp nhà dân bị tốc mái. Tại các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, mưa bão cũng khiến hàng chục ngôi nhà của dân, các trạm y tế xã bị tốc mái, hư hại.

Báo cáo nhanh tại Bình Định, đến chiều 28/10, bão số 9 đã làm 5 người ở TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ bị thương. Bão cũng làm 24 ngôi nhà dân tại Quy Nhơn, An Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước bị sập đổ; 2.820 ngôi nhà bị tốc mái, 741 nhà ngập nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2.867 ha cây hoa màu bị hư hỏng; 2 tàu cá bị chìm; cầu cảng Đề Gi, huyện Phù Cát bị tàu sắt trôi neo va đập làm cong trụ cầu. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu gần 211 tỷ đồng.

Tại TP Đà Nẵng, gió bão kèm mưa đã bắt đầu quần thảo từ 20 giờ tối 27/10. Đây cũng là thời điểm mà người dân Đà Nẵng được khuyến cáo không được ra đường, trừ những trường hợp đặc biệt. Do được dự báo trước về mức độ của bão số 9 nên người dân tuyệt đối cảnh giác, lo chằng chống nhà cửa chắc chắn và tìm nơi trú ẩn an toàn. Trong khi đó, chính quyền các quận, huyện đã sơ tán 21.804 hộ dân với tổng số 1.830 người đến các tòa nhà kiên cố để tránh trú an toàn.

Thời điểm đổ bộ lên đất liền vào trưa qua, bão số 9 gây gió mạnh cấp 8 và giật cấp 10 trên địa bàn TP Đà Nẵng. Gió kèm mưa đã gầm rít nhiều giờ liền. Ngay sau khi bão đi qua, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã thực hiện ghi nhanh tại địa bàn TP Đà Nẵng. Trên đường Nguyễn Tất Thành ven biển, hàng loạt cây xanh bị bão quật ngã nằm ngổn ngang; hàng trăm hàng quán của người dân bị gió đánh tả tơi; nhiều hàng rào bằng tôn bị thổi bay, ngổn ngang trên đường. Dọc các tuyến đường ở quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, thiệt hại về cơ bản là cây xanh và một số nhà bị tốc mái. Đặc biệt trên một số tuyến đường như Bạch Đằng, Trần Quý Cáp, Pasteur… nhiều cây xanh cổ thụ bị bật gốc.

Tập trung ứng phó mưa lũ sau bão

Sau khi bão đi qua, mực nước các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đang lên nhanh. Hiện nước lũ sông Vệ đã vượt mức báo động 3 trên 0,3m và tiếp tục lên trên thời gian tới. Hàng nghìn hộ dân sống ven sông ở 2 huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức được hướng dẫn khẩn trương di dời.

 Người dân tại TP Quảng Ngãi dọn dẹp nhà cửa khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra. Ảnh: Lê Ngọc Phước

Trước đó, sau khi kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân chỉ đạo cả hai địa phương phải ưu tiên công tác di dời dân ở vùng trũng ven sông tại các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, Nghĩa Hiệp thuộc huyện Tư Nghĩa và các xã Đức Hiệp, Đức Nhuận, Đức Thắng... thuộc huyện Mộ Đức đến nơi an toàn. Chính vì thế, trong khi bão số 9 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi, không hộ nào bị nguy hiểm bởi tình trạng mưa lũ, nhất là người già, trẻ em, người khuyết tật do sớm được hỗ trợ di dời.

Trước tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có công điện khẩn gửi các các huyện, thị xã, TP, các đơn vị, lực lượng chức năng yêu cầu chủ động ứng phó với mưa, lũ sau bão, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trọng tâm là kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt, nhà ở không đảm bảo an toàn đến nơi an toàn theo phương châm “4 tại chỗ” đã được phê duyệt trong phương án của địa phương và kịch bản ứng phó tình huống mưa, lũ lớn sau bão… Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo người đứng đầu các địa phương, đơn vị dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống lũ sau bão số 9; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, chỉ đạo nếu để xảy ra thiệt hại về người.

Quảng Nam cũng cảnh báo lũ đặc biệt trên sông Vu Gia. Vào hồi 16 giờ 30 ngày 28/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông báo lũ khẩn cấp đặc biệt lớn trên sông Vu Gia với mức lũ dự kiến trên báo động 3 đến 0,43m. Lũ trên sông Vu Gia đang lên rất nhanh. Mực nước lúc 16 giờ ngày 28/10 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,55m dưới báo động 2 là 0,25m. Trong khi đó, thủy điện Đăk Mi thông báo vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 tăng lưu lượng xả tràn lần 2. Theo đó, thời điểm bắt đầu vận hành vào lúc 15 giờ 30 ngày 28/10, lưu lượng xả tràn dự kiến đến 11.400m3/s. Lưu lượng thủy điện Đắk Mi 4 đang xả xuống hạ du là 5.100m3/s.

Trường hợp thủy điện tiếp tục duy trì mức xả như hiện tại về hạ lưu, dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 10,3m, trên báo động 3 là 1,3m (dưới mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,47m). Trường hợp thủy điện xả xuống hạ lưu như dự kiến, tức 11.400m3/s, từ 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 11,2m, trên báo động 3 là 2,2m, vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43m.

Trung tâm Dự báo Thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ cao gây ngập lụt sâu trên nhiều vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn Duy Xuyên, Hội An và TP.Đà Nẵng. Đồng thời cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất là cấp 4.

Nhận định sau khi bão tan thì ảnh hưởng của hoàn lưu bão còn diễn biến phức tạp, có thể gây ra các đợt mưa lũ lớn. Do vậy, chính quyền các địa phương phải tập trung để chủ động ứng phó và dồn mọi nỗ lực để khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân. Trước mắt, UBND các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng của bão số 9 xuất kinh phí dự phòng để mua lương thực, mì tôm, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… hỗ trợ cho các hộ gia đình có người bị thương, nhà bị sập, tốc mái; tuyệt đối không để hộ gia đình nào bị đói, rét. Bên cạnh đó, kịp thời huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Theo kinhtedothi.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: