Đàn cừu kiếm ăn trên ruộng đất khô cằn ở huyện Thuận Bắc . Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Xảy ra 16 loại hình thiên tai
Thống kê của Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho thấy: Năm 2019 cả nước đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm: 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới; 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Theo báo cáo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn, năm 2019 thiên tai đã làm 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp; 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất trong 50 năm gần đây; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại khu vực này.
Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại gần 3.183 tỷ đồng.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến cuối năm 2020, sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1-báo động 2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức báo động 3, lũ sông Cửu Long muộn và ở mức báo động 1-báo động 2. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng tạo ra “một lịch sử mới”, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016.
Năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Tuần lễ quốc gia về phòng, chống thiên tai với nhiều hoạt động thiết thực tại hầu hết các địa phương trên cả nước; đồng thời phát động phong trào hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng tổ chức nhiều hoạt động nhân sự kiện 20 năm xảy ra lũ lớn tại miền Trung năm 1999.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư gửi đồng bào, chiến sĩ và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn thăm hỏi, động viên và giao nhiệm vụ trong công tác phòng, chống thiên tai.
Chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kịp thời
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường: Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cùng các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế... đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hiện Ban Chỉ đạo Trung ương đang tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về Quỹ Phòng chống thiên tai; Nghị định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế; Quyết định sửa đổi, bổ sung về khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng Nghị định về quy trình hỗ trợ khắc phục hậu quả và phục hồi, tái thiết sau thiên tai…
Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, công tác phòng, chống thiên tai đã bám sát yêu cầu thực tiễn, đi vào chiều sâu, triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó nổi bật là cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp được kiện toàn... Ngay những tháng đầu năm 2020, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức các đoàn kiểm tra. Hầu hết các trọng điểm xung yếu đều có kịch bản ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê điều, hồ chứa, các khu neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy hải sản.
Các địa phương đã chủ động triển khai, hành động quyết liệt đến tận cấp cơ sở trong ứng phó với các đợt thiên tai lớn có thể xảy ra, nâng cao năng lực của lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai. Một số địa phương đã tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, phương tiện chuyên dùng, bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ hỗ trợ, tham mưu ra quyết định chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai các cấp, tiêu biểu là các địa phương như: Lào Cai, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, An Giang và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ đã phát huy vai trò trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Năm 2019 đã huy động 207.642 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và 7.062 lượt phương tiện tham gia ứng phó; tổ chức thông báo, hướng dẫn cho trên 500.000 lượt tàu thuyền với hơn 2 triệu lao động hoạt động trên biển biết diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; tổ chức sơ tán 18.433 hộ dân trong các tình huống thiên tai đến nơi an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Nhờ sự chỉ đạo ứng phó kịp thời nên mặc dù năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 xảy ra nhiều đợt thiên tai lớn, song không có thiệt hại về người trên biển trực tiếp do bão gây ra. Hạn hán xâm nhập mặn vượt mốc lịch sử nhưng thiệt hại về nông nghiệp được giảm thiểu đáng kể. Cùng với đó, công tác hỗ trợ khẩn cấp đã bám sát thực tiễn, tương đối phù hợp với nhu cầu của địa phương; đồng thời chính quyền và nhân dân vùng thiên tai đã chủ động tái thiết, phục hồi nhanh chóng, ổn định cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Ngay sau các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương đều có hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại; Chính phủ hỗ trợ 4.375 tỷ đồng, 2.880 tấn gạo; 1.057 tấn giống các loại; 350.000 liều vắc xin, 27.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng phòng, chống dịch... Trong 4 tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, năm 2020, các bộ, ngành, địa phương cần duy trì chế độ ứng trực, nắm chắc tình hình, tham mưu đề xuất, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra, đồng thời tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 2/1/2019 về Phòng thủ dân sự; Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 14/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Phòng chống thiên tai; Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm từng thành viên để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định quản lý, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn... Năm 2020, các bộ, ngành, địa phương kết nối chia sẻ dữ liệu phần mềm ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để theo dõi, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó sự cố, thiên tai; tích cực phổ biến kiến thức về bão, lũ, lụt; lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá... đến mọi người dân nhằm nâng cao khả năng tự phòng, tránh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Thời gian tới tiếp tục triển khai xây dựng Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thao trường tổng hợp phục vụ huấn luyện tìm kiếm cứu nạn tại Ba Vì-Hà Nội; hoàn thành xây dựng Trung tâm Quốc gia điều hành Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế và học tập kinh nghiệm của các nước, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn...
Theo TTXVN