Đồng bằng sông Cửu Long: Hiệu quả các giải pháp chống hạn hán và mặn xâm nhập

Đăng ngày: 16-03-2022 | Lượt xem: 3461
Theo dự báo của các ngành chức năng, diễn biến hạn, mặn năm nay hết sức khó lường. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn những năm trước, gần đây, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm ứng phó với thời tiết xấu vào mùa khô, góp phần đẩy lùi mặn và chủ động nguồn nước tưới tiêu.

Từ hiệu quả các công trình

Những ngày đầu năm 2022, con đường mới mở từ Quốc lộ 61 tới công trình cống Cái Lớn-Cái Bé (thuộc địa bàn hai huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) luôn tấp nập phương tiện. Rất nhiều người dân từ khắp nơi đổ về để chiêm ngưỡng siêu cống thủy lợi vừa hoàn thành.

Công trình cách cửa biển hơn 10km, như một bức tường thành khổng lồ chắn ngang con sông Cái Lớn. Siêu dự án hoàn thành góp phần hỗ trợ tích cực cho người dân ở 5 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng sản xuất thuận lợi trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

Kiên Giang là một trong những địa phương hưởng lợi từ siêu cống thủy lợi. Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé đi vào vận hành góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát mặn, phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của Kiên Giang.

Siêu dự án cống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé hoàn thành giúp 5 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng sản xuất thuận lợi trước tác động của biến đổi khí hậu.

“Trước đây hằng năm, Kiên Giang đều bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng do thiên tai, hạn mặn. Đặc biệt mùa khô năm 2015-2016, mặn xâm nhập làm ảnh hưởng nghiêm trọng toàn bộ khu vực bán đảo Cà Mau. Riêng tỉnh Kiên Giang, kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho người dân trong vụ sản xuất này lên đến hơn 463 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm, mỗi tỉnh trong vùng dự án cũng mất từ 15 đến 20 tỷ đồng để đắp đập tạm.

Đầu tháng 2-2021, một hợp phần của dự án là cống Cái Bé đã vượt tiến độ đưa vào vận hành sớm hơn một mùa khô, cống Cái Lớn hoàn thành vào tháng 7-2021 và cống Xẻo Rô hoàn thành tháng 10-2021. Nhờ đó kịp thời bảo vệ khoảng 20.000ha đất sản xuất của hai tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang, giúp tỉnh Kiên Giang tiết kiệm hàng chục tỷ đồng nhờ không phải đắp hơn 130 đập tạm...”, ông Thành chia sẻ.

Để minh chứng thêm về tính hiệu quả mà siêu công trình mang lại cho người dân tỉnh Kiên Giang, chúng tôi tìm đến thăm vườn khóm trồng xen tán dừa cách cống Cái Lớn chưa đầy 1km của gia đình ông Đỗ Văn Thành, 76 tuổi, ngụ tại ấp An Thành, xã Bình An, huyện Châu Thành.

Sống bằng nghề trồng rẫy nên ông Thành rất thấm nỗi vất vả khi phải chống chọi với thời tiết và con nước thất thường. Có những năm vào cao điểm mùa khô, khóm thiếu nước nhưng ngoài sông thì nước mặn bủa vây, ông Thành cũng đành “bó tay”.

Thế nhưng đó chỉ là câu chuyện của quá khứ, giờ đây, công trình Cái Lớn-Cái Bé đã làm thay đổi diện mạo cả vùng lân cận-nơi nổi danh với đặc sản khóm Tắc Cậu. Ông Thành phấn khởi cho hay: “Gia đình tôi có tới 6ha đất trồng khóm, dừa, cau nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án cống Cái Lớn-Cái Bé. Thú thật lúc đầu nghe dự án thu hồi đất cũng lo lắm nhưng tới giờ không tiếc chút nào, người dân ai cũng mừng khi tới đây khỏi lo bị mặn hay triều cường tấn công nữa”.

Rời Kiên Giang, chúng tôi tìm đến các huyện vùng trũng như: Ngã Năm, Thạnh Trị (Sóc Trăng), đâu đâu cũng phủ một màu xanh tốt của đồng lúa và vườn cây ăn trái. Theo ông Phan Văn Hùng, phụ trách quản lý, vận hành cống âu thuyền Ninh Quới: Nhờ có cống âu thuyền Ninh Quới, việc ngăn mặn, giữ ngọt được chủ động hoàn toàn.

“Cống âu thuyền Ninh Quới là một công trình lớn, giúp chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng trăm nghìn héc-ta đất trồng lúa, rau màu của người dân ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Sau hai năm công trình được đưa vào vận hành đã giúp các trà lúa của nông dân 3 địa phương trên an toàn, bảo đảm có được nguồn nước ngọt đến cuối vụ. Nông dân luôn an tâm khi sản xuất dù vào những tháng cao điểm mùa hạn”, ông Hùng thông tin.

Nông dân chuyển đổi mô hình trồng lúa qua trồng rau màu để tiết kiệm nguồn nước và giảm thiệt hại bởi mặn xâm nhập.

Đến sự chủ động cơ cấu mùa vụ

Cùng với các công trình, dự án ngăn mặn, trữ ngọt đang phát huy hiệu quả thời gian qua, để hạn chế những tác động của hạn, mặn đến đời sống sản xuất của người dân ngay từ mùa khô năm 2022, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp ứng phó, chủ động trong việc tích ngọt, ngăn mặn cũng như cơ cấu vụ mùa thích hợp.

Đơn cử tại các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề của tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập trong những năm qua như Long Phú, Trần Đề, Kế Sách (Sóc Trăng), việc ngăn mặn, trữ ngọt đã được thực hiện nhịp nhàng, hiệu quả.

Ngành chức năng đã chủ động tranh thủ tích ngọt để có nguồn nước bảo đảm phục vụ tưới tiêu cho người dân trong những tháng mùa khô. Còn người dân cũng tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, tích cực ứng dụng và thực hiện các mô hình sản xuất tiết kiệm nước, trữ nước trong các ao bạt để đủ nguồn nước tưới...

Đáng chú ý là việc xuống giống vụ đông xuân muộn (hay còn gọi là lúa vụ 3) được người dân hạn chế đến mức thấp nhất. Nhiều cánh đồng trước đây vốn được người dân “xé rào” xuống giống vụ 3 thì trong mùa khô năm nay đã phủ màu xanh của cây màu xuống chân ruộng hoặc phơi đất. Điều này vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa phòng tránh được hạn hán và mặn xâm nhập.

Tương tự, thay vì xuống giống vụ lúa như truyền thống thì năm nay, gia đình ông Lê Tăng ở xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp lại chuyển qua trồng lạc. Ông Tăng cho biết, trước tình hình thời tiết ngày càng khô hạn, việc chuyển đổi cây trồng để ít dùng nguồn nước ngọt là giải pháp phù hợp trong tình hình hiện nay.

Lạc trồng dễ và chăm sóc đơn giản hơn, chỉ cần chú ý giai đoạn bỏ hạt đến giai đoạn nảy mầm là cây lạc phát triển tốt: “Mấy tháng sau Tết thì không đủ lượng nước tưới. Người dân chúng tôi chuyển từ trồng lúa sang cây màu ngay. Hiện giờ trồng lạc giảm chi phí hơn, lượng nước cũng tiết kiệm hơn so với trồng lúa”.

Trước thực trạng hạn hán và mặn xâm nhập diễn ra thường xuyên, khốc liệt hơn, những năm gần đây, các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai các biện pháp cần thiết để chủ động nguồn nước như: Nghiên cứu đề xuất quy hoạch hệ thống thủy lợi, trạm bơm, cống, nạo vét kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, quy hoạch trữ nước trong các ao, kênh, rạch; hướng dẫn hộ dân vùng khó khăn về nước sạch đào ao, giếng, trang bị bồn chứa, túi chứa... tích trữ nước ngọt vào mùa mưa, sử dụng trong mùa khô...Riêng với người dân cũng ngày càng linh động, phản ứng nhanh với thông tin, dự báo hạn hán, mặn xâm nhập.

Ông Võ Văn Sang ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trên diện tích đất sản xuất của gia đình, tôi trồng được hai công chanh không hạt, còn lại là khóm. Trong hai năm nay, được sự quan tâm của Nhà nước đầu tư các cống, trạm bơm điện cho địa bàn xã Hỏa Tiến một cách bài bản đã giúp nông dân yên tâm canh tác.

Theo đó, tôi thường xuyên bám sát khuyến cáo về kỹ thuật, thông báo về độ mặn của ngành nông nghiệp để có giải pháp trồng, trữ nước ngọt, giải pháp phun tưới cho cây trồng đúng lúc, đúng cách. Từ đó giúp công việc canh tác của gia đình chủ động và hiệu quả hơn trước rất nhiều”.

Theo dự báo từ Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công tại trạm Kratie (Campuchia) và tại Tân Châu (Châu Đốc, An Giang) trong tháng 2 và tháng 3-2022, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập sâu 50-65km. Từ tháng 4-2022, mặn xâm nhập có xu thế giảm dần. Việc sản xuất ở khu vực mặn lẫn ngọt tại vùng ven biển các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng. Mặn bất thường, hạn hán gây thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa được kiểm soát mặn triệt để. Để đề phòng những rủi ro do hạn, mặn gây ra, cùng với các giải pháp đã và đang mang lại hiệu quả, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý...

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dong-bang-song-cuu-long-hieu-qua-cac-giai-phap-chong-han-han-va-man-xam-nhap-688774

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: