Nông dân Phan Rang thu hoạch nha đam trong cái nắng gay gắt. Ảnh: Nguyễn Thành.
Hàng năm, bắt đầu từ tháng 3 đã có mưa. Nhưng năm nay, đi dọc suốt từ Khánh Hòa tới Ninh Thuận, Bình Thuận, đâu cũng thấy cảnh khô khát, gặp ai cũng nghe chuyện nắng hạn. Tại đây, hệ thống sông suối đa số chảy trực tiếp ra biển, phần lớn lại ngắn và rất dốc. Mùa lũ nước sông lên và xuống nhanh. Mùa khô dòng chảy kiệt xuống rất thấp, thậm chí nhiều sông suối khô cạn suốt nhiều tháng liền. Năm nay, hiện tượng đó còn gay gắt hơn, khiến cho toàn vùng rơi vào thời kỳ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn gay gắt.
Hồ đập khô cạn, cây trồng héo úa
Chúng tôi tới thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) vào một ngày nắng như đổ lửa. Gần 200 ha trồng nho của bà con khô héo, rũ ra dưới ánh nắng mặt trời gay gắt.
Mới hơn 7 giờ sáng nhưng có tới hàng trăm người dân đang tìm cách bơm nước từ con suối Bồ Đề về khu vực canh tác. Dọc theo một đoạn suối ngắn, ngổn ngang những chiếc máy bơm chạy hết công suất. Một nông dân cho biết, những năm trước, bà con chỉ đào, khoan giếng ở khu vực gần nơi canh tác là có nước, nhưng năm nay mực nước ngầm cạn kiệt, nên tình hình rất khó khăn. Vì thế, người ta phải khoan giếng ngay sát bờ suối.
Theo lãnh đạo xã Vĩnh Hải, xã đã phải vận động từng hộ dân trồng nho tạm thời không cắt cành nho đang thời kỳ sung sức để tránh tình trạng sau khi cắt cành không đủ nước tưới sẽ gây suy nhược cho cây. Nhưng nếu khô hạn, nắng nóng gay gắt kéo dài thì tình hình sẽ không biết ra sao.
Ở xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), tình hình cũng không khá hơn. Nguồn chính cung cấp nước sinh hoạt cho xã là hệ thống đập Ô Câm. Nhưng nay, nước trong đập cũng cạn kiệt. Từ giữa tháng 5, UBND huyện đã phải phối hợp với lực lượng quân đội vận chuyển nước đến xã phục vụ nhu cầu sử dụng nước hàng ngày cho gần 650 hộ dân.
Trên đường từ Ninh Thuận vào Bình Thuận, thật xót xa khi tận mắt chứng kiến những cánh đồng, những vườn cây ăn trái ủ rũ héo úa. Theo lãnh đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), hầu hết các hồ chứa nước thủy lợi tại địa phương đã cạn, tổng dung tích các hồ chứa chỉ còn 3,1 triệu m3/49,485 triệu m3; có nghĩa là chỉ còn 6,2%. Mà cũng chỉ có hồ Tân Lập còn nước. Bình Thuận vốn được coi là thủ phủ của thanh long, thì nay do thiếu nước nên hơn 4.600 ha thanh long đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Sang tuần thứ 3 của tháng 5 này, tại Hàm Thuận Nam đã có hơn 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 400 hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số…
Những đường ống bơm dẫn nước nằm trơ trọi ở hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Việt Quốc.
Theo Phòng Quản lý nước và công trình (Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận) thì mặc dù những ngày gần đây trên địa bàn đã xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa, nhưng nắng nóng vẫn diễn ra gay gắt. Trên phạm vi toàn tỉnh, tính đến ngày 18/5, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi chỉ còn 4,7% so với dung tích thiết kế. Đây là tình trạng khô cạn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Sáng ngày 20/5, chúng tôi tới hồ Ba Bàu (xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam). Trước mắt là cảnh hồ trơ đáy, trong lòng hồ có nhiều điểm khô nứt nẻ. Được biết, đây là 27/48 hồ lớn nhỏ trên địa bàn đã trơ đáy khiến một số nhà máy nước trong hệ thống thủy lợi buộc ngưng hoạt động, trong đó có Nhà máy nước Suối Kiết và Nhà máy nước Thạnh Cần.
Người dân thôn Ba Bàu cho biết, bà con đã thiếu nước sinh hoạt cả tháng rồi. Cuộc sống vô cùng vất vả trong cái nóng như thiêu như đốt. Người khát thì thanh long cũng khô héo.
Để có nước sinh hoạt và tưới cho cây, dù nghèo đến mấy thì cũng phải ráng vay mượn để đào giếng. Mỗi giếng khoan phải bỏ ra từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Mà số tiền đó với nhiều hộ dân là quá lớn. Nhưng có tiền không hẳn đã tìm được thợ khoan giếng. Nhiều nhà đã phải mua nước đóng chai loại 20 lít/bình để nấu ăn và cho gia súc, gia cầm uống cầm cự. 1 ngày tiết kiệm thì cũng mất 30 nghìn đồng.
Lúc này các trụ thanh long đang độ đơm bông, rất cần nước nhưng người dân đành thở dài nhìn chúng khô héo. Của cải bị mất ngay trước mắt nhưng không có cách gì cứu vãn. Không nỡ nhìn cây trồng chết khát, người ta đã tìm bằng được thợ đến khoan giếng ngay trước sân nhà. Nhưng có giếng khoan sâu tới 90m nhưng vẫn không cho nước.
Còn tại xã Tân Phúc (huyện Hàm Tân), thôn 4 và thôn 5 là khô cạn nhất. Hầu hết các giếng khoan, giếng đào của người dân đã không có nước từ nhiều tháng qua. Đáng ngại là với những giếng có nước thì lại bị nhiễm phèn. Để “giải hạn” cho dân, UBND huyện phải giao cho Ban Quản lý công trình công cộng dùng xe bồn chở nước từ hệ thống cấp nước Tân Minh đưa đi cung cấp miễn phí cho người dân. Nhưng cố gắng mấy thì cũng chỉ cấp được 2 ngày trong tuần, sáng thứ 2 và sáng thứ 6.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Tân, tới thời điểm này có khoảng 5.000 người dân trong số 1.200 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Người dân xã Thuận Hòa (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đào giếng tìm nước sinh hoạt.
Cái đói hiện ra trước mặt
Cũng vào những ngày nóng như nung này, chúng tôi có dịp đến huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Dọc theo tuyến đường Cầu Lùng - Khánh Lê, Hương lộ 39 là một màu đất bạc phếch.
Theo người dân xã Suối Hiệp thì cánh đồng ở đây phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ hồ Suối Dầu. Ngay sau khi kết thúc vụ đông xuân, người dân đã bắt tay vào việc cày ải ruộng đồng cho vụ hè thu. Thế nhưng, vừa cày xong thì lại không có nước nên đành bỏ vụ.
Suối Dầu là một hồ nước nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa, với dung tích 32,8 triệu m3. Vài năm trước, nước trong hồ luôn đầy ăm ắp. Nhưng năm nay cũng bị rơi vào tình trạng cạn kiệt. Các con kênh thủy lợi từ hồ chảy ra nay đã khô rang. Đến giữa tháng 5, nước trong hồ Suối Dầu chỉ còn 6,65 triệu m3 (đạt gần 20,3% dung tích). Đây là lượng nước thấp kỷ lục, thấp hơn cả đỉnh hạn năm 2016. Hồ Suối Dầu là nơi có sinh thủy trong lưu vực tốt nhờ thượng nguồn là rừng đặc dụng Hòn Bà. Thế nhưng, hiện nay nguồn chính bổ sung nước vào hồ Suối Dầu là suối Đá Giăng cũng đã kiệt dòng.
Ở Cam Ranh, tình hình lại còn khó khăn hơn. Các hồ chứa nước có thể nói là “thê thảm” khi các con suối Va Ly, suối Cốc là những nguồn bổ sung nước cho hồ cũng đã cạn kiệt.
Nhưng không chỉ các hồ chứa thủy lợi khô cạn mà lưu lượng dòng chảy trên các sông chính như sông Cái (Nha Trang), sông Dinh (Ninh Hòa) cũng rất thấp. Cán bộ Trạm Thủy văn Đồng Trăng (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh) cho biết họ đã làm việc ở đây nhiều năm, nhưng chưa năm nào thấy nước trên sông Cái (Nha Trang) xuống thấp như năm nay. Còn theo cơ quan chức năng, có ngày mực nước trên dòng sông này chỉ ở mức 2,27m, thấp kỷ lục nếu tính từ năm 1976, từ khi có trạm thủy văn này.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có 43 khu vực tại các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Vạn Ninh, Cam Ranh thiếu hụt nước sinh hoạt. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của người dân mà nó đã lộ cái đói ra ngay trước mặt, nhất là với các hộ nghèo, cận nghèo. Lấy ví dụ ở xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn), nắng hạn đã khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là bắp (ngô), chuối - nguồn thu chính của người dân bị thiệt hại nặng. Địa phương đã rà soát, lập danh sách người thuộc diện phải hỗ trợ gạo cứu đói để trình UBND huyện xem xét hỗ trợ. Còn với xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh), suốt mấy tháng ròng cánh đồng các xã Hòn Lay, Cà Thêu, Ba Cẳng hàng chục ha lúa nước không sản xuất được. Cũng ở huyện này, lãnh đạo xã Cầu Bà cho biết có tới 80% giếng đào đã trơ đáy.
Ninh Hòa là vùng trù phú bậc nhất Khánh Hòa thì nay cũng lao đao vì khô hạn. Những cánh đồng mía quắt queo vì thiếu nước. Cây mía quắt lại như cây lau. Con số tính tới hết tháng 4, mía nguyên liệu đã thu hoạch được 8.200ha, năng suất bình quân 25,1 tấn/ha, giảm 22 tấn/ha so với cùng kỳ. Một con số khủng khiếp đối với người trồng mía.
Theo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, lượng nước tại các hồ chứa nước lớn đã xuống rất thấp. Hồ Đá Bàn với sức chứa 50 triệu m3 hiện nay chỉ còn khoảng 13 triệu m3. Hồ Suối Trầu dung tích khoảng 10 triệu m3 nay chỉ còn chưa đầy 1 triệu m3...
Biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt. Duyên hải miền Trung là vùng chịu tác động nặng nề. Không thể để tình trạng khô hạn, thiếu nước kéo dài như một định mệnh mà cần có chiến lược nước lâu dài cho vùng. Đó không chỉ là sự kêu gọi mà là một thực tế cần sớm có hướng giải quyết. Nếu không, “đến hẹn lại lên”, duyên hải Nam Trung bộ lại khô khát.
Theo daidoanket.vn