Bắp ở xã Bình Thạnh (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) chết đứng ngoài đồng. Ảnh K.TRẦN
Qua thống kê cho thấy các tỉnh Trung bộ đang có khoảng 19.180 ha đất nông nghiệp bị hạn hán, thiếu nước. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp so với trung bình cùng kỳ nhiều năm đã làm dung tích của các hồ chứa vừa và lớn toàn vùng bắc Trung bộ chỉ đạt 43% so với dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 13% và năm 2017 là 22%.
Cá biệt, tại tỉnh Quảng Bình, hồ chứa nước Trung Thuần (H.Quảng Trạch) dung tích hồ chứa hiện chỉ còn khoảng 7% so với thiết kế. Dự báo của Tổng cục Thủy lợi, đến cuối mùa khô năm nay các tỉnh Trung bộ sẽ có khoảng 52.180 ha bị hạn hán, thiếu nước.
Trả lời Thanh Niên, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo thủy văn Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho biết mưa do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2 vừa qua phần nào đã giải tỏa cơn khát cho khu vực bắc Trung bộ. Nhưng nắng nóng vẫn kéo dài, mưa ít thì nguy cơ hạn hán, thiếu nước sẽ quay trở lại. Hiện tại, hạn hán và thiếu nước “căng nhất” đang xảy ra ở các tỉnh nam Trung bộ.
Kết quả quan trắc hiện tại cho thấy, mực nước dòng chảy trên các sông khu vực này đã thiếu hụt lên tới 50 - 60% so với mức trung bình nhiều năm.
Dự báo, lượng dòng chảy thiếu hụt trên các sông tiếp tục có xu hướng tăng trong tháng 7 nên tình trạng khô hạn, thiếu nước ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tiếp tục xảy ra ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 7, ở các tỉnh Trung bộ sẽ còn 2 - 3 đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng. Các tỉnh Trung bộ quay trở lại tình trạng ít mưa, xuất hiện nhiều ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt sẽ khiến tình trạng khô hạn còn tiếp tục duy trì trên khu vực trung và nam Trung bộ ít nhất là kéo dài đến hết tháng 7. Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân, mới đây Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản đôn đốc Sở NN-PTNT các tỉnh Trung bộ đề nghị thường xuyên kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn, khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng vùng phục vụ của công trình thủy lợi.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương nạo vét hệ thống dẫn nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến bơm cấp nước, đào giếng khoan tìm kiếm nguồn nước cho các khu vực bị thiếu nước; tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân có ý thức sử dụng tiết kiệm nước, vận động nhân dân trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. Về giải pháp lâu dài, các tỉnh Trung bộ tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất ít tiêu tốn nước thích nghi với điều kiện thời tiết khô hạn, khắc nghiệt. Theo thanhnien.vn