Philippines tính toán chi phí cho cuộc khủng hoảng khí hậu khi ngày càng nhiều cơn bão tàn phá

Đăng ngày: 06-01-2022 | Lượt xem: 2837
Philippines là quốc gia đóng góp khá ít vào lượng khí thải toàn cầu nhưng lại phải đối mặt với vô số tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu.
Philippines tính toán chi phí cho cuộc khủng hoảng khí hậu khi ngày càng nhiều cơn bão tàn phá
Tàn dư của cơn bão Rai tại thành phố Talisay, tỉnh Cebu, Philippines. Ảnh: The Guardian.
Tàn dư của cơn bão Rai tại thành phố tự trị Carcar, tỉnh Cebu, Philippines. Ảnh: The Guardian.
Tàn dư của cơn bão Rai tại thành phố tự trị Carcar, tỉnh Cebu, Philippines. Ảnh: The Guardian.

Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu

Vài ngày trước lễ Giáng sinh năm 2021, siêu bão Rai – tên địa phương là Odette – đã tàn phá Philippines một cách nặng nề. Buổi sáng sau cuộc tấn công dữ dội của cơn bão, tại thành phố Iloilo, đại dương vẫn đang sôi sục; nhà cửa tốc mái, cây cối đổ rạp khiến đường xá không thể lưu thông. Một cảnh tượng thật đáng sợ.

Số người mất tích tiếp tục tăng lên trong hai tuần sau đó. Rất nhiều công trình đã bị phá hủy - từ nhà ở đến trường học; lương thực bị mất trắng do lũ lụt.

Trung bình, 20 cơn bão và siêu bão đổ bộ vào Philippines mỗi năm và chúng ngày càng có sức tàn phá nặng nề hơn. Thủ phạm chính là phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người. Philippines đóng góp ít hơn 0,4% vào cuộc khủng hoảng khí hậu; phía bắc địa cầu chiếm tới 92%. Thế nhưng Philippines lại phải trả giá cho những vấn đề chủ yếu đến từ phía bắc.

Vào năm 2019, Philippines đã có một tuyên bố mạnh mẽ với thế giới khi đưa 1.500 tấn rác thải đổ trái phép trở lại Canada.

Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26, được xem như cơ hội cuối cùng của thế giới để ngăn chặn thảm họa, đã bị nhiều nhà hoạt động khí hậu coi là một thất bại. Các cam kết đã không được thực hiện. Thỏa thuận cuối cùng cho thấy than đá và ưu tiên lợi nhuận lại được đặt cao hơn con người và hành tinh.

Mặc dù Philippines chỉ là một phần nhỏ trong cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng, nhưng mối đe dọa đối với quốc gia này lại rất lớn. Mực nước biển dâng cao khi Trái đất nóng lên sẽ nhấn chìm nhiều khu vực của Philippines, khiến hàng nghìn người dân sẽ phải tị nạn khí hậu. Hạn hán và lũ lụt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và phá hủy các hệ sinh thái. Nguy cơ và cường độ của các vấn đề khẩn cấp về sức khỏe, chẳng hạn như sốt xuất huyết và tiêu chảy, sẽ tăng cao.

Chính phủ Philippines đã lãng mạn hóa sự đau khổ của các cộng đồng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu để che giấu những hành động kém hiệu quả bằng cách nói rằng “Người Philippines rất kiên cường”.

Cơn bão Rai tàn phá Philippines một cách nặng nề. Ảnh: CNN.
Cơn bão Rai tàn phá Philippines một cách nặng nề. Ảnh: CNN.

Tương lai nào cho cuộc khủng hoảng khí hậu ở Philippines?

Arnel Murga, một cư dân sống trong khu ổ chuột trên con sông ở thành phố Iloilo, đã phải cùng gia đình rời khỏi ngôi nhà tồi tàn của họ trước khi một cơn bão lớn đổ bộ và chuyển đến trú ẩn trong một nhà nguyện gần đó. Khi cơn bão đi qua, một vài người trong số họ sẽ biết ơn khi thấy những ngôi nhà vẫn còn đứng vững. Những người khác sẽ tuyệt vọng khi thấy nhà của họ bị gió thổi bay thành từng mảnh hoặc bị sóng biển cuốn đi. Thực tế có rất ít khả năng phục hồi.

Các gia đình sẽ phải bắt đầu xây dựng lại nhà cửa từ đầu, chỉ để chứng kiến ​​chúng sẽ lại bị phá hủy một lần nữa bởi những cơn bão tiếp theo. Người dân Philippines đã sống trong sợ hãi và mang theo những tổn thương từ những nguy hiểm mà thiên tai gây ra.

Vào ngày 17/12, Arnel đã nhận được thông tin anh họ của anh, một thuyền viên mới tốt nghiệp, đã mất tích cùng với ít nhất 10 thành viên thủy thủ đoàn khác của tàu kéo M/V Strong Trinity, sau khi siêu bão Rai đổ bộ vào thành phố cảng Cebu. Theo các chủ tàu, con tàu đã nỗ lực tìm nơi trú ẩn an toàn nhưng sóng gió quá mạnh đã cuốn trôi tàu kéo và cả những người trên tàu. Cho đến nay, lượng tuần duyên vẫn không tìm thấy dấu vết của con tàu.

Người dân đã nhanh chóng chỉ ra sự chuẩn bị không tốt của chính phủ, nói rằng họ đã không rút ra được bài học từ cơn bão Haiyan năm 2013, một trong những cơn bão mạnh nhất được ghi nhận đổ bộ vào đất liền - mặc dù thực tế là khoảng thời gian này đã có hệ thống phổ biến thông tin về sự xuất hiện của cơn bão thông qua tin nhắn, mạng xã hội và trên các kênh tin tức.

Tuy nhiên, vai trò của truyền thông đã bị hạn chế trong nước. Các đài khu vực của đài truyền hình lớn nhất Philippines, ABS-CBN, vốn ở tuyến đầu trong các đợt thiên tai trước đây, đã không hoạt động kể từ năm 2020 do nhiều vấn đề chính trị.

Viễn thông bị gián đoạn. Người dân Philippines bị bỏ lại trong bóng tối chờ tin tức. Người dân đã tạo các nhóm trên mạng xã hội Facebook để cập nhật thông tin về các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thông tin về những người mất tích và kêu gọi giúp đỡ. Nhiều người lang thang trên đường phố với những tấm biển nói rằng họ đói và khát. Nhiều người đã chết vì mất nước. Các thành phố ngập nước bỗng chốc trở thành thị trấn ma, nhà cửa lại bị sạt lở vùi lấp.

Cơn bão Rai tàn phá Philippines một cách nặng nề. Ảnh: Axios.
Cơn bão Rai tàn phá Philippines một cách nặng nề. Ảnh: Axios.

Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số thành phố và thị trấn, nơi nguồn cung cấp điện và nước vẫn bị cắt; hơn 5,4 triệu người dân phải chịu ảnh hưởng. Trong đó, hơn nửa triệu người đã phải di dời.

Theo số liệu chính thức cho biết, số người thiệt mạng do siêu bão Rai là 397 người và 1.147 người khác bị thương, bên cạnh đó vẫn còn 83 người mất tích. Đã có hơn 535.000 ngôi nhà bị phá hủy và 350 triệu euro (tương đương 9000 tỷ đồng) thiệt hại đối với nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Những người từ các cộng đồng trong “vùng nguy hiểm” không thể quay trở lại nhà.

Mặc dù đã trải qua nhiều năm thiên tai như vậy, các công trình phòng thủ thiên tai vẫn chưa được bảo vệ kỹ càng. Các con đập đã được xây dựng trên những con sông quan trọng về mặt sinh thái; khai thác khoáng vật dolomite vẫn tiếp tục, và các nhà máy chạy bằng than mới vẫn đang được xây dựng. Vài ngày sau cơn bão, lệnh cấm khai thác lộ thiên kéo dài 4 năm đã được dỡ bỏ để giúp phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, Philippines đã không tính đến sự đóng góp của hoạt động khai thác đối với những cơn bão và lượng mưa đang tác động trực tiếp lên nền kinh tế của quốc gia này.

Các quốc gia nghèo và các cộng đồng cư dân nghèo vẫn đang là nạn nhân của sự bất bình đẳng khí hậu. Chừng nào thế giới chưa giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta vẫn sẽ không thể chuẩn bị cho những gì sắp tới.

Nguồn: daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: