TP.HCM: Tập trung ứng phó ATNĐ gây mưa lớn, lốc xoáy

Đăng ngày: 19-11-2017 | Lượt xem: 956
(TN&MT) – Trưa 19/11, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã gửi công văn hỏa tốc tới các sở ngành chức năng và UBND 24 quận huyện về việc tiếp tục triển...

Theo Bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới gần bờ số ATNĐGB 14-21/DBKTNB ngày 19 tháng 11 năm 2017 của Đài KTTV khu vực Nam Bộ: hồi 10 giờ ngày 19/ 11/2017, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Ninh Thuận-Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng gió mạnh do áp thấp nhiệt đới trên cấp 6, gió giật mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 100km về phía Bắc, 80km về phía Nam tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của  áp thấp nhiêt đới và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, các tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ, trong đó có TP.HCM có mưa, mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to. Trong cơn dông cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh.

Từ ngày 19 -24 /11, trên sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, lưu vực sông Đồng Nai lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, trên các sông suối nhỏ lên trên BĐ3. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ chiều tối ngày 18/11, trên địa bàn TP.HCM liên tục có mưa giông

Để chủ động trong công tác phòng, tránh, ứng phó với mọi tình huống, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới gần bờ (suy yếu từ Bão số 14) và hoàn lưu gây mưa lớn, lốc xoáy trên địa bàn TP.HCM, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố đề nghị các Sở, ngành, đơn vị, UBND các quận - huyện, phường – xã – thị trấn tiếp tục quán triệt và tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và thành phố đối với công tác phòng chống lụt bão.

Các địa phương, đơn vị kiểm soát chặt chẽ các cửa sông, cửa biển, các bến tàu thuyền, phương tiện thủy, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, không cho phép xuất bến hoạt động khi  chưa có lệnh mới.

Các Sở, ngành, đơn vị Thành phố và UBND các quận – huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa đề phòng mưa giông, gió giật, lốc xoáy bất ngờ xảy ra và cây xanh ngã đổ gây tai nạn. Khuyến cáo người dân hạn chế đi ra đường khi có mưa lớn, giông gió, lốc xoáy do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gần bờ (suy yếu từ Bão số 14). Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu, khắc phục hậu quả và tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ người dân khi có sự cố xảy ra.

Để phòng tránh những rủi ro, TP.HCM vẫn giữ lệnh cấm cho tàu thuyền ra khơi

Tổng công ty Điện lực Thành phố bảo đảm nguồn điện liên tục, phục vụ cho cơ quan, đơn vị chỉ đạo, cảnh báo, dự báo, thông tin liên lạc, bơm tiêu ở cấp thành phố và quận - huyện; lập tức cắt điện ở khu vực bị xảy ra mưa giông, lốc xoáy, cây xanh ngã đỗ, ngập lụt sâu và khi đường dây tải điện bị hư hỏng để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Đồng thời, xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi thành phố bị ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gần bờ (suy yếu từ Bão số 14).

Đặc biệt, theo dự báo của Đài KTTV khu vực Nam Bộ,  mực nước tại trạm Phú An sẽ trên mức báo động 3 (1,5m) từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 11; để chủ động phòng, tránh tổ hợp bất lợi (hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, lốc xoáy kết hợp triều cường), giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị quận Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn tổ chức rà soát tại các khu vực trọng điểm có bờ bao, đê bao ven sông, vùng trũng thấp và  khu vực có nguy cơ  sạt lở cao vào thời điểm mưa lớn và mực nước triều dâng cao cho đến khi hết đợt triều cường, mưa, bão.

Chủ động thực hiện phương châm “04 tại chỗ”, chuẩn bị kinh phí, vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải cát…), lực lượng, trước hết là lực lượng trực tiếp quản lý đê nhân dân túc trực tại những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn, bể bờ bao để xử lý ngay giờ đầu khi phát hiện sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố, không để xảy ra ngập úng kéo dài, gây thiệt hại cho người dân.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: