68 người chết và mất tích, 40 người bị thương
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, từ tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật. Mưa lũ lớn bất thường, trái mùa xảy ra liên tiếp, trên diện rộng và tại nhiều nơi. Cụ thể, đã xảy ra 95 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 93 trận dông lốc, 45 vụ sạt lở bờ sông, 131 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại.
Trong 6 tháng qua, các loại hình thiên tai đã khiến 68 người bị thiệt mạng và mất tích, 40 người bị thương. Đồng thời, thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.015 tỷ đồng tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc.
Thiệt hại do thiên tai 6 tháng đầu năm lên tới 4.015 tỷ đồng.
Trong đó, về nhà cửa, có 136 ngôi nhà bị sập, 3.620 nhà hư hỏng, tốc mái.
Về giao thông, 29 cầu tạm bị cuốn trôi, sạt lở 24,96km đường giao thông, 623.738m3 đất đá sạt lở.
Về nông nghiệp, có 167.979ha lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại; 17.563 con gia súc, 56.046 con gia cầm bị chết.
Về thủy sản, có 299 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; 3.678ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 8.803 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Tính riêng trong tháng 6/2022, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 22 trận mưa lớn; 15 trận mưa dông, lốc, sét; 19 vụ sạt lở bờ sông; 18 trận động đất.
Trong tháng 6, thiên tai đã khiến 5 người chết và mất tích, 3 người bị thương. Thiệt hại kinh tế khoảng 45,5 tỷ đồng.
Cụ thể, có 9 ngôi nhà bị sập, 699 nhà hư hỏng, tốc mái, 87 ngôi nhà ngập.
Về giao thông, hơn 1.721m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với 51.758m3 đất đá, bê tông bị sạt lở; 2 cầu, 5 cống bị hư hỏng.
Về thủy lợi, 2 đập bị sạt lở, hư hỏng; 2.036m kè, kênh mương; 1.184m bờ sông, bờ biển sạt lở.
Về nông nghiệp, có 507ha lúa, 188ha hoa màu, 70ha cây trồng khác thiệt hại; 1.123 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 36ha nuôi trồng thủy sản thiệt hại.
Thiên tai còn dồn dập trong những tháng cuối năm
Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm một năm khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5 - 7 cơn). Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.
Trong tháng 7 tổng lượng mưa tại Bắc Bộ phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20% với xác suất khoảng 60 - 70%.Trong tháng 8-9, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10% với xác suất khoảng 60%. Tháng 10, tổng lượng mưa ở Bắc Bộ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 25% với xác suất khoảng 60%, riêng khu vực Tây Bắc có lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5 - 15% với xác suất 65%.
Nhận định về tình hình mưa bão năm 2022, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, năm nay không khí lạnh đến sớm, hoạt động bão nhiều hơn, kết hợp với nhau thì ảnh hưởng nặng hơn tạo hình thế gây mưa.
“Trạng thái La Nina liên tục từ 2020 đến nay, những pha lạnh như vậy khiến xác suất mưa liên tục cao, đặc biệt Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Năm nay dự báo Tây Bắc Thái Bình Dương có bão mạnh, khả năng dồn vào cuối năm nên sẽ tác động đến nước ta. Mưa liên tục phối hợp không khí lạnh đến sớm, tạo hội tụ gây mưa rất lớn và dồn dập ở miền Trung vào tháng 11”, ông Mai Văn Khiêm thông tin.
"Cần đặc biệt chú ý đến tình hình mưa lũ ở miền Trung vào khoảng thời gian từ tháng 10 – 11/2022. Thời điểm này, theo số liệu dự báo, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa khiến chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập như năm 2020. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc", ông Mai Văn Khiêm nói.
Hà Lan