Tổng cục Khí tượng Thủy văn chủ động ứng phó với bão số 3

Đăng ngày: 03-09-2024 | Lượt xem: 621
Nhận định cơn bão số 3 là cơn bão mạnh, có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024. Tổng cục KTTV đã ban hành công văn số 1034/TCKTTV-QLDB ngày 3 tháng 9 về tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo bão số 3.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, sáng ngày 03/9, bão YAGI đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024. Hồi 13 giờ ngày 03/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 119,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75- 88km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15km/h. Dự báo, 13 giờ ngày 05/9 bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 400 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây, khoảng 10 -15 km/h. Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, cường độ ít thay đổi.

Tổng cục KTTV yêu cầu các đơn vị đảm bảo:

1. Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia: theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của bão, mưa lớn, dông lốc, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá…; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động, không để bị động, bất ngờ nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

2. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia chủ trì công tác dự báo bão, mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…, thông báo đầy đủ, kịp thời cho các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh để cảnh báo thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai và tác động của thiên tai cho địa phương phục vụ công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai; chủ động đề xuất thảo luận trực tuyến giữa các đơn vị; tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo ảnh hưởng, tác động của thiên tai nguy hiểm.

3. Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia: giám sát và bảo đảm hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc KTTV, ra đa thời tiết hoạt động bình thường. Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV và các Đài KTTV khu vực bảo đảm hoạt động truyền số liệu từ các trạm quan trắc KTTV, ra đa thời tiết, đo mưa tự động phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV.

4. Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV: Duy trì và bảo đảm đường truyền, thông tin liên lạc phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, dữ liệu KTTV phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai.

5. Liên đoàn Khảo sát KTTV: chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị, các phương án đo đạc phục vụ điều tra, khảo sát khi có yêu cầu.

6. Các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, đặc biệt là các Đài KTTV khu vực: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ:

Chỉ đạo các trạm KTTV trực thuộc triển khai phương án quan trắc; bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác số liệu và truyền tin kịp thời trong mọi tình huống phục vụ tốt công tác dự báo bão, mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…; kiểm tra, đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động nhằm bảo đảm an toàn cho quan trắc viên khi thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ đạo Phòng Dự báo và các Đài KTTV tỉnh trực thuộc theo dõi, dự báo sát mọi diễn biến và tác động của bão, mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…tại địa bàn phụ trách; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên thông tin về diễn biến bão, mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… đến Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn và Lãnh đạo các tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Đồng thời, gửi bản tin về Tổng cục KTTV theo quy định để phục vụ công tác đánh giá chất lượng dự báo.

Thu thập thông tin chi tiết về các hoạt động dân sinh, kinh tế, xã hội, các công trình nhạy cảm có khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn các tỉnh, đồng thời chia sẻ cho Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phục vụ công tác dự báo, cảnh báo. Cung cấp kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo tác động chi tiết cho khu vực nhạy cảm, các công trình dân sinh, kinh tế xã hội, các khu vực chịu ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh cho các Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn cũng như Lãnh đạo và nhân dân các tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.3

7. Văn phòng Tổng cục KTTV triển khai phương án tuyên truyền để phục vụ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…; theo dõi chặt chẽ, cập nhật đầy đủ các thông tin về tình hình thiên tai và công tác phòng, chống trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Tổng cục và chia sẻ cho các đơn vị trực thuộc.

8. Vụ Quản lý mạng lưới KTTV: theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Đài KTTV khu vực công tác đảm bảo hệ thống mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia hoạt động ổn định trong tình huống khi có thiên tai xảy ra; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chế độ quan trắc, chế độ thông tin, điện báo số liệu theo quy định.

9. Vụ Quản lý dự báo KTTV: theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác dự báo của các đơn vị trong hệ thống cảnh báo, dự báo KTTV quốc gia, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Tổng cục.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: