Biến đổi khí hậu đang 'nhấn chìm' một ngôi làng ở Indonesia

Đăng ngày: 23-08-2023 | Lượt xem: 2523
Ông Sulkan, một thầy giáo người Indonesia ngậm ngùi xem lại những bức ảnh cũ, nhớ về kỷ niệm đội diễu hành và lễ tốt nghiệp của đám nhỏ trường mầm non... Ông không tin vào những gì đang diễn ra khi con đường giờ đây đang dần chìm trong làn nước xanh đục.

Trường mầm non chỉ là một trong nhiều địa điểm hiện đang bị tình trạng thủy triều dâng cao “nuốt chửng” ở ngôi làng ven biển Timbulsloko, đảo Javan, Indonesia, buộc người dân phải thích nghi với cuộc sống mới: Cuộc sống trên mặt nước.

Ngôi làng Timbulsloko hiện đang có hơn 200 cư dân sinh sống, là một trong những khu vực đang bị nhấn chìm nhanh nhất ở Indonesia. Nơi đây đã bị biến đổi nghiêm trọng, từ một vùng quê yên bình với những cánh đồng lúa tươi tốt trở thành một ngôi làng phải di chuyển chủ yếu bằng ca nô. Đây là một dấu hiệu đáng báo động về ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến các cộng đồng dân cư ven biển không chỉ ở Indonesia, mà còn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

“Giờ mọi thứ chỉ còn là ký ức, những hoạt động như trước đây không còn xuất hiện mấy ở làng Timbulsloko của chúng tôi nữa”, ông Sulkan, 49 tuổi, chia sẻ. “Tại sao? Bởi rất nhiều địa điểm đã bị ngập úng do thủy triều gây ra”.

Cuộc sống của cư dân làng Timbulsloko đã bị thay đổi mạnh mẽ do tình trạng xói mòn bờ biển và mực nước biển dâng cao, bên cạnh đó, hoạt động khai thác nước ngầm quá mức cũng được xem là một nguyên nhân khiến đất bị sụt lún. Ngoài ra, ngôi làng ven bờ biển này cũng phải hứng chịu nhiều cơn lũ lụt do kể từ những năm 1990, người dân địa phương đã liên tiếp chặt phá rừng ngập mặn để làm ao cá. Theo Giáo sư Denny Nugroho Sugianto tại Đại học Diponegoro, 5km đất liền xung quanh làng Timbulsloko và thị trấn Demak của đảo Javan hiện đã bị ngập trong nước. Ông gọi đây là một “thảm họa chậm” đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, bởi theo một dữ liệu được công bố cho thấy, tốc độ lún của một số khu vực tại làng Timbulsloko lên tới 20 cm/năm, gấp đôi tỷ lệ được ghi nhận trước đó vào năm 2010. “Đây là tốc độ sụt lún đất cao nhất từng được ghi nhận trong khu vực này”, ông Sugianto nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu nhận định rằng phần lớn thủ đô Jakarta, một siêu đô thị, dự kiến sẽ bị nhấn chìm vào năm 2050 vì những lý do tương tự, thế nhưng những gì đang diễn ra ở những khu vực nằm dọc theo bờ biển Javan là vô cùng cấp bách.

Trước thực trạng đó, thầy giáo Sulkan đã buộc phải chuyển trường mẫu giáo của ông từ một ngôi nhà gỗ nằm ngay cạnh nhà ông sang một cơ sở khác trên vùng đất cao hơn để tránh bị ngập nước. Một số người dân sinh sống trong làng cũng đã quyết định nâng nền nhà bằng cách bồi thêm đất và lắp đặt sàn gỗ để giữ khô ráo cho ngôi nhà, trong bối cảnh hiện tượng lũ lụt đang trở nghiêm trọng và khó lường hơn.

“Tôi đã tôn nền nhà 3 lần kể từ năm 2018 với tổng chiều cao đạt 1,5m và tiêu tốn khoảng 22 triệu rupiah (tương đương 1.400 USD). Đối với tôi, mọi thứ dường như không có tương lai. Ngôi làng này có lẽ sẽ biến mất trong vòng chưa đầy 5 năm nữa. Chúng tôi không thể xây dựng, và cũng không biết mình làm gì trước tình hình hiện này”, ông Sularso, 54 tuổi, ngư dân tại làng Timbulsloko, giãi bày.

Tuy nhiên, mọi chuyện thậm chí có thể diễn biến trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu đang tiếp tục diễn ra và ngày một nghiêm trọng hơn.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc cho biết mức tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp có thể làm mực nước biển dâng cao thêm 43cm vào thế kỷ tới.

Những người trẻ của ở làng Timbulsloko thậm chí bị ám ảnh với tình cảnh thủy triều dâng cao, họ thường dành thời gian dành nhiều thời gian ở ngoài hơn là trở về ngôi nhà của mình với mong muốn thoát khỏi cảnh ngập úng trong cuộc sống hàng ngày. “Cuộc sống ở đây trở nên vô cùng đơn điệu”, anh Choirul Tamimi, 24 tuổi, cho biết các thanh niên trong làng thường lựa chọn ra ngoài vì họ ghét ở trong nhà. Anh Tamimi cho biết thêm: “Trước khi sử dụng thuyền và cano để di chuyển trong làng, tôi từng phải đi bộ qua lũ trên đường đi làm với một bộ quần áo thứ hai dùng để thay sau đó. Thế nhưng, sau một ngày dài làm việc, tôi không chỉ cảm thấy khó chịu vì mệt mà còn do bị ướt vì phải ngâm mình trong nước. Sức lực của tôi gần như bị bào mòn”.

Giáo sư Sugianto đã kêu gọi chính phủ Indonesia mở rộng khả năng tiếp cận nước máy cho người dân để giảm sử dụng nước ngầm và tìm cách lấp cát để khôi phục lại phần đất đã bị xói mòn. “Nếu không khôi phục lại được đường bờ biển ban đầu, chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề này một cách bền vững”, ông Sugianto nhấn mạnh.

Mộc Chi

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/bien-doi-khi-hau-dang-nhan-chim-mot-ngoi-lang-o-indonesia-post137671.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: