Đi cùng đoàn Đại sứ có bà Charlotte Laursen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam; bà Ylva Jansson, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam; ông Eirik Brun Soerlie, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đại sứ Haike Manning tại buổi tiếp và làm việc chiều ngày 5/10.
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao những đóng góp của Ngài Đại sứ Haike Manning cho sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - New Zealand. Bộ trưởng cảm ơn Chính phủ New Zealand và Ngài Đại sứ Haike Manning đã hỗ trợ Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng về lĩnh vực quản lý đất đai, tập huấn đào tạo, xử lý ô nhiễm môi trường.
Theo đó, từ năm 2007 đến năm 2015, Bộ TN&MT đã phối hợp với Công ty Environmental Decontamination Ltd (EDL) của New Zealand giới thiệu và thử nghiệm công nghệ nghiền bi xử lý đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, một trong ba điểm nóng ô nhiễm nặng dioxin có nguồn gốc từ chiến tranh ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, công nghệ này có tiềm năng xử lý dioxin, góp phần khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề xuất hướng hợp tác với New Zealand trong thời gian tới liên quan đến các lĩnh vực biển và hải đảo; môi trường; tăng cường năng lực, đào tạo trong lĩnh vực TN&MT; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, trong đó, xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (đặc biệt tại khu vực ven biển) thông qua các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tiếp làm việc với ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam để trao đổi về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, hướng hợp tác trong thời gian tới.
Hai bên cũng trao đổi kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và Bộ TN&MT hiện đang xây dựng kế hoạch này với 5 phần quan trọng. Cụ thể là, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với BĐKH; nguồn lực thực hiện; hệ thống công khai, minh bạch (Hệ thống MRV); thể chế, chính sách.
Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch Thỏa thuận Paris, Bộ TN&MT ủng hộ các hoạt động tổ chức, hội thảo, diễn đàn để trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan tới kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.
Nguồn: Báo TN&MT