Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc kiêm Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tại buổi tiếp
Mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của UNDP đối với Chính phủ Việt Nam nói chung, Bộ TN&MT nói riêng trong lĩnh vực TN&MT. Đồng thời cảm ơn cá nhân bà Pratibha Mehta đã luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc củng cố, tăng cường hợp tác với các Bộ, ngành, trong đó có Bộ TN&MT và định hướng chương trình của UNDP tại Việt Nam theo hướng phù hợp với các ưu tiên và nhu cầu quốc gia trong lĩnh vực TN&MT, đặc biệt là trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cảm ơn về những nhận xét tốt đẹp của Bộ trưởng Trần Hồng Hà đối với các hoạt động của UNDP, bà Pratibha Mehta mong muốn sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn với Việt Nam cũng như Bộ TN&MT, để cùng nhau giải quyết các vấn đề ở Việt Nam, khu vực và trên toàn cầu.
“UNDP luôn là đối tác thân thiết, hỗ trợ, sát cánh cùng Bộ TN&MT trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” - bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và bà Pratibha Mehta đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về một số vấn đề liên quan đến các thông tin về giải quyết sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung; tình hình triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam; kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới; việc tham dự Hội thảo về biến đổi khí hậu với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) và Hội thảo tham vấn Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu (Dự kiến tổ chức vào ngày 1/9/2016);…
Toàn cảnh buổi tiếp
Liên quan tới sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ trường Trần Hồng Hà cho biết, đây là sự cố môi trường nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở nước ta gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường, xã hội, an ninh, chính trị cả trước mắt và lâu dài. Ngay sau khi Công ty Formosa thừa nhận hành vi vi phạm, công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người dân khắc phục hậu quả môi trường và cam kết không tái phạm việc vi phạm pháp luật về môi trường, Bộ TN&MT đã huy động một đội ngũ lớn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đơn vị liên quan triển khai Chương trình quan trắc chất lượng môi trường biển; đồng thời tổ chức đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại 4 tỉnh miền Trung với một khối lượng công việc rất lớn. Việc triển khai được dựa trên các phương pháp đánh giá hiện đại có tính khoa học cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm độ tin cậy trong thời gian qua.
Ngày 22/8 vừa qua, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung để thông tin về mức độ, phạm vi an toàn của môi trường biển tới người dân nhằm giúp họ nhanh chóng khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục bám biển, bảo đảm sinh kế, an toàn sức khỏe của họ.
“Trong thời gian tới, để chủ động kiểm soát và có những phương pháp tối ưu để không để xảy ra sự cố môi trường tương tự như vậy, bên cạnh việc tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung, Bộ TN&MT và các địa phương sẽ triển khai đồng bộ công tác kiểm soát các nguồn thải, giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh và các nguồn thải ô nhiễm khác nhằm kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Đề cập tới vấn đề liên quan tới việc triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách tạo lập môi trường thuận lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc đánh giá thực trạng để điều chỉnh các chính sách, chiến lược, kế hoạch quốc gia nhằm hài hòa giữa ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề liên vùng, liên ngành, thu hút nguồn lực tư nhân và hỗ trợ quốc tế.
“Để triển khai hiệu quả Thỏa thuận Paris trong thời gian tới, Bộ TN&MT mong muốn UNDP tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ trong việc tăng cường thể chế, chính sách; huy động, tập hợp các nhà khoa học, các đối tác phát triển để giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhần mạnh.
Phát biểu tại buổi tiếp, bà Pratibha Mehta gửi lời chúc mừng Chính phủ Việt Nam về sự tham gia và đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị COP21 tại Paris. Bằng việc đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) lên Ban thư ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Việt Nam đã chứng tỏ sự cam kết mạnh mẽ tham gia cùng nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Bày tỏ sự tin tưởng rằng, với ý chí chính trị, nội lực của mình và sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, Việt Nam có thể sẽ đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình. Bà Pratibha Mehta khẳng định UNDP sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai Thỏa thuận Paris và mong rằng sự hợp tác về các hoạt động biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ ngày càng thành công và hiệu quả.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNDP sẽ ngày càng tốt đẹp, bền chặt; hợp tác trong lĩnh vực TN&MT sẽ tiếp tục phát triển, mang lại những kết quả thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Nguồn: monre.gov.vn