Hội thảo Khoa học Khí tượng cao không lần thứ IX

Đăng ngày: 17-12-2020 | Lượt xem: 3352
Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hưởng ứng Kỷ niệm 50 năm ngày Thành lập Đài Khí tượng cao không, sáng ngày 16/12, tại Hội trường Đài Khí tượng cao không đã tổ chức Hội thảo Khoa học Khí tượng cao không lần thứ IX.

Trong suốt 50 năm hoạt động, công tác nghiên cứu khoa học về khí tượng cao không đã từng bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm gần đây các nghiên cứu khoa học đã phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực. Không thể kể hết những công trình nghiên cứu khoa học về khí tượng cao không trong 50 năm qua, nhưng có thể thấy những kết quả nghiên cứu khoa học đó đã góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của chuyên ngành khí tượng cao không. Trong đó có tới 18 đề tài cấp cơ sở và cấp bộ đã và đang được áp dụng thực tế trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, 09 văn bản quy phạm pháp luật (Thông tư, Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia) được ban hành trong những năm gần đây và cùng hàng trăm đề tài nghiên cứu khác được hoàn thành với chất lượng cao.

Ngày nay, với kinh nghiệm và khả năng làm chủ về công nghệ, thiết bị, cùng với việc chủ động, sáng tạo của Lãnh đạo và sự năng động của các cán bộ viên chức, nhất là các cán bộ viên chức trẻ, rất nhiều công trình nghiên cứu đã, đang và sẽ được thực hiện. Có thể kể đến việc nghiên cứu tích hợp số liệu ra đa thời tiết, vệ tinh khí tượng, định vị sét; nghiên cứu ứng dụng số liệu ra đa thời tiết, vệ tinh khí tượng, định vị sét và thám không vô tuyến để giám sát, dự báo và cảnh báo dông, lốc, sét, bão, áp thấp nhiệt đới; ước lượng và dự báo định lượng mưa thời gian thực với độ phân giải cao 01km×01km. Đặc biệt, trong năm 2020, Đài Khí tượng cao không đã được phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng dòng quang để ước lượng và dự báo định lượng mưa cho toàn lãnh thổ Việt Nam trên cơ sở số liệu vệ tinh Himawari và ra đa thời tiết” và tham gia chính trong Đề tài nghiên cứu theo Hiệp định thư Việt Nam - Italia về “Phân tích và dự báo định lượng mưa trên cơ sở sử dụng đa nguồn số liệu quan trắc viễn thám và ứng dụng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo AI”.

Bên cạnh đó, Đài Khí tượng cao không đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án: dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trái đất của Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á - Keylab”, dự án “Tăng cường năng lực quan trắc gió trên cao phục vụ dự báo thời tiết, phòng tránh thiên tai và phát triển kinh tế xã hội”, nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống phần mềm, xử lý, khai thác và tích hợp đồng bộ số liệu ra đa thời tiết, vệ tinh, định vị sét, thám không vô tuyến phục vụ tác nghiệp dự báo khí tượng thủy văn”…   

Ông Nguyễn Vinh Thư, Giám đốc Đài Khí tượng cao không phát biểu tại Hội thảo

Ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại Hội thảo    

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV chúc mừng những thành tựu, tiến bộ về khoa học và công nghệ mà Đài đã đạt được. Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được tiếp nối và kế thừa những thành quả của các thế hệ đi trước để tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới. Với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục KTTV, đồng thời phát huy các truyền thống tốt đẹp của Đài trong suốt 50 năm qua, ông tin tưởng rằng toàn thể cán bộ viên chức và người lao động Đài sẽ luôn đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực tiếp tục chủ động trong các hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian tiếp theo.

Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế cũng được Đài đẩy mạnh, tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Sự hợp tác với Trường ĐH TP Tokyo, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, Khí tượng Hàn Quốc, Phần Lan cũng đã phát triển rất mạnh, đã mang lại nhiều thành công trong việc khai thác các nguồn dữ liệu mới có giá trị, các công nghệ kỹ thuật hiện đại vào công tác nghiệp vụ, nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo KTTV.

Báo cáo viên trình bày Báo cáo chuyên đề tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày các chuyên đề: Nghiên cứu thiết lập sản phẩm QVP-Quasil Vertical Profile cho hệ thống ra đa Đốp-le Vaisala phục vụ nghiệp vụ tại Đài Khí tượng cao không; Sử dụng dữ liệu Radar để theo dõi/dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm; Thử nghiệm triển khai hệ thống đồng hóa số liệu trong nghiệp vụ; Ứng dụng chương trình đồng hoá số liệu vệ tinh bằng hệ thống GSI trong dự bão cường độ bão Molave (Số 9) năm 2020.

Toàn cảnh Hội thảo

Bài và ảnh: Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: