Tham dự buổi ký kết, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Lê Công Thành cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: Tổng cục Môi trường; Cục Biến đổi khí hậu; Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Pháp chế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ; Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường; Báo Tài nguyên và Môi trường.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Pháp chế; Vụ Thi đua khen thưởng; Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục; Vụ Giáo dục mầm non; Vụ Giáo dục Tiểu học; Vụ Giáo dục Trung học; Vụ Giáo dục Thường xuyên; Vụ Giáo dục Đại học; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Cục Cơ sở vật chất; Vụ Giáo dục Chính trị và học sinh sinh viên và Văn phòng Bộ.
Hiện nay, cuộc sống đang phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, đối lập với nó là tình trạng ô nhiễm môi trường lại có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội.
Muốn giải quyết thành công bài toàn ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, trước hết cần bắt đầu bằng việc giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường cho mỗi người dân, cộng đồng, ngay từ những lứa tuổi, cấp học nhỏ nhất.
Để tăng cường phối hợp, nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được Chính phủ giao cho; đồng thời hướng ứng Thư kêu gọi của Thủ tướng Chính về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa, nâng cao nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời nhằm nâng cao năng lực cho hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ký kết chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2019-2025.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi ký kết phối hợp, hợp tác Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đều thống nhất quan điểm rằng: Chương trình phối hợp sẽ đảm bảo phát triển bền vững, tiếp tục đổi mới từ hoạt động giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường và đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục của tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Chương trình phối hợp công tác về bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện rõ tinh thần, quyết tâm cao về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.
Lễ ký kết này sẽ đánh dấu cho sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ với nội dung triển khai giai đoạn 2019-2025. Qua đó, sẽ tìm ra những giải pháp tốt nhất cho ngành tài nguyên môi trường và giáo dục đào tạo để tạo ra sự thúc đẩy, phát triển công tác giáo dục thế hệ học sinh luôn ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đưa ra được những thông điệp, tấm gương có ý nghĩa lan toả trong toàn xã hội.
Hai Bộ trưởng cũng thống nhất rằng, Biên bản ký kết ghi nhớ hôm nay sẽ là cơ sở tiền đề cho lãnh đạo các đơn vị thuộc hai Bộ sẽ giành nhiều sự quan tâm, tâm huyết và sẵn sàng triển khai được các nội dung, kế hoạch đề ra. Đồng thời, cũng phải gấp rút xây dựng thêm những dự án trong tương lai để phát triển cả ngành giáo dục đào tạo cũng như tài nguyên môi trường và được toàn thể các cấp học sinh, xã hội nhìn nhận một cách đúng đắn và đồng lòng hưởng ứng.
Hai Bộ trưởng thống nhất về việc hai Bộ sẽ cùng nhau đóng góp ý kiến xây dựng nền tảng giáo dục lâu dài từ cấp phổ thông gắn với ý thức, trách nhiệm nghĩa vụ với việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng những cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng và tập hợp được sự tham gia, ủng hộ đóng góp của những nhà trí thức chuyên gia có uy tín. Đồng thời, cần khuyến khích khối tư nhân tham gia để có được sự đồng thuận của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị hàng năm cần có sự đánh giá, tổng kết để phát huy những kiến thức, mô hình tiên tiến cũng như việc nhìn nhận xem xét những vướng mắc cần tháo gỡ. Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Môi trường xem xét đưa vào trong Giải thưởng Môi trường hàng năm khen thưởng những mô hình giáo dục, những trường đào tạo có những thành tích về giáo dục bảo vệ môi trường.
Theo đó, chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới.
Rà soát, xây dựng và phát triển hệ thống tài liệu, sổ tay hướng dẫn, tài liệu điện tử, học liệu, băng, đĩa hình… về giáo dục bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong đó chú trọng nội dung giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng , tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân huỷ.
Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về bảo vệ môi trường, tập trung vào việc giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân huỷ trong hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo.
Triển khai thực hiện các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Tổ chức các cuộc thi, trao giải thưởng trong lĩnh vực giáo dục bảo vệ môi trường.
Theo Báo TN&MT