Giám sát hoạt động theo cơ chế thường xuyên, liên tục, định kỳ và đột xuất
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từ tháng 7/2016 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ giám sát liên ngành, thành phần gồm: Tổng cục Môi trường, đại diện một số đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành của tỉnh Hà Tĩnh, một số Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, và các cơ quan khoa học của Việt Nam.
Tổ giám sát có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) của FHS; đôn đốc FHS khẩn trương khắc phục các tồn tại và hoàn thành các công trình BVMT theo cam kết, đảm bảo chất thải được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Việt Nam (QCVN), đồng thời cải tiến công nghệ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tổ giám sát hoạt động theo cơ chế thường xuyên, liên tục, định kỳ và đột xuất. Việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục thông qua các hệ thống quan trắc tự động, liên tục được kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường để giám sát 24/24h, bao gồm:
Đối với nước thải, đã yêu cầu FHS lắp đặt 04 trạm quan trắc tự động, liên tục để kiểm soát từng công đoạn sản xuất, xử lý môi trường (tại Trạm xử lý nước thải sinh hoạt, Trạm sinh hóa, Trạm công nghiệp và Trạm quan trắc online trước khi xả ra biển giám sát từ 11-15 thông số).
Về khí thải, đã yêu cầu FHS lắp đặt đầy đủ hệ thống xử lý khí thải tại các phân xưởng sản xuất và yêu cầu lắp đặt 20 trạm quan trắc tự động tại 20 ống khói để giám sát 08 thông số.
Đối với việc lấy mẫu phân tích chất thải để đánh giá chất lượng xả thải ra môi trường hàng ngày đối với nước thải, khí thải của FHS: nước thải được lấy mẫu phân tích đánh giá 03 lần/ngày ở các thời điểm khác nhau thông qua 02 Trạm kiểm định môi trường di động được đặt tại FHS từ tháng 7/2016 đến nay; khí thải được lấy mẫu phân tích 01 lần/ngày tại các ống khói có hoạt động xả thải.
Tổ giám sát đã cử bộ phận thường trực của tỉnh Hà Tĩnh hàng ngày có các cán bộ có mặt tại nhà máy để giám sát các hoạt động BVMT của FHS; định kỳ và đột xuất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh triển khai các đoàn kiểm tra, giám sát; từ năm 2016 đến nay đã triển khai 13 đoàn giám sát công tác BVMT tại FHS. Theo từng đợt kiểm tra, giám sát, Tổ giám sát đều trưng cầu các đơn vị phân tích, lấy mẫu (gồm: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) để lấy mẫu phân tích, kiểm tra, đánh giá, đối chứng về chất lượng xả thải của FHS, bao gồm: nước thải, khí thải, phân định chất thải rắn (bùn cán nóng, bùn lò cao và bùn lò chuyển), kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh (môi trường không khí, nước biển, trầm tích đáy, nước mặt, nước ngầm). Các thông số phân tích môi trường được Tổ giám sát thực hiện đầy đủ theo các QCVN quy định.
Nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra ngoài môi trường luôn đạt QCVN cho phép
Kết quả giám sát cho thấy tính đến cuối tháng 5/2017, FHS đã khắc phục xong các tồn tại, đã hoàn thành các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu tại Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT ngày 09/11/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động, liên tục; bổ sung 02 bể sự cố tại Trạm xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt; bổ sung công đoạn tiền xử lý, khử màu và lọc áp lực tại Trạm XLNT sinh hoá; bổ sung 04 bồn lọc cao tải tại Trạm XLNT công nghiệp; xây lắp bổ sung 02 hệ thống xử lý nước tuần hoàn dập cốc, 02 hệ thống xử lý nước mưa chảy tràn cho bãi chứa phế liệu và hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học trên diện tích khoảng 10 ha. Hiện nay, các dòng nước thải sinh hoạt, sinh hoá và công nghiệp đã được xử lý đạt QCVN ở các Trạm XLNT cục bộ của FHS sau khi qua hệ thống hồ sinh học tiếp tục được xử lý, cải thiện tốt hơn trước khi xả ra biển, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Riêng việc chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (việc sử dụng phương pháp làm nguội than cốc khô hay ướt đều không phát sinh nước thải ra ngoài môi trường và đều bảo đảm về môi trường quy định; tuy nhiên phương pháp làm nguội cốc khô có khả năng thu hồi nhiệt dư để phát điện, thân thiện với môi trường hơn): FHS đã lựa chọn công nghệ làm nguội cốc khô (CDQ) của Nhật Bản để thực hiện. Hệ thống CDQ số 1 đã hoàn thành và tiến hành nạp cốc để vận hành thử nghiệm từ ngày 17/3/2019; hệ thống CDQ số 2 đã cơ bản hoàn thành, dự kiến vận hành trong tháng 6/2019 theo đúng thời hạn đã cam kết.
Kết quả giám sát của Tổ Giám sát từ tháng 7/2016 đến nay cho thấy: nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra ngoài môi trường luôn đạt QCVN cho phép, một số thông số dần tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; chất lượng môi trường biển đã an toàn, ổn định; môi trường nước ngầm và không khí xung quanh luôn đáp ứng QCVN quy định. FHS đã quản lý các loại chất thải rắn phát sinh theo đúng quy định (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đã nhiều lần thông tin về nội dung này).
Chất thải rắn phát sinh đều được FHS quản lý theo đúng quy định pháp luật
Tại các nhà máy luyện thép liên hợp từ quặng sắt trên thế giới (tại Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc), chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của khu liên hợp được thu hồi, tái chế, tái tuần hoàn ở các công đoạn sản xuất khác nhau để giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra ngoài môi trường; ở Việt Nam, nội dung này cũng được khuyến khích thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Theo Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và tiêu hủy chúng cũng không quy định cụ thể chất thải ngành thép thuộc danh mục chất thải nguy hại, tuy nhiên các quốc gia thành viên tham gia Công ước (trong đó có Việt Nam) có quyền quy định cụ thể danh mục chất thải nguy hại và quy chuẩn áp dụng để xác định một loại chất thải có phải là nguy hại hay không. Tại các nước phát triển trên thế giới, chất thải ngành thép đang được sử dụng trực tiếp hoặc được sơ chế, xử lý sơ bộ trước khi dùng làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
Các loại chất thải rắn phát sinh kể từ khi vận hành Lò cao số 1 đến nay đều được FHS quản lý theo đúng quy định pháp luật, cụ thể:
Nhóm chất thải đã được hợp chuẩn/hợp quy là sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, được bán ra bên ngoài hoặc tự tái sử dụng tại FHS theo các mục đích đã hợp chuẩn/hợp quy, gồm: Xỉ hạt lò cao phát sinh khoảng 5.300 tấn/ngày đã được hợp quy là sản phẩm để sản xuất xi măng, đang được bán cho các nhà máy xi măng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài (đã chuyển giao 2.811.600 tấn, hiện tồn kho là 21.500 tấn); Tro bay nhà máy điện phát sinh khoảng 200 tấn/ngày đã được hợp quy là sản phẩm dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng (đã chuyển giao 190.600 tấn, hiện tồn kho là 60.600 tấn); Thạch cao nhà máy điện phát sinh khoảng 90 tấn/ngày đã được hợp chuẩn là sản phẩm để sản xuất xi măng (đã chuyển giao 59.700 tấn, hiện tồn kho là 1.300 tấn); Tro đáy nhà máy điện phát sinh khoảng 15 tấn/ngày đã được hợp chuẩn là sản phẩm phụ gia khoáng cho xi măng, hiện đang lưu giữ an toàn tại bồn chứa tro đáy và kho than của nhà máy điện.
Đối với một số loại xỉ thép (gồm: xỉ lò chuyển, xỉ đúc, xỉ khử lưu huỳnh) phát sinh khoảng 2.500 tấn/ngày. Thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 430/QĐ-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, FHS đã hợp chuẩn các loại xỉ thép này theo các tiêu chuẩn của Nhật Bản, Anh và Việt Nam để làm sản phẩm phụ gia xi măng, vật liệu cấp phối cho đường giao thông và vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng, giao thông. Tổng khối lượng đã phát sinh là 1.141.800 tấn, đã sử dụng trong công trình đường giao thông và vành đai cây xanh trong nội bộ nhà máy là 238.000 tấn, chuyển giao cho các nhà máy xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng là 21.600 tấn, hiện đang tồn 881.400 tấn được lưu giữ an toàn tại 03 bãi chứa xỉ thép trên bờ.
Nhóm chất thải có hàm lượng sắt cao có thể tự tái chế, tái sử dụng nội bộ hoặc chuyển giao cho các cở sở để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất: Chủ yếu là bụi thu hồi từ các xưởng sản xuất, bùn lò chuyển, gang xỉ, thép xỉ, bột từ.
Riêng đối với 1.334 tấn bùn cán nóng (thành phần chủ yếu là vảy cán) và 28.737 tấn bùn bụi phối trộn do có hàm lượng tổng dầu cao chưa được phép tái sử dụng, FHS đang lưu giữ an toàn trong thời gian chờ hoàn thành lắp đặt bổ sung thiết bị xử lý khí thải SO2, NOx và Dioxin/Furan tại 02 máy thiêu kết. Đối với bùn bánh lò cao phát sinh khoảng 150 tấn/ngày (đã tái sử dụng 8.200 tấn, hiện tồn kho là 79.900 tấn), Tổ giám sát đã yêu cầu FHS lưu giữ an toàn và xây dựng phương án tái sử dụng chất thải này nhằm thu hồi các thành phần có ích nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về môi trường.
Nhóm chất thải phải chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý: Rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 01 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp thông thường (bùn thải trạm XLNT sinh hoạt, bùn thải trạm XLNT công nghiệp, gỗ thải, nilong thải, chất thải xây dựng,…) phát sinh khoảng 12 tấn/ngày và chất thải nguy hại (bùn thải trạm XLNT sinh hóa, nước thải súc rửa đường ống, dầu thải,…) phát sinh khoảng 20 tấn/ngày được FHS lưu giữ an toàn trong khu liên hợp trước khi chuyển giao cho các đơn vị chức năng tại tỉnh Hà Tĩnh xử lý theo quy định.
Nhằm tiến tới nền sản xuất tuần hoàn, giảm thiểu tối đa lượng chất thải phải thải ra ngoài môi trường, FHS đã nghiên cứu, đề xuất nhiều phương án tái chế, tái sử dụng các loại chất thải rắn phát sinh như việc sử dụng xỉ thép đã hợp chuẩn làm đường giao thông, sử dụng vào công trình vành đai cây xanh. Đặc biệt là việc FHS đề xuất thay đổi phương án xử lý chất thải rắn từ chôn lấp tại bãi chôn lấp lấn biển sang phương án tái chế, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cũng đã được chấp thuận.
Đến nay, tổ Giám sát đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải, quản lý chất thải rắn của FHS, đảm bảo các loại chất thải trước khi xả ra ngoài môi trường phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về môi trường theo quy định; đôn đốc FHS khẩn trương hoàn thành các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường ghi nhận và cám ơn mọi ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân đề xuất nhằm làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường.
Đến nay, Bộ chưa nhận được văn bản của Công an tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, Bộ vẫn giao Tổng cục Môi trường nghiêm túc, cầu thị nghiên cứu để tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường đối với FHS nói riêng và các doanh nghiệp trên toàn quốc nói chung.
Theo Báo TN&MT