Việc khai thác nước ngầm quá mức tăng nguy cơ nhiễm mặn, sụt lún ven biển
Nhiều hệ lụy
Vài năm trở lại đây, điệp khúc thiếu nước sinh hoạt vào mùa hè trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng). Để có nước phục vụ sinh hoạt, hầu hết người dân đều phải làm giếng khoan để sử dụng chung với nước thủy cục. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển cũng khai thác nước ngầm để sinh hoạt và xả thải nước ngầm trực tiếp ra biển trong quá trình xây dựng.
Việc khai thác nước dưới đất một cách ồ ạt, tự phát thiếu chuyên môn, kỹ thuật và đặc điểm địa chất đã dẫn đến tình trạng khai thác quá mức cho phép. Theo số liệu của Sở TN&MT Đà Nẵng, tổng trữ lượng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn thành phố là 231.059m3/ngày đêm. Hiện trên địa bàn TP có 52 công trình khai thác nước ngầm được UBND TP cấp phép thăm dò, khai thác, 15.000 m3/ngày đêm, đạt khoảng 20% tổng trữ lượng có thể khai thác. Ngoài ra, còn có 2.500 công trình khai thác nước ngầm với quy mô nhỏ phục vụ ăn uống, du lịch, sản xuất, tưới tiêu đang được khai thác sử dụng không phải đăng ký.
Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phòng Tài nguyên nước - Sở TN&MT cho biết, rất khó phát hiện các tổ chức, cá nhân khai thác nước với quy mô trên 10m3/ngày đêm, bởi họ không bị buộc đăng ký khai thác nước ngầm. Thậm chí, khi phát hiện, cơ quan chức năng cũng khó xử lý vì không xác định được chính xác lưu lượng nước khai thác.
Trong khi nguồn bổ sung bị suy giảm do biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì việc khai thác nước dưới đất một cách ồ ạt đang khiến cho tầng nước bị cạn kiệt, gia tăng khả năng nhiễm mặn, ô nhiễm nước ngầm, sụt lún công trình. Đặc biệt, ở các khu vực gần biển như quận Sơn Trà, nước biển sẽ xâm lấn dần và làm nhiễm mặn nguồn nước… Bên cạnh đó, theo số liệu điều tra, đánh giá của đề án án “Điều tra, đánh giá mực nước dưới đất, khoanh định khu vực phải đăng ký công trình khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” thì đã xác định được được 16 xã, phường có dấu hiệu nước ngầm bị nhiễm mặn, mặn nhạt đan xen trong các tầng chứa nước lỗ hổng (qh, qp).
Theo TS. Nguyễn Thị Minh Phương - Trưởng khoa môi trường và công nghệ hóa (ĐH Duy Tân), những nghiên cứu của bà cho thấy hiện tượng bờ biển Đà Nẵng sạt lở trong thời gian gần đây có mối liên hệ với việc nhiều công trình xây dựng ven biển đã khai thác quá mức nước ngầm trong thời gian ngắn, dẫn đến yếu tầng nền, sụp lún cục bộ.
Đà Nẵng sẽ mở rộng vùng hạn chế và vùng đăng ký khai thác nước đưới đất
Tiết kiệm nước, tái sử dụng nước thải
Theo dự báo thì nhu cầu dùng nước cho các ngành trên địa bàn thành phố là rất lớn. Cụ thể, đến năm 2020, lượng nước yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp là 90 triệu m3/năm; cho sinh hoạt là 110 triệu m3/năm; cho công nghiệp là 26 triệu m3/năm. Trong bối cảnh, các hoạt động canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và nước thải đô thị đã làm cho nước sông bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước diễn ra trong mùa cạn do tác động của các hoạt động trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã khiến nguồn nước mặt bị hao hụt về khối lượng và suy giảm về chất lượng. Vì vậy, nguồn nước ngầm đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng để bổ sung nguồn cung cấp nước cho TP. Đà Nẵng.
Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, giải pháp căn cơ hiện nay tăng cường giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm; không khoan, đào giếng bừa bãi để khai thác nguồn nước ngọt; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và tăng mức xử lý vi phạm trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm của thành phố
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Ngô Quang Vinh- PGĐ Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết: Hiện Sở đang hoàn thiện Dự thảo Quy định về quản lý, hoạt động tài nguyên nước thay thế Quy định hiện hành để tham mưu UBND thành phố về việc điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất nhằm giảm lưu lượng, thời gian khai thác, số lượng giếng. Theo đó, sẽ mở rộng vùng hạn chế và vùng đăng ký khai thác nước đưới đất. Dự kiến sẽ trình UBND thành phố phê duyệt vào quý II năm 2018.
Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tái sử dụng nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép để tưới cây, rửa đường thay thế cho việc khai thác, sử dụng nước dưới đất. Dự kiến từ tháng 4-10/2018 sẽ triển khai thí điểm tại 01 khu nghỉ dưỡng trên địa bàn quận Sơn Trà hoặc Ngũ Hành Sơn. Sau đó, sẽ triển khai nhân rộng sang các khu nghỉ dưỡng khác. Ngoài ra, thành phố cần đầu tư hệ thống mạng lưới cung cấp nước máy đảm bảo các yêu cầu về lưu lượng, chất lượng, ổn định và liên tục cho nhu cầu hiện tại và tương lai của các tổ chức, cá nhân sử dụng, nhất là đối với các khu vực ở xa.
Nguồn: Báo TN&MT