Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, mặc dù đầu tháng 7-2019, do ảnh hưởng của bão số 2, ở Trung bộ đã có mưa nhưng lượng nước không đáng kể so với tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục, diễn ra nhiều đợt suốt nhiều tháng nay. Không chỉ thiếu mưa, nền nhiệt tại Trung bộ liên tục ở mức cao, phổ biến ở mức 37-40oC, gió phơn (gió Lào) càng làm tình trạng bốc hơi nhanh. Nhiều hồ chứa nước vẫn đang tiếp tục xuống thấp. Tại Nam Trung bộ, dung tích các hồ chứa chỉ còn 27%-56% thiết kế. Tình trạng “chia nhau” nguồn nước khan hiếm giữa thủy lợi và thủy điện lại tái diễn.
Một số hồ chứa thủy điện thường xuyên bổ sung nước cho hạ du hiện có mức trữ thấp, không đảm bảo cung cấp cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Trong đó có hồ Sông Tranh 2 (lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, bổ sung nước cho tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng) hiện đang dưới mực nước chết. Hồ Ka Nak, sông Ba Hạ (lưu vực sông Ba, bổ sung nước cho tỉnh Bình Định và Phú Yên) cũng xấp xỉ mực nước chết. Hồ Đại Ninh, Hàm Thuận (lưu vực sông Lũy, La Ngà, bổ sung nước cho tỉnh Bình Thuận) hiện dung tích hữu ích còn 0,5% và 8,6% so với thiết kế, thấp hơn trung bình nhiều năm 12%-23%.
Tại miền Bắc, Nhà máy Nước sạch sông Đà (cung cấp nước cho Hà Nội) cũng có công văn gửi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đề nghị tăng cường phát điện, xả nước về hạ du vì mực nước hạ du xuống thấp, có nguy cơ thiếu nước sạch cho Hà Nội. Tuy nhiên, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cũng có hồi âm đề nghị sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm để còn cân đối đảm bảo hoạt động phát điện.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, từ đầu tháng 7 đến nay, do nắng nóng, mưa ít nên tại khu vực Bắc Trung bộ có khoảng 4.450ha lúa bị hạn. Nếu nắng nóng vẫn kéo dài đến cuối tháng 7 thì diện tích bị hạn sẽ tăng lên 16.200ha. Tại Nam Trung bộ, hiện có 13.943ha bị hạn, xâm nhập mặn và có thể còn tăng lên tới cuối tháng 7 này. Dự báo, tổng diện tích cây trồng có thể bị hạn trong vụ hè - thu là khoảng 52.800ha. Tổng cục Thủy lợi đã có công văn gửi các địa phương hướng dẫn kế hoạch chống hạn.
Theo ssgp.org.vn