Thiếu nước sinh hoạt và sản xuất
Cuối năm 2012, UBND xã Quảng Trực đã tổ chức lễ công bố tái lập 2 bon Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 sau khi ngành chức năng huyện Tuy Đức cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho hơn 150 hộ dân. Các hộ dân tại 2 bon đã được cấp đất định canh, nhà ở kiên cố, đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Một hệ thống hạ tầng, bao gồm điện, đường, trường, trạm… được xây dựng bài bản, đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của hàng trăm nhân khẩu định cư tại khu vực này.
Nhưng, mấy năm gần đây, nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại bon Bu Prăng 2 ngày càng khan hiếm do ảnh hưởng của tình trạng khô hạn kéo dài. Nguồn nước ngầm từ giếng khoan tại công trình cấp nước tập trung của bon Bu Prăng 2 cũng sụt giảm nhanh chóng. Thêm nữa, do cấu tạo địa chất, nhiều giếng khoan tại đây chỉ sử dụng được vài năm, nước không đủ để đáp ứng dẫn đến bỏ hoang.
Kiến nghị hỗ trợ xây dựng đập thủy lợi
Trao đổi với PV, ông Điểu Long, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực cho biết, xung quanh bon Bu Prăng chưa có hồ đập nào đủ lớn để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng vào mùa nắng. Bà con MNông tại đây trồng các loại cây công nghiệp chủ yếu dựa vào nước mưa nên năng suất thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hiện tại, toàn bon có 150 hộ, trong đó, có 70% hộ thuộc diện nghèo.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho rằng, hai bon Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng. Do đó, để bà con ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với vùng đất này, bên cạnh cơ sở hạ tầng, cần phải có các giải pháp cấp thiết để hỗ trợ bà con tìm nguồn nước sinh hoạt đảm bảo cũng như phải xây dựng hệ thống thủy lợi để đáp ứng đủ nguồn nước tưới cây trồng cho người dân. Hiện tại, Huyện ủy, UBND huyện Tuy Đức đã kiến nghị các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông sớm hỗ trợ xây dựng 2 đập thủy lợi tại đây để bà con ổn định cuộc sống sinh hoạt và sản xuất.
Theo Báo TN&MT